Sau thông tin huyện Từ Liêm lên quận, nhiều tin đồn sẽ có cơn “sốt” về đất khu vực này. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV báo PL&XH, thị trường BĐS vẫn trầm lắng, giao dịch chưa nhiều so với những năm trước; chỉ có một số giới đầu cơ đang trong quá trình “thăm dò”, nghe ngóng.
Giao dịch cầm chừng…
Sau khi UBND TP Hà Nội công bố tách huyện Từ Liêm thành hai quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, giao dịch liên quan đến mua bán, chuyển nhượng nhà và đất vẫn chưa có gì biến động, ngay cả những khu vực được coi là “điểm nóng” vài năm trước như Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Mễ Trì… vẫn khá trầm lắng, thị trường BĐS có xu hướng giảm từ 10-30%.
Tại một số khu vực như Đại Mỗ, Tây Mỗ, Cổ Nhuế, Mỹ Đình, giá đất thổ cư dao động từ 30-60 triệu đồng/m2, giảm từ 10-20 triệu đồng so với thời kỳ “sốt đất”. Đối với căn hộ chung cư, biệt thự thuộc dự án của Vinaconex 7, Gleximco, Nam Cường vẫn không có giao dịch nhiều, giá mỗi m2 chỉ dao động từ 15-20 triệu đồng/m2.
Trao đổi với PV báo PL&XH, một số người dân sinh sống tại các xã Mỹ Đình, Cầu Diễn chia sẻ, họ đã rút kinh nghiệm sau đợt “sốt đất” thời điểm năm 2010. Do vậy dù có nhiều đất họ cũng không muốn bán, mà chỉ nghe ngóng, đến khi không cơn “sốt ảo” mới tiến hành giao dịch chuyển nhượng. Bên cạnh đó, thông tin huyện Từ Liêm lên quận thì người dân địa phương đã biết trước cách đây 4-5 năm, không bị ảnh hưởng nhiều đến quyết định đầu tư.
Một nhà đầu tư về đất có “số” ở khu vực Từ Liêm cho biết, thông tin Từ Liêm lên quận không có gì mới mẻ, hơn nữa vào thời điểm hiện tại, do kinh tế khó khăn nên việc giao dịch BĐS không thể tạo nên cơn “sốt”, mà chỉ có những giao dịch nhỏ đối với người có nhu cầu thực sự, giá trị mỗi lần giao dịch số tiền cũng chỉ trên dưới 1 tỷ đồng.
Thận trọng kẻo “chết”
Phân tích thêm về thị trường BĐS sau khi huyện Từ Liêm lên quận, ông Nguyễn Văn Cường- GĐ Cty Đầu tư hạ tầng Vilacera cho biết, sau khi thành lập quận thì địa dư hành chính cũng như các chế độ sẽ khác huyện. Bên cạnh đó, giá đất cũng thay đổi, điển hình như trước đây Sóc Sơn sáp nhập vào thì đất có đắt lên. Tôi tin rằng giá đất Từ Liêm sẽ có sự biến động với xu hướng tăng lên nhưng không tạo thành “sóng”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Cường, sau khi lên quận, khách hàng đến liên hệ với doanh nghiệp để mua căn hộ có phần tăng lên, nhưng không được nhiều.
Còn ông Nguyễn Hữu Cường- Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho rằng, việc tách quận chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS. Bởi lẽ, một đơn vị hành chính ở cấp xã lên phường, còn huyện lên quận đồng nghĩa với việc các nguồn vốn từ Trung ương và nhiều nguồn tiền khác sẽ rót về tương đối nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, vật chất cho các cơ quan công quyền để xứng tầm với cấp quận, kéo theo các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ khác, kéo theo giá thị trường BĐS tăng lên; còn việc có “sốt” như năm 2008-2009 thì không, cũng theo Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, vài ngày qua, những khu đất (đặc biệt là đất xen kẹt), đất giá rẻ ven ngoại thành “tạm ngủ” vài ba năm nay đang dần “tỉnh giấc” do có sự giao dịch, mua bán, chuyển nhượng.
Ông Nguyễn Hữu Cường chia sẻ: “Đây là cơ hội rất tốt cho những người thật sự muốn đầu tư vào khu vực này. Bởi lẽ, những khu đất trước đây vốn dĩ để hoang hóa thì nay dần trở thành hàng hóa đắt giá trong tương lai . Tuy nhiên, giới đầu tư BĐS đều có chiến lược kinh doanh của họ, nếu thấy đây là cơ hội thì đương nhiên họ sẽ nhảy vào, điều đó đồng nghĩa với việc thị trường BĐS sẽ dần được “hâm nóng”...
“Do đây là khu vực được chia tách, việc lập và điều chỉnh quy hoạch chắc chắn sẽ được thực hiện nên nhà đầu tư lẫn người dân phải rất thận trọng khi quyết định mua ở hay đầu tư một khu vực nào đó để tránh rơi vào tình trạng “chết” vì quy hoạch. Tùy theo mục đích và chiến lược đầu tư của từng cá nhân cụ thể, người ta sẽ có quyết định rót hay không rót tiền vào BĐS tại Từ Liêm, bởi chắc chắn sốt ảo hay sốt nóng thì không có, nhưng về lâu dài BĐS nơi đây sẽ được hưởng lợi từ việc Từ Liêm lên quận”, ông Cường nhận định.