- Nhà cho thuê: Nhu cầu lớn
Tại hội thảo, đánh giá về tình hình phát triển nhà ở, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) cho rằng, giá nhà ở tăng cao đã gây ảnh hưởng không tốt đến việc tạo lập nhà ở cho người dân. Hiện nay tình trạng mất cân đối về tỷ trọng các loại nhà ở, khoảng cách về điều kiện ở của người dân ngày càng chênh lệch cao. Ông cho biết, tỷ lệ nhà ở có diện tích từ 60m² trở lên chiếm 51% nhưng thực tế số hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 15m² hầu như không giảm trong 10 năm qua. “Nếu không điều chỉnh thì sự mất cân đối ngày càng cao” - ông Hà nói. Theo ông Hà, cả nước phấn đấu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 25m² người, tuy nhiên nếu chỉ tập trung phát triển nhà ở cao cấp thì không ổn.
Với con số diện tích nhà ở bình quân đầu người trên toàn quốc hiện nay mà Bộ Xây dựng đưa ra, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng đây là con số lạc quan thái quá. Để chứng minh, ông Đực đưa ra hàng loạt những hình ảnh người dân lao động tại TPHCM sống trong các khu nhà cho thuê chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh. Trong đó, có hình ảnh một căn nhà 50m² tại quận 12 có đến 39 người ở!
|
Một dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại quận 12 TPHCM. Ảnh: HUY ANH |
- Nên có chính sách riêng cho TPHCM
Mổ xẻ nguyên nhân tại sao các chương trình về nhà ở xã hội không được các doanh nghiệp (DN) “mặn mà”, nhiều DN cho biết khâu thủ tục xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) cũng rất nhiêu khê và tốn rất nhiều thời gian. Bà Lê Thị Liễu Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà - An Nhơn cho biết, dự án mà công ty bà đang thực hiện sau khi xong sẽ góp vào quỹ NƠXH gần 1.000 căn. Mặc dù là dự án đất sạch nhưng từ khi bắt tay vào làm thủ tục cho đến khâu quy hoạch 1/500 mất hết 3 năm. Lo xong khâu thủ tục, công ty của bà Nhân lại phải đối mặt với khó khăn về vốn trong tình hình thắt chặt cho vay BĐS như hiện nay nên bà lo lắng không biết có khởi công dự án trong năm nay được không.
Cũng liên quan đến thủ tục, ông Nguyễn Văn Đực nêu thực tế hiện nay, các dự án NƠXH tại TPHCM chính quyền đổ hết lên vai DN. DN phải tự lo thủ tục mà không được bất cứ hỗ trợ nào từ các sở-ngành, đó là chưa kể mỗi sở-ngành đều có những cách hành xử khác nhau để “hành” DN.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, đặc thù của Hà Nội và TPHCM khác nhau nên không thể xây dựng chung một chiến lược nhà ở cho cả hai TP mà nên có những chính sách, chủ trương riêng đi kèm cho từng TP. Theo bà Lê Thúy Hương, Tổng Giám đốc Công ty Phú Hưng Gia, việc xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện chiến lược nhà ở cũng rất quan trọng, trong đó phải lưu ý đến vấn đề bất hồi tố. Các đại biểu cũng kiến nghị cần phải có một phó thủ tướng tham gia làm “nhạc trưởng” để xây dựng, cũng như kiểm tra việc thực hiện chiến lược về nhà ở.
- Chưa đề xuất chính thức sở hữu nhà có thời hạn
Một vấn đề đang được rất nhiều sự quan tâm đó là việc sở hữu chung cư có thời hạn. Khẳng định tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, bộ chưa có bất cứ kiến nghị chính thức nào về sở hữu nhà chung cư có thời hạn mà chỉ mới có báo cáo với Chính phủ về việc này với mục đích đa dạng hóa sản phẩm, tăng hình thức lựa chọn cho người dân chứ không phải là hình thức duy nhất. Thứ trưởng cũng cho biết, thực tế tại Việt Nam cũng đã có hình thức sở hữu chung cư có thời hạn, đó là các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài. Thứ trưởng khẳng định, quy định này sẽ không hồi tố đối với những chung cư đã mua bán theo hình thức sở hữu lâu dài. “Nếu cho thuê đất có thời hạn thì chung cư xây dựng trên đó cũng chỉ sở hữu trong thời gian tương ứng là có cơ sở. Và như vậy thì giá nhà sẽ thấp hơn” - ông Nguyễn Mạnh Hà nói thêm.
Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng
Nguyễn Trần Nam cho rằng cần thiết phải xây dựng một hệ thống tài chính
nhà ở như Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Quỹ Tín thác BĐS để hỗ trợ cho người lao
động tạo lập nhà ở. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đổi tên có chữ “nhà ở”
để nhấn mạnh vai trò phát triển nhà ở, lo về nhà ở cho người dân.
| |
|