Nhiều doanh nghiệp địa ốc tăng cường phát hành cổ phiếu, đưa ra chiến lược hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh room tín dụng nới nhỏ giọt và không tác động nhiều đến ngành bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc tăng cường phát hành cổ phiếu, đưa ra chiến lược hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để duy trì hoạt động kinh doanh.

Trong nửa đầu năm 2022, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, sự suy giảm của thị trường trái phiếu. Trong bối cảnh khó khăn về dòng vốn, một số doanh nghiệp bất động sản đã lên kế hoạch thích ứng mới để duy trì hoạt động kinh doanh.

Đơn cử như Tập đoàn Nam Long đang hợp tác với những đối tác quốc tế có nguồn lực mạnh như Hankyu Hanshin, Nishi Nippon, Keppel Land… Hiện tại, tập đoàn này đang triển khai cùng lúc 10 khu đô thị và dự án lớn. Các dự án này đều đã chuẩn bị xong về pháp lý, quy hoạch, nộp tiền sử dụng đất sẵn sàng để phát triển, mang về nguồn thu chính cho tập đoàn trong thời gian tới.

Được xem là một “đại gia” của thị trường bất động sản Hà Nội, Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp cho biết doanh nghiệp đang lên 2 phương án là chuẩn bị phần tài chính sẵn có của mình và chuẩn bị phương án kinh doanh một cách chi tiết để các ngân hàng thấy khả tin khi cho vay.

“Chúng tôi luôn luôn phải tính toán để cân nhắc những dự án nào dùng vốn của mình, chủ động phần nào không vay được ngân hàng để tránh áp lực về dòng tiền”, ông nói.

Ngoài ra, nhiều “ông lớn” bất động sản cũng lên kế hoạch thích ứng mới khi dòng vốn khó khăn. Có thể kể như Novaland công bố nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. Doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn huy động để tiếp tục mở rộng quỹ đất và hoàn thành các dự án trọng điểm.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến nay, trong nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, Novaland phát hành nhiều nhất với 9.857 tỉ đồng, lãi suất phát hành trung bình gần 10,2%/năm.

Với Phát Đạt (HoSE: PDR), tập đoàn này chủ trương mở rộng nguồn vốn từ trái phiếu khi tổng huy động hơn 3.000 tỉ đồng, tăng 30% sau nửa năm và chiếm hơn 63% tổng nợ vay. Đồng thời, công ty cũng tăng cường vay các bên liên quan hơn 1.000 tỉ đồng, cao hơn 160% so với đầu năm.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã công bố quyết định chuyển nhượng cổ phần Công ty Cổ phần SG - KL, đơn vị sở hữu dự án Astral City (Bình Dương) và dự kiến thu về 3.350 tỉ đồng trong các quý tới. Thương vụ này được kỳ vọng không những giúp Phát Đạt hoàn thành sớm mục tiêu lợi nhuận năm 2022 mà còn là nguồn vốn để tiếp tục phát triển các dự án mới.

Tương tự, Hưng Thịnh Land cũng bước chân vào thị trường vốn quốc tế với thương vụ huy động 103 triệu USD từ Dragon Capital và VinaCapital để bổ sung cho các dự án từ vừa hợp túi tiền. Sắp tới, doanh nghiệp này còn đặt kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vào năm 2023.

Với CEO Group (HoSE: CEO), doanh nghiệp này lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 5.147 tỉ đồng thông qua phương án phát hành hơn 257 triệu cổ phiếu. Số tiền thu được từ việc phát hành thêm cổ phiếu, tập đoàn này dự kiến sẽ sử dụng cho các mục đích theo thứ ưu tiên đầu tiên là làm dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences.

Tập Đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) cũng lên phương án phát trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với tổng giá trị phát hành tối đa 300 triệu USD.

Là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn hàng đầu cả nước, các hoạt động của Vingroup cũng luôn được nhiều người quan tâm. Theo số liệu VBMA, chỉ tính riêng từ đầu năm nay đến nay, thị trường trái phiếu có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Vingroup trị giá 625 triệu USD, 18 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 9.296 tỉ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 344 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 211.300 tỉ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

Tính đến cuối tháng 6/2022, hàng tồn kho của Vingroup tăng 61% lên gần 81.000 tỉ đồng do có nhiều bất động sản để bán đang xây dựng và dự án mới mở bán. Đây chính là phần sẽ mang lại nguồn thu cho Vingroup trong nửa cuối năm khi nhiều sản phẩm ở các phân khúc đang tăng tỷ lệ hấp thụ. Theo tính toán của Vingroup, Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire với các sản phẩm dự kiến được giao từ quý 3 năm nay sẽ giúp tập đoàn hoàn thành mục tiêu đề ra ở mảng bất động sản.

Một tín hiệu vui đối với doanh nghiệp bất động sản gần đây là Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được chính thức ban hành. Nghị định này được dự báo sẽ tác động tích cực đến thị trường.

Đối với doanh nghiệp phát hành, nghị định không siết điều kiện chào bán, nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành. Đặc biệt, nghị định mới ban hành đã giải tỏa nỗi lo của thị trường khi các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FiinGroup, các doanh nghiệp địa ốc nên mở rộng kênh vốn từ khách hàng và đối tác. Cụ thể, các chủ đầu tư có thể tận dụng kênh vốn từ khách hàng qua việc nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý và tiến độ triển khai dự án để có thể mở bán và nhận các khoản trả trước từ khách hàng, nhất là khách hàng cá nhân.

Bên cạnh đó, cần có phương án tài chính hấp dẫn nhằm đẩy mạnh tiến độ thu tiền trả trước từ khách hàng, đồng thời tận dụng kênh vốn từ đối tác hợp tác kinh doanh và nhà cung cấp (vốn lưu động). Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản có thể đẩy mạnh kênh trái phiếu chào bán ra công chúng.

  • Nới room nhỏ giọt, khó đến lượt vay để đầu tư bất động sản

    Nới room nhỏ giọt, khó đến lượt vay để đầu tư bất động sản

    Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng động thái nới room tín dụng tại một số ngân hàng thấp hơn kỳ vọng. Việc giải ngân vào bất động sản vẫn bị siết chặt, chỉ thực hiện đối với những dự án tốt được thẩm định kỹ, không dễ để vay với mục đích đầu tư bất động sản.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.