Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS), dự báo thị trường sẽ đảo chiều sau Tết Âm lịch.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS), dự báo thị trường sẽ đảo chiều sau Tết Âm lịch.
Ba nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn kép về nguồn vốn khi tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đồng loạt bị siết chặt. Ông đánh giá như thế nào về tình hình "sức khỏe" của những doanh nghiệp này?
Kể từ năm 2018 đến nay, chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường bất động sản, đặc biệt liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm nghiêm trọng.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2018 là gần 180.000 sản phẩm nhưng sang năm 2019 đã giảm xuống còn gần 110.000, năm 2020 chỉ còn hơn 90.000 sản phẩm. Năm 2021, thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều dự án phải ngừng thi công cũng như các vướng mắc về cơ chế chính sách vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để khiến nguồn cung căn hộ mới tiếp tục giảm xuống còn hơn 50.000 sản phẩm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, nguồn cung bất động sản giảm rõ rệt, chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.
Tỷ lệ hấp thụ trong quý 3.2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dòng tiền trục trặc làm ba nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Thứ nhất là các doanh nghiệp phát triển bất động sản. Ngoài 20% khoản tiền mặt phải có sẵn để giải phóng mặt bằng, để tiếp tục triển khai dự án, nhà đầu tư vẫn phải đi vay. Trong hệ thống vay, ngoài số tiền của khách hàng, ứng tiền của các nhà cung cấp, nguồn vốn tín dụng ngân hàng và trái phiếu bất động sản là hai kênh dẫn vốn quan trọng - mà hai kênh này, đang đồng loạt bị siết chặt.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải dừng, giãn, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt lực lượng lao động vì thiếu vốn trong khi doanh thu sụt giảm vì thanh khoản yếu.
Nhiều dự án đã triển khai đầu tư phải dừng lại, đợi xử lý thủ tục. Nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ doanh nghiệp phá sản rất cao, nhất là doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Thứ hai là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn do không thể bán được hàng, không thể tăng giá bán trong khi chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu,... liên tục tăng, gây áp lực lên giá đầu vào.
Thư ba, thị trường khó khăn cũng khiến các doanh nghiệp dịch vụ bất động sản bị hạn chế hoạt động kinh doanh; thậm chí buộc phải dừng hoạt động, đóng cửa kinh doanh.
Điều này sẽ gây ra những hệ luỵ nào cho nền kinh tế, thưa ông?
Việt Nam hiện chưa có hoặc chưa phát triển các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS), quỹ nhà ở,... nên vẫn bị phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.
Giai đoạn 2019-2021, thị trường chứng kiến sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với số lượng phát hành tăng đột biến làm gia tăng áp lực đáo hạn giai đoạn 2022-2026. Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỉ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỉ đồng). Riêng cuối năm 2022, giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản đạt khoảng 37.000 tỉ đồng. Lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phải đáo hạn năm 2023, tương đương khoảng 100.000 tỉ đồng. Năm 2024 cũng tương tự, vậy tiền đâu để trả?
Ngành bất động sản bị tác động sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 30 ngành nghề như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất… bởi tình trạng chậm thanh toán của chủ đầu tư, đồng thời tác động gián tiếp bởi những hậu quả chung của nền kinh tế khi ngành bất động sản lâm nguy.
Bên cạnh đó, khách hàng có nhu cầu mua bất động sản bị “làm khó” bởi chính sách tín dụng từ các ngân hàng ngày càng ngặt nghèo hơn, điều kiện giải ngân khó hơn. Vì vậy, nếu không tiếp cận được các dòng tín dụng cho vay mua nhà, thì đầu ra thị trường sẽ càng đi xuống, gây sụt giảm doanh số bán hàng cho doanh nghiệp bất động sản. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp bất động sản không thu hồi được vốn, đồng nghĩa với việc không thể trả nợ ngân hàng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên rất cao, có thể đưa hệ thống tín dụng vào tâm thế khủng hoảng.
Mặt khác, doanh nghiệp bất động sản suy yếu sẽ là thời cơ để nhà đầu tư nước ngoài "thâu tóm" phần lớn cổ phần, dự án bất động sản với giá rẻ. Như vậy, thị trường bất động sản dễ bị đẩy vào sự kiểm soát của doanh nghiệp nước ngoài.
Thị trường sẽ dần ấm lên
Theo ông, thị trường bất động sản 2023 sẽ diễn biến như thế nào?
