Singapore là quốc gia có mật độ triệu phú cao nhất thế giới. Tuy nhiên, đảo quốc 5,3 triệu dân này cũng bị kết tội là thiên đường rửa tiền cho giới giàu có toàn cầu. Đó là do quốc gia này có luật ngân hàng rất bí mật, đánh thuế thấp và là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Để xóa bỏ danh hiệu không mấy đẹp đẽ này, Singapore và Đức vừa đồng ý thắt chặt thỏa thuận đánh thuế hai lần, đồng thời cam kết tuân theo các chuẩn mực quốc tế về chia sẻ thông tin. Giới truyền thông cho biết số tiền người Đức chuyển sang Singapore hiện đã lên tới hàng chục tỷ USD. Ông Ronen Palan, giáo sư tại Đại học thành phố London cho biết: "Họ đều quan niệm một khi Thụy Sĩ tuyên bố nước này không còn là thiên đường trốn thuế nữa, thì Singapore sẽ là địa điểm lý tưởng tiếp theo".
Singapore được mệnh danh là thiên đường trốn thuế của giới siêu giàu. Ảnh: CNBC
Cả Singapore và Hong Kong đều được hưởng lợi từ tâm lý này. Họ hiện giữ tới 1.000 tỷ USD tiền gửi từ nước ngoài, khoảng 75% số đó đến từ các nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo hãng tư vấn Boston Consulting Group, cả hai quốc gia trên đều có thể vượt Thụy Sĩ - trung tâm tài sản nước ngoài lớn nhất thế giới hiện tại với khoảng 2.100 tỷ USD, trong 15 - 20 năm tới.
Singapore đánh thuế thu nhập cá nhân tối đa 20% và không có thuế thặng dư vốn. Vì vậy, Eduardo Saverin - đồng sáng lập Facebook đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để đến đây trước khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này IPO. Thuế đất 10% áp dụng cho người nước ngoài cũng không thể ngăn chặn làm sóng giới siêu giàu tại Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia ném tiền vào bất động sản Singapore.
Tỷ phú khai mỏ Australia - Gina Rinehart được cho là vừa chi 46,7 triệu USD mua hai căn hộ tại Seven Palms Sentosa Cove, một khu chung cư xa xỉ ven biển. Trong khi đó, tỷ phú Australia Nathan Tinkler cũng vừa đưa cả gia đình đến quốc đảo này sinh sống.
Trong ba năm qua, Singapore đã nâng cấp hơn một nửa trong số 70 điều luật thuế với các quốc gia khác để dễ dàng trao đổi thông tin về những vụ trốn thuế. Bắt đầu từ năm 2013, các ngân hàng giúp khách trốn thuế cũng sẽ bị buộc tội rửa tiền.
Ông Palan cho biết việc cố gắng rà soát các giấy ủy nhiệm của Singapore là rất khó khăn, một phần do họ khó tiếp cận các thông tin chi tiết về khu vực tài chính nước ngoài tại đây. Ông cho biết: "Làm nghiên cứu tại Thụy Sĩ tương đối dễ dàng. Nhưng ở Singapore thì không".
Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, phần lớn các nghi vấn về vai trò của Singapore đều tập trung vào hàng tỷ USD mà người Indonesia gửi tại đây. Tuy nhiên, hiện tại, khi các nước châu Âu kẹt tiền đang nỗ lực tăng thuế và ngân hàng Thụy Sĩ công khai sổ sách, thì Singapore lại đối mặt với cáo buộc số tiền đó có thể là phi pháp.
Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đang thúc giục các nhà băng nước này kiểm tra gắt gao giao dịch của khách hàng. Bộ Thương mại nước này cho biết, năm 2010 và 2011, 44 người đã bị kết tội rửa tiền tại Singapore, phần lớn liên quan đến lừa đảo, và gần 106,5 triệu USD đã bị thu giữ hoặc phong tỏa. MAS cho biết: "Singapore luôn áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nạn rửa tiền. Chúng tôi cũng không ngần ngại theo đuổi và đưa những vụ việc này ra tòa".