Ảnh minh hoạ.
Reuters dẫn lại thông báo ngày 12/3 của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ cho biết, tiền gửi của tất cả khách hàng tại ngân hàng Signature sẽ được đảm bảo và họ sẽ không có bất cứ tổn thất nào.
Các cơ quan quản lý ngân hàng New York cũng đã chỉ định Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đứng ra xử lý tài sản của Signature sau ngân hàng này bị đóng cửa. Tính đến ngày 8/3, tổng giá trị các khoản tiền gửi của Signature là 89,17 tỷ USD.
Cũng theo cơ quan này, các cổ đông và một số chủ nợ không có bảo hiểm sẽ không nhận được đảm bảo tài sản từ FDIC, việc hỗ trợ cho nhóm khách hàng này đang được xem xét. Ngoài ra các nhân sự cấp cao của Signature cũng sẽ bị thay thế.
Việc cơ quan quản lý ngân hàng ở New York quyết định đóng cửa Signature diễn ra chỉ vài ngày sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), cùng với đó là hàng tỷ USD tiền gửi của khách hàng và các công ty đầu tư không được bảo hiểm, Reuters đưa tin.
Theo kênh CNN, các nhà quản lý California đã đóng cửa SVB và đặt ngân hàng này dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). FDIC đang đóng vai trò là bên nhận, thường có nghĩa là FDIC sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng SVB để trả lại cho khách hàng, trong đó có cả người gửi tiền và chủ nợ.
FDIC cho biết, tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có quyền tiếp cận đầy đủ số tiền gửi chậm nhất là vào sáng 13/3. Với những người gửi tiền không được bảo hiểm, FDIC sẽ trả cho họ một khoản cổ tức tạm ứng trong tuần tới.
SVB bắt đầu sụp đổ khi ngân hàng này tuyên bố họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán cổ phiếu mới trị giá 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. Điều này đã gây ra hoảng loạn trong các công ty đầu tư mạo hiểm quan trọng và họ đã khuyên các công ty mà họ đầu tư rút tiền khỏi ngân hàng SVB.
Cổ phiếu của SVB giảm giá vào ngày 9/3, kéo theo giá cổ phiếu của các ngân hàng khác đi xuống theo. Đến sáng thứ 10/3, cổ phiếu của SVB đã bị tạm dừng giao dịch và SVB đã từ bỏ nỗ lực tăng vốn nhanh chóng hoặc tìm người mua. Một số cổ phiếu ngân hàng khác đã tạm thời ngừng giao dịch vào ngày 10/3, như First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank.
Theo số liệu công bố mới nhất của SVB, tính đến cuối năm 2022, nhà băng này có 175 tỷ USD tiền gửi. Trong đó, chưa đầy 15% là được bảo hiểm.
Nguyên nhân là bảo hiểm tiền gửi của FDIC chỉ dành cho khách hàng sử dụng hàng ngày và gửi tối đa 250.000 USD. Trong khi đó, khách hàng của Silicon Valley Bank chủ yếu là các startup. Họ gửi hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD tại đây để điều hành công ty và trả lương nhân viên.
Theo