16/09/2024 4:05 PM
Trong 7 tháng đầu năm 2024, doanh số bán thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát tăng 34% so với cùng kỳ, qua đó giúp nâng thị phần tại thị trường nội địa lên mức kỷ lục 37,9%.

Thị phần của Hòa Phát lên kỷ lục

Mới đây, Chứng khoán Vietcap đã có báo cáo phân tích về doanh nghiệp đầu ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim.

Theo Vietcap, mặc dù nhu cầu đã cải thiện trong 7 tháng đầu năm 2024 từ mức cơ sở thấp của năm 2023, sự phục hồi không đồng đều giữa các nhà sản xuất thép trong nước vẫn giữ nguyên.

Trong 7 tháng đầu năm, doanh số bán thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã tăng 34% so với cùng kỳ, vượt xa mức tăng trưởng chung của ngành là 13%. Qua đó, giúp nâng thị phần lên mức kỷ lục 37,9%.

Mặc dù tăng trưởng doanh số thép cuộn cán nóng (HRC) trong 7 tháng đầu năm 2024 của Hòa Phát thấp hơn so với thép xây dựng, nhưng HRC vẫn đạt được mức tăng trưởng mạnh ở mức 17%.

Tính từ đầu năm đến nay, nhu cầu thấp từ Trung Quốc đã làm giảm giá thép, nhưng chi phí đầu vào lại giảm nhanh hơn so với giá đầu ra.

Vietcap đã điều chỉnh giảm dự báo về giá bán trung bình và biên lợi nhuận của các sản phẩm thép của Hòa Phát, nhưng kỳ vọng rằng chi phí nguyên liệu đầu vào (quặng sắt, than cốc) giảm sẽ cải thiện biên lợi nhuận gộp trong nửa cuối năm lên mức cao hơn so với nửa đầu năm 2024.

Việc xuất khẩu thép giá rẻ của Trung Quốc đang khiến giá bán của các sản phẩm định hướng xuất khẩu như HRC và tôn mạ giảm mạnh hơn.

Từ đầu năm 2024, giá HRC tại Việt Nam đã giảm 19%, tương đương với mức giảm của HRC Trung Quốc. Tuy nhiên, giá bán trung bình của thép xây dựng Hòa Phát chỉ giảm 4% nhờ mức thuế bảo vệ 16,3-21,3% đối với thép nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với mức giảm 16% của thép thanh từ Trung Quốc.

Tại thị trường nội địa, tiêu thụ thép của Hòa Phát được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm nay nhờ kỳ vọng thị trường bất động sản hồi phục và hoạt động xây dựng tăng tốc khi bước vào quý 4 - mùa cao điểm thi công xây lắp.

Chuyển hướng sang mảng thép chất lượng cao

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết thời gian tới, tập đoàn sẽ điều tiết sản xuất theo tình hình thị trường, tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản.

Hòa Phát đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép

Hiện tại, Hòa Phát đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép. Tuy nhiên, ông Trần Đình Long khẳng định từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, thép cho sản xuất ốc vít, dự ứng lực ... tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép chất lượng cao.

Các sản phẩm thép chất lượng cao mà Chủ tịch Hoà Phát nói đến bao gồm thép HRC dùng cho sản xuất tôn mạ, vỏ container, ống thép. Trong tương lai, doanh nghiệp này tính tới việc sản xuất HRC phục vụ cho ngành công nghiệp đóng tàu và vỏ ô tô.

Ngoài ra, trong dòng sản phẩm chất lượng cao bao gồm các mác thép đòi hỏi kỹ thuật sản xuất khó hơn, dùng làm nguyên liệu cho sản xuất ốc vít, tanh lốp ô tô, cáp, thép dự ứng lực…

Lý giải cho việc chuyển hướng sang sản xuất thép chất lượng cao, ông Long cho biết định hướng tương lai của Hòa Phát là sẽ tập trung vào chiều sâu hơn với những loại thép khó sản xuất, đòi hỏi kỹ thuật cao với giá trị gia tăng cao hơn như ốc vít, thép đóng tàu, thép chế tạo…

“Tất nhiên, chúng tôi vẫn làm những sản phẩm cơ bản như thép xây dựng tuy nhiên sẽ không quá chú trọng đầu tư nữa”, Chủ tịch Hòa Phát cho biết.

Hiện nhà sản xuất thép này đang dồn lực triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án này có công suất thiết kế 5,6 triệu tấn, tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Hòa Phát dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm

Tính đến thời điểm tháng 8/2024, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Dự kiến, phân kỳ 1 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất Thép cuộn cán nóng vào giữa tháng 9/2024, sau đó nhà sản xuất này sẽ tiến hành chạy thử nguội, căn chỉnh thiết bị.

Với tiến độ hiện nay, dự án Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ được vận hành với hiệu suất tương đối cao ngay trong năm 2025, khoảng 80% cho giai đoạn 1, tương đương 2,2 triệu tấn/năm. Tương ứng, sản lượng HRC trong năm 2025 của Hòa Phát có thể đạt 5 triệu tấn, tăng 67% so với năm 2024, đáp ứng 40% nhu cầu HRC của Việt Nam.

Theo báo cáo đề xuất “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Công Thương, các chủng loại thép hợp kim sử dụng trong đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô và cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là hai ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Bộ Công Thương nhận định đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.

Về lâu dài, để đảm bảo nhu cầu các loại thép hợp kim, thép chất lượng cao trong nước cần tiếp tục thu hút và đầu tư một số nhà máy liên hợp sản xuất thép lớn để phục vụ nhu cầu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm