Quyết định nêu trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao mang tên Vin Aviation đảm nhiệm. Khóa đào tạo đầu tiên của hãng vẫn đang triển khai tiếp tục được duy trì với đầy đủ cam kết với học viên.
Theo đề án của Vinpearl Air, hãng hàng không có tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, dự kiến khai thác cả nội địa và quốc tế từ tháng 7/2020, khởi đầu với đội bay 6 chiếc. Sau đó, mỗi năm, Vinpearl Air sẽ khai thác thêm 6 chiếc, nâng tổng số tàu bay lên 36 vào năm 2025. Tuy nhiên, Cục Hàng không lưu ý Vinpearl Air về quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng vượt quá nhu cầu của thị trường. Do vậy, quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.
Cách đây nửa năm, Vingroup đã tiến hành thủ tục đổi tên Công ty Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia (thành lập tháng 6/2017) thành Công ty Hàng không Vinpearl Air, có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội.
Tháng 7/2019, Vingroup ký thoả thuận với Tập đoàn CAE (Canada) hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Vingroup cũng đồng thời xúc tiến các thủ tục để thành lập hãng Vinpearl Air.
Trước đó vào tháng 12/2019, Vingroup đã rút khỏi mảng bán lẻ và nông nghiệp. Quyết định dừng đầu tư kinh doanh hàng không là bước đi trong lộ trình tái cơ cấu hoạt động, tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của tập đoàn.