Người dân Bình Quới - Thanh Đa sống chung với quy hoạch treo hàng chục năm trời
Dự án treo hơn 2 thập kỷ
Do dính “treo” hơn 20 năm, khu Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vẫn được ví như một nông thôn thu nhỏ giữa lòng TP.HCM. Đến đây, khung cảnh cuộc sống của người dân chẳng khác mấy một vùng quê với ruộng lúa, bờ ao, những con đường nhỏ dưới những hàng dừa. Thế nhưng, phía sau không gian tưởng như “yên bình” đó là cuộc sống khốn khổ của hàng ngàn hộ dân đã kéo dài hơn 20 năm vì dính quy hoạch. Nhà cửa ở đây đa phần lụp xụp, nhiều căn chỉ làm tạm bợ bằng lá dừa, tấm tôn. Theo người dân ở đây, mặc dù nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng họ không thể xây mới, muốn sửa chữa, cơi nới cũng phải xin phép, vướng rất nhiều thủ tục.
Chị Linh, một người dân sống trong vùng dự án cho biết, cuộc sống ở đây chẳng khác nào vùng quê. “Vẫn sống theo kiểu săn bắt hái lượm, muốn ăn rau thì ra ruộng hái, ăn cá thì đi thả câu, thậm chí sữa bò cũng được sản xuất tại chỗ vì có nhiều nhà ở đây nuôi bò sữa”, chị Linh đùa vui.
Chỉ vào con đường nhỏ, nham nhở trước nhà, chị Linh cho biết, bây giờ so với 4 – 5 năm trước đã khá hơn rất nhiều, lúc đó con đường này là đường đất, mỗi lần mưa lầy lội, sục lún, muốn đi chỉ vứt xe mà đi bộ. Nhiều người lần đầu vào đây đến khi đi ra không được vì lạc đường.
Theo tìm hiểu, từ năm 1992, phần lớn diện tích phường 28, quận Bình Thạnh được UBND TP.HCM phê duyệt làm dự án khu đô thị du lịch, sinh thái Bình Quới – Thanh Đa. Đến năm 2004, thành phố thu hồi, giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Thế nhưng, đến năm 2010, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn bị thu hồi quyết định chủ đầu tư. Sau đó, Tập đoàn Bitexco được thành phố giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của dự án này vào năm 2011. Đến năm 2015, đồ án quy hoạch 1/2000 của Bitexco được chính thức phê duyệt với quy mô dự án là 450 ha, dân số 45.000 người.
Tuy nhiên, đến nay hiện trạng của Thanh Đa – Bình Quới vẫn không có gì thay đổi, chưa có dấu hiệu rõ ràng dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Mua bán đất nhộn nhịp
Mặc dù đất bị dính quy hoạch treo nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi hoạt động mua bán, sang nhượng đất tại đây diễn ra khá sôi nổi.
Chị V, một người dân tại phường 28 đang rao bán một lô đất nông nghiệp 3.000m2 với giá 6 triệu/m2. Khi được hỏi dự án quy hoạch treo thì có ảnh hưởng gì không? Chị V cho biết, không ảnh hưởng gì cả vì đất của chị là đất của ông bà để lại, có sổ đỏ đàng hoàng. Là dự án quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có đền bù giải tỏa gì cả nên việc mua bán, sang nhượng vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi liệu có thể xây nhà để ở trên khu đất này không thì chị V cho biết, cái này thì phải ra phòng tài nguyên môi trường quận Bình Thạnh mà hỏi.
Ông Nam, một người dân tại đây cho biết, ông đã ở đây từ lúc nhỏ đến lớn, nghe thông tin dự án này quy hoạch cả hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa làm gì cả. Ông cho rằng, dự án quy mô quá lớn, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng là không hề đơn giản.
“Do đó, chưa biết khi nào dự án làm nên cứ mua bán bình thường, chỉ có điều là không thể xây dựng nhà được. Nếu mua để ở thì chọn những miếng đất đã có sẵn nhà, chứ mua mảnh đất trống thì rất khó để xin phép xây dựng nhà được”, ông Nam nói.
