28/10/2014 4:31 PM
Sáng 28/10, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc Dự án Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi).

Tham dự hội thảo có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL), Bộ NN&PTNN, Bộ Xây dựng; đại diện các hội và các chuyên gia văn hóa, lịch sử, kiến trúc, xây dựng…

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua, TP đã phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan nghiên cứu tuyến đường sắt vượt sông Hồng để Thủ tướng phê duyệt, cập nhật vào đồ án quy hoạch giao thông; đáp ứng nhu cầu của cả đường sắt quốc gia và đô thị. Tuyến đường sắt Yên Viên-Ngọc Hồi đã được nghiên cứu nhưng vị trí cầu còn nhiều tranh luận, nên dự án đang vướng ở vị trí cầu vượt sông Hồng. Khu vực nghiên cứu có nhiều yếu tố lịch sử văn hóa của Hà Nội, đi sát qua khu phố cổ. Bộ GTVT và Hà Nội đã nghiên cứu nhiều về các vị trí cầu. Trước đây đã nghiên cứu trùng vị trí với cầu Long Biên… Tuy nhiên, đây là vấn đề khó và phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố, cuộc họp hôm nay một lần nữa được tổ chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, với quan điểm xây cầu đường sắt vượt sông Hồng phải hài hòa giữa bảo tồn, phát triển và nhận được sự đồng thuận của nhân dân là điều rất khó. Cần giữ nguyên cầu Long Biên như Thủ tướng yêu cầu, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới cầu Long Biên; Hạn chế tối đa GPMB; Thuận tiện cho kết nối giao thông công cộng; Đảm bảo không gian cho thông thuyền và thoát lũ sông Hồng; Hạn chế thay đổi hướng tuyến của tuyến số 1; Bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án…

Với tất cả các yêu cầu trên, TP mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, công luận và nhân dân…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại hội thảo.

Công bố 3 phương án nghiên cứu

Tại buổi hội thảo, ông Phạm Hữu Sơn-Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) công bố 3 phương án nghiên cứu vị trí cầu trên tuyến ĐSĐT số 1 vượt sông Hồng. Theo đó, phương án 1, tim cầu cách tim cầu Long Biên 30m về phía Thượng Lưu; phương án 2, tim cầu cách tim cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu; phương án 3, tim cầu cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu.

Theo ông Sơn, qua 3 phương án trên, nếu đặt tiêu chí hạn chế nhất GPMB và vấn đề ảnh hưởng thẩm mỹ của khu vực và cầu Long Biên ở mức chấp nhận được có thể chọn phương án 3 (cách 75m).

Tuy nhiên, nếu đặt tiêu chí thẩm mỹ kiến trúc khu vực và ảnh hưởng ít hơn tới kiến trúc cầu Long Biên, phương án 2 (cách 186m) có nhiều ưu thế. Dù vậy, do khối lượng GPMB lớn và chi phí cho GPMB cũng rất cao nên phương án này khó được lựa chọn. Hơn nữa khoảng cách 186m chưa đủ xa cầu hiện tại nên vẫn ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc.

Ngoài ra, ở phương án 1, khối lượng GPMB cũng rất lớn, cầu mới xây ngay sát cầu Long Biên nên có những ảnh hưởng đến kiến trúc và khó khăn trong thi công; ảnh hưởng tới đường lên xuống cầu Long Biên hiện tại nên cũng khó có thể được lựa chọn.

Phương án 2 nhận được nhiều ủng hộ

Qua báo cáo của đơn vị tư vấn, nhiều chuyên gia tham gia hội thảo thống nhất việc lựa chọn vị trí xây dựng cầu phải kết hợp giữa bảo tồn và phát triển cầu Long Biên, kết hợp các lợi ích kinh tế - văn hóa – xã hội và nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.

Tại hội thảo, nhà sử học Phan Huy Lê, GS.TS Lã Ngọc Khuê, GS Lưu Trần Tiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà sử học Lê Văn Lan… đều có ý kiến đồng thuận chọn vị trí xây dựng cầu theo phương án 3. Nguyên do là kiến trúc công trình không ảnh hưởng đến bảo tồn, phục chế cầu Long Biên; có cao độ đảm bảo được việc thông thuyền; không ảnh hưởng đến cảnh quan phố cổ nhưng cần đảm bảo việc không “lấn chiếm” phố Hàng Đậu…

Thiết kế 3 phương án cầu đường sắt vượt sông.

Nên cân nhắc phương án cách 186m…

Tại hội thảo cũng có đến 5 ý kiến của các chuyên gia cho rằng nên cân nhắc phương án 2 (cách tim cầu Long Biên 186m) như Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã phê duyệt và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nghiên cứu.

TS Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch Hội kỹ thuật cầu đường cho rằng phương án cách 186m hay nhất vì đảm bảo được việc bảo tồn cầu Long Biên gắn với khai thác khu đầu cầu và bãi giữa. Hơn nữa, phương án cách 75m giảm được GPMB vì chiếm dụng đường Hàng Đậu, tương lai sau này ảnh hưởng đến chức năng giao thông. TS Long cũng cho rằng về kiến trúc cảnh quan, cầu Long Biên như con rồng vượt sông Hồng sẽ không thay đổi nên cảnh quan kiến trúc cầu mới cũng phải tương đồng. Về phương án cao độ, cầu phải có chiều cao tĩnh không 10m để phù hợp với quy hoạch tổng thể GTVT Việt Nam và các giá trị truyền thống. Phải bảo tồn các vòm trên đường Phùng Hưng…

Ngoài ra, tại hội thảo còn có ý kiến nên kết hợp phương án cách 75m và phương án 186m vì có ưu điểm không ảnh hưởng tới cầu Long Biên, nhưng tuyến đường sắt này sẽ bị bẻ cong. Cũng có ý kiến xem xét lại chiến lược quốc gia của ngành đường sắt có nên đi qua khu vực sông Hồng không khi mà có rất nhiều vướng mắc hay là triển khai loại hình thay thế khác?

Sẽ sớm chốt phương án để triển khai

Qua buổi hội thảo với rất nhiều ý kiến đóng góp trí tuệ và tâm huyết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết sẽ ghi nhận và tập hợp tất cả các ý kiến để có nghiên cứu phù hợp. Bên cạnh đó, kết luận tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thống nhất quan điểm khi lựa chọn vị trí, phương án xây dựng cầu vượt sông Hông phải hài hoà các nguyên tắc, tiêu chí mà TP và Bộ GTVT đã lựa chọn (7 nguyên tắc, tiêu chí). Chủ tịch ghi nhận đa số ý kiến lựa chọn (9/15 ý kiến) thống nhất phương án cách 75m với các điều kiện đi kèm. Trong đó lưu ý kiến trúc cầu mới không ảnh hưởng tới cảnh quan, kiến trúc cầu Long Biên; bảo đảm được giao thông, kiến trúc cảnh quan phố Hàng Đậu.

TP và Bộ GTVT sẽ sớm chọn phương án thích hợp để có thể triển khai dự án. Bên cạnh đó, TP cũng thống nhất cần tổ chức hội thảo chuyên đề về bảo tồn cầu Long Biên. Trong tương lai xem xét kiến trúc các cầu qua sông Hồng vì Hà Nội đã không còn là TP trong sông mà là TP hai bên sông. Mặt khác, có thể xem xét việc xây dựng lại cầu Chương Dương để đáp ứng nhu cầu giao thông phát triển như một số chuyên gia đề xuất.
Lan Hương (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.