Thị trường bất động sản năm 2023 có thể xảy ra theo hai kịch bản:
Kịch bản thứ nhất, sau Tết Quý Mão, Chính Phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh, thị trường sẽ dần ấm lên và ổn định đến cuối năm.
Kịch bản thứ hai, thị trường bất động sản năm 2023 khả năng vẫn còn khó bởi dòng vốn chưa được khơi thông.
Theo tôi, thị trường khả năng xảy ra theo kịch bản thứ nhất. Để thích ứng, doanh nghiệp bất động sản sẽ chủ động cơ cấu lại sản phẩm tại các dự án đang phát triển theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đồng thời tập trung phát triển nhiều hơn các sản phẩm bất động sản có giá phù hợp tại các dự án mới, khi đó thị trường sẽ lưu thông và thanh khoản tốt hơn.
Thời gian tới, chuyển đổi số sẽ được các doanh nghiệp lựa chọn, ứng dụng tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin, dữ liệu về thị trường, giúp thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Ông có kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay?
Tôi hoàn toàn toàn ủng hộ chỉ đạo của Chính Phủ tại Chỉ thị 13/CT-TTg và quan điểm của Bộ Xây dựng trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV.
Tuy nhiên, để thị trường bất động sản không bị tổn thương, tránh đổ vỡ, tiếp tục duy trì và phát triển bền vững, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hoạt động đúng hướng, ổn định, người dân có thể mua được nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả, theo tôi cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa luật, nhưng nội dung sửa cần bám sát thực tế. Nếu còn vướng mắc thì còn phải sửa, không nên vội vã phê duyệt, nhất là Luật đất đai.
Trong quá trình chờ sửa luật, Chính Phủ có thể xem xét ban hành một số cơ chế đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương trong công tác xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư.
Lạm phát đang được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước nên nới room tín dụng cho thị trường bất động sản, khoảng 1-2%; hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt khó, đồng thời tránh ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng của quốc gia, tạo cú hích để thị trường sôi động trở lại. Ngân hàng chỉ cần kiểm soát tốt dòng tiền để nó chảy đúng đối tượng, đúng mục đích, dành nguồn vốn tín dụng áp dụng riêng cho các dự án nhà ở thương mại giá rẻ ( có giá bán nhỏ hơn 25 triệu đồng/m2), nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có bất động sản, đặc biệt với các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý, các dự án nhà ở xã hội.
Do cần có thời gian để thị trường trái phiếu ở Việt Nam nâng tầm chuyên nghiệp, đồng thời hỗ trợ để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể huy động vốn ngay tại thời điểm này, kiến nghị Chính Phủ nên có thêm một số quy định tạm thời cho thời hạn ngắn (1-2 năm), đủ thời gian giúp các nhà đầu tư hoàn thiện tính chuyên nghiệp theo tinh thần Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp phát triển bất động sản nên cân nhắc điều chỉnh chiến lược phát triển và phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực của đại chúng, những người lao động, công chức, thu nhập thấp,... để cân bằng thị trường, phát sinh giao dịch giúp thị trường sôi động trở lại.
Xin cảm ơn ông!
-
Mấu chốt “phá băng” thị trường bất động sản nằm ở đâu?
Bất động sản hiện nay chỉ đang thiếu thanh khoản do tâm lý nhiều người không tin vào thị trường sau hàng loạt vụ đổ bể từ phát hành trái phiếu.
-
Lãi suất giảm, kênh đầu tư nào vào tầm ngắm?
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại các ngân hàng lớn hầu hết giảm dưới 5.3%, nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển dòng tiền, đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản, giao dịch chuyển nhượng quý 4.2023 bùng nổ....
-
Thị trường bất động sản khó có thể trở lại như trước
Bất chấp tác động từ lãi suất thế chấp và khả năng chi trả tiền thuê nhà giảm, các chuyên gia dự đoán giá nhà trên toàn cầu khó có thể trở lại “bình thường” như trước đại dịch Covid-19....
-
Loạt doanh nghiệp địa ốc rục rịch bung hàng, nhà đầu tư bắt đầu hành trình “săn đất”
Hàng loạt dự án quy mô lớn trải dài từ Bắc vào Nam đa dạng phân khúc khởi động chiến dịch bán hàng; lãi suất vay mua nhà giảm, người dân rục rịch xuống tiền, chấp nhận mức giá “cắt lỗ” là những tín hiệu tích ...