Người đàn ông này cho biết thêm, nhiều người vẫn tìm về đây mua đất. Một phần có thể họ thích không gian ở đây thoải mái, rộng rãi. Phần nữa là họ mua để đầu tư, theo kiểu liều ăn nhiều,.
Theo một chuyên gia bất động sản, việc đầu tư mua đất ở những vùng quy hoạch như con dao hai lưỡi, người mua cần phải cẩn trọng. Thường thì giá đất ở những khu vực này lúc nào cũng mềm hơn, nhiều người có tư tưởng mua chờ thời. Tuy nhiên, mặt trái của nó là tình trạng pháp lý không rõ ràng, đất đai chủ yếu sang nhượng viết tay, do đó, nếu không cẩn thận sau này có thẻ sẽ bị giải tỏa trắng, không được đền bù…
Nhức nhối dự án treo
Không chỉ khu Thanh Đa – Bình Quới, tại TP.HCM vẫn còn tràn lan rất nhiều dự án treo “trùm mền” nhiều năm gây lãng phí đất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Cụ thể các dự án quy hoạch hàng chục năm nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy như Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi), dự án Công viên cây xanh Ấp Doi (Gò Vấp), hay loạt dự án đất nền ở khu Đông như Đông Tăng Long, Nhà Phú Nhuận, Thạnh Mỹ Lợi triển khai nhiều năm trời nhưng đến nay vẫn trống vắng, không có người ở…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng trên 500 dự án treo.
Lý giải về nguyên nhân các dự án đang bị ngưng triển khai, ông Châu cho rằng, nhiều dự án nhà ở không thể triển khai được do vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng; nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được. Chính khâu bồi thường trì trệ, kéo dài, không dứt điểm nên dự án rơi vào trạng thái trùm mền.
Đồng quan điểm, một luật sư thuộc đoàn Luật sư TP.HCM phân tích, tình trạng người dân khiếu kiện, khiếu nại kéo dài tại nhiều dự án bất động sản hiện nay thường xuất phát từ giá cả đền bù, tái định cư chưa thỏa đáng. Vị này cho biết, đây là bài toán khó giải, cần phải có sự chia sẽ của chủ đầu tư, người dân và chính quyền để vừa đảm bảo quyền lợi của các bên vừa đảm bảo tiến độ cho các dự án được thực hiện theo đúng kế hoạch.
Không được xây nhà cửa trong dự án đã được quy hoạch Cuối năm 2015, người dân Bình Quới – Thanh Đa được phen vui mừng khi UBND TP.HCM quyết định chọn Liên danh Bitexco và Emaar Properties PJSC làm chủ đầu tư Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Theo đó, khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tổng mức đầu tư dự kiến 30.700 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng chính của dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân. Tổng diện tích dự án khoảng 426,93 ha và thời hạn thực hiện 50 năm. Trong đó, giai đoạn 1 (2016 - 2020) tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (2021 - 2025) đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng. Giai đoạn 3 (2026 - 2030) hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa có dấu hiệu được triển khai. Một cán bộ thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh cho biết, những khu vực thuộc phường 28 nằm trong phạm vi dự án đã được quy hoạch thì không được cấp phép xây dựng nhà cửa. |
-
TP.HCM ủy quyền cho quận, huyện cải tạo, xây dựng chung cư cũ đến năm 2027
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND, ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, với thời hạn đến hết ngày 31/12/2027....
-
Diễn biến lạ tại một doanh nghiệp bất động sản: Chủ tịch xin từ nhiệm, HĐQT không còn ai
Sau khi bán gần hết cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp bất động sản này cũng xin từ nhiệm. Đáng nói với việc lãnh đạo này rời ghế Chủ tịch, HĐQT công ty không còn thành viên nào.
-
Tái khởi động Trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng tại TP.Thủ Đức
Dự án Trung tâm Triển lãm Quy hoạch TP.HCM, tọa lạc tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức.