Một mặt, đây là điều đáng mừng cho địa phương đó vì nó cho thấy sự phát triển kinh tế kéo theo là công ăn việc làm, là tăng thu ngân sách và sự thay đổi bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn.
Nhưng đằng sau loại tin đó, người dân không khỏi chạnh lòng khi báo chí hầu như thiếu vắng các tin động thổ, khai trương các dự án trường học hay bệnh viện. Không cần quy mô và tần suất như các dự án trung tâm thương mại, chỉ cần mỗi tỉnh lâu lâu tuyên bố có xây thêm một bệnh viện hay một trường học cho tương xứng với mức tăng dân số không thôi đã là điều an ủi. Ước mong nhỏ nhoi này cũng hầu như không thành hiện thực ở nhiều vùng trên đất nước.
Đọc những bài quảng bá các dự án địa ốc, miêu tả không gian thoáng mát, đầy đủ tiện ích, kể cả sân chơi, đường đi dạo... rồi nhớ lại cũng những miêu tả nhưng cho thấy hình ảnh trái ngược khi hàng ngàn em học sinh chen chúc trong một khuôn viên chật hẹp, không đủ chỗ để tất cả toàn trường làm lễ chào cờ hay các em học thể dục - không biết mọi người nghĩ sao? Có lẽ ít ai quên được hình ảnh bệnh nhân, không chỉ nhiều người nằm chung một giường điều trị mà còn chui từ dưới gầm giường ra chào lãnh đạo ngành y tế.
Sẽ có người lập luận, sự cách biệt này là bởi một bên là dự án của tư nhân còn một bên Nhà nước phải bỏ tiền ra xây trường học và bệnh viện. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp thì đành vậy chứ biết làm sao?
Có thật như thế không? Ở đây, chúng ta khoan nói đến chi ngân sách vì thực tế chi ngân sách cho giáo dục tăng rất mạnh, các khoản vay ODA cho giáo dục cũng rất lớn (ví dụ, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo tăng từ 74.000 tỉ đồng năm 2008 lên đến 170.000 tỉ đồng năm 2012; hay với ODA thì, theo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, giai đoạn từ 2004-2014, Việt Nam vay 2,2 tỉ đô la Mỹ cho gần 40 dự án giáo dục!).
Ở đây chúng ta chỉ nói đến một yếu tố thôi - đất đai. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân - lẽ ra là một yếu tố thuận lợi để chính quyền các địa phương đưa vào kế hoạch sử dụng đất các công trình phúc lợi công cộng, đặc biệt là dành đất cho trường học và bệnh viện. Thế nhưng phần lớn các kế hoạch phát triển như thế ở các địa phương chỉ chăm chăm vào các trung tâm thương mại, quảng trường hay cao ốc văn phòng, căn hộ cho thuê. Những nơi có nhiều đất lại vẽ ra các dự án biệt thự ven sông, ven biển!
Đó là bởi lợi ích nhóm chi phối việc sử dụng đất chứ không phải xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng hay mong muốn của xã hội. Cứ tiếp tục đà này, đến lúc sực tỉnh rất có thể không còn mảnh đất nào để dành cho trường học và bệnh viện nữa.
Hiện nay nợ công Việt Nam ngày càng tăng, báo chí liên tục đăng bài mang tính báo động. Nếu gánh nặng nợ công là do các công trình an sinh như bệnh viện thì cũng đáng để mọi người chia nhau gánh vác. Còn như nợ công là do đầu tư tràn lan, ưu ái cho các dự án hoành tráng nhưng không mang lại hiệu quả xã hội thì đó mới là điều đáng báo động hơn cả.