06/09/2011 1:02 AM
Thông điệp của Chính phủ vẫn rất rõ ràng sau phiên họp thường kỳ tháng 8, đó là tiếp tục quyết tâm thực hiện Nghị quyết 11. Để thực hiện điều này, Ngân hàng Nhà nước đang rất nỗ lực và gấp rút triển khai một số biện pháp về tín dụng ngân hàng và quản lý chặt thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng giữ nguyên mục tiêu là 20%, nhưng không nhất thiết phải sử dụng hết dư địa còn lại, và đến thời điểm này, có nhiều yếu tố cho phép giảm lãi suất.

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vừa trình Chính phủ thảo báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng và dự báo năm 2011 – 2012, trong đó có đề xuất xuất giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng từ mục tiêu 20% xuống 15%. Tuy nhiên, thông tin đáng chú ý mà Ngân hàng Nhà nước công bố cuối tuần qua, là tăng trưởng tín dụng thực của hệ thống ngân hàng không hề thấp, mà là khoảng 11,7%. Con số này cho thấy không có sự chênh lệch lớn giữa dự báo và thực tế. Ngân hàng Nhà nước giả định cả năm tăng trưởng tín dụng ở mức 18%, thì nghĩa là đến thời điểm này đã đạt khoảng 70% mục tiêu. Do vậy, không hề thấp, không có chuyện dồn toa vốn từ nay đến cuối năm.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng hết giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% trong năm nay. Thêm vào đó, một mục tiêu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước là hạ lãi suất đang được thực hiện quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22, trong đó có quy định bãi bỏ giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động. Theo quy định cũ tại Thông tư 13 và Thông tư 19, các ngân hàng thương mại chỉ được cấp tín dụng không quá 80% vốn huy động. Tức là nếu huy động được 10 đồng, thì chỉ được cho vay ra 8 đồng. Còn theo quy định mới, nếu huy động được 10 đồng thì được phép cho vay nhiều hơn. Cùng một số cơ sở khác, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định lãi suất sắp tới sẽ giảm, và giảm do khả năng nền kinh tế hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, không phải giảm theo mong muốn chủ quan.


Cũng trong chính sách tiền tệ, về thị trường vàng, điều dư luận quan tâm là từ nhiều diễn biến phức tạp của thị trường vàng, thì biện pháp của Ngân hàng Nhà nước sắp tới sẽ diễn ra như thế nào? Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đầu tiên sẽ là thúc đẩy nhanh việc trình Chính phủ Nghị định quản lý kinh doanh vàng. Hiện dự thảo đã được Ngân hàng Nhà nước chuyển qua Bộ Tư pháp để lấy ý kiến thẩm định. Còn đề xuất thứ hai về vàng được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra là, Nhà nước đứng ra huy động vàng trong dân. Đề án này đã được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc và Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ ngành để sớm triển khai trong thời gian tới.


Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 36%, và tác động mạnh đến tâm lý người dân, nhà đầu tư và thị trường vàng trong nước. Thực tế cho thấy có những giai đoạn người dân bán mạnh vàng ra, đó là từ tháng 4 đến tháng 7 vừa rồi. Sau đó, do tác động của giá vàng thế giới lại đẩy mạnh mua vào, cũng tạo cú sốc tăng giá và kẽ hở đầu cơ. Do vậy, theo chuyên gia thị trường giá cả Vũ Đình Ánh, nên hướng tới liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới để xóa độ trễ và khoảng cách về giá vàng.


Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, những đợt sốt vàng vừa rồi có sự đầu cơ, lũng đoạn thị trường, có tình trạng nhập lậu vàng, nhưng vẫn chưa cho biết đã phát hiện cũng như xử lý được đơn vị hay đối tượng nào. Thực tế vừa qua vàng trong nước không thiếu đến mức đẩy giá vàng trong nước tăng cao hơn đến 2 triệu đồng/lượng so với thế giới. Bởi trong khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu đến 15 tấn, thì đến cuối tuần vừa rồi mới nhập khẩu được khoảng 7 tấn.


Thực tế biến động của giá vàng trong nước còn phụ thuộc vào biến động tỷ giá. Do vậy, đối sách quan trọng của Ngân hàng Nhà nước để vừa thực hiện ổn định vĩ mô, vừa góp phần ổn định thị trường vàng, là neo tỷ giá ổn định từ nay đến cuối năm. Nếu có thay đổi cũng không quá 1%. Thêm vào đó, cũng cần kiểm soát thị trường ngoại tệ tự do. Vừa qua nhờ sự mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng, thị trường này rất trầm lắng, nhưng chưa bị xóa sổ, thậm chí có thời điểm biểu hiện là nếu không tiếp tục mạnh tay xử lý, thì thị trường này sẽ bùng phát trở lại, và sẽ tạo rất nhiều hệ lụy xấu đến nền kinh tế.

Theo Vũ Dũng (Đại biểu nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.