02/07/2013 9:46 AM
Từ tháng Bảy năm nay, Singapore bắt đầu thực hiện chính sách mới đối với các khoản vay ngân hàng để mua nhà ở. Theo chính sách của Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS, Ngân hàng trung ương nước này), các ngân hàng khi xem xét cấp khoản vay để mua nhà ở phải tính tổng cộng các khoản vay của khách hàng (kể cả vay để mua ôtô, vay để nâng cấp nhà cửa, vay tín dụng) không được vượt quá 60% thu nhập hằng tháng của người đi vay.

Đối với những người có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua nhà thứ hai trở lên (trước đây, họ thường khai báo là mua nhà cho bố mẹ hoặc con cái), các khoản vay của tất cả những người đồng đứng tên chủ ngôi nhà đều phải được cộng dồn.

Báo Straits Times, nhật báo hàng đầu của Singapore, số ra ngày 1/7 đã dẫn lời của Bộ trưởng Phát triển Quốc gia, ông Khaw Boon Wan, cho rằng chính sách mới đối với khoản vay mua bất động sản không nhằm vào những người có tiềm năng để trở thành chủ sở hữu bất động sản. Theo ông, đối tượng áp dụng của chính sách mới là những người mua nhà thứ hai, thứ ba trở lên - những người phải “căng mình ra” để đầu tư vào bất động sản “vượt quá năng lực tài chính của họ.”

Khi lãi suất tăng cao, những nhà đầu tư nêu trên khó có thể gánh được khoản vay thế chấp mua nhà tăng, do đó họ có thể buộc phải thanh lý nhà. Điều này có thể dẫn đến sự bất ổn trên thị trường bất động sản.

Bộ trưởng khẳng định chính sách thắt chặt hơn đối với các khoản vay để mua bất động sản là chính sách “lâu dài nhằm đảm bảo có một thị trường bất động sản bình ổn hơn.” Lãi suất thấp áp dụng đối với các khoản cho vay mua nhà hiện đang được áp dụng là không bền vững.

Mức lãi suất vay thế chấp mua nhà áp dụng trong những năm trước không đến 1% và đã dần tăng lên, hiện đứng ở mức 1,5%. Tận dụng cơ hội này, nhiều người Singapore và người nước ngoài đã mua thêm nhà thứ hai, thứ ba… như một hình thức đầu tư, dẫn đến nhu cầu nhà ở tại Singapore thời gian qua tăng mạnh. Chính phủ Singapore đã phải liên tục đưa ra các biện pháp để kìm hãm giá bất động sản như thuế sở hữu bất động sản và lãi suất tối thiểu đối với khoản vay mua bất động sản.

Từ tháng 12/2011, các công ty và người nước ngoài mua nhà phải trả thêm khoản thuế 10%, còn những người mua nhà thứ hai trở lên phải đóng thêm 3% tiền thuế. Gần đây, MAS cũng quy định mức sàn để tính lãi suất đối với các khoản vay mua bất động sản. Sau khi áp dụng các biện pháp này, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục lên giá, dù nhu cầu mua nhà của người nước ngoài đã giảm đi nhưng nhu cầu của người địa phương lại tăng lên đáng kể.

Các nhà kinh tế hàng đầu của Singapore cho rằng chính sách mới không chỉ ảnh hưởng đến người đi vay mà còn ảnh hưởng tới các ngân hàng. Ông Song Seng Wun thuộc tập đoàn ngân hàng CIMB dự đoán “nhiều khả năng chúng ta đang ở thời điểm cuối của giai đoạn kéo dài với lãi suất thấp và điều khoản vay tín dụng dễ dãi,” Ông nói. “Các biện pháp hạn chế về bất động sản sẽ đưa đến việc ngân hàng tăng lãi suất và người vay không còn gồng mình lên.”

Bà Selena Ling, nhà kinh tế thuộc ngân hàng OCBC, nhận định “chính sách mới sẽ đảm bảo rằng nếu lãi suất tăng nhanh hơn và sớm hơn so với dự kiến, các ngân hàng sẽ không phải đối mặt với những khoản vay khó đòi hoặc tịch thu tài sản”./.

Kim Yến (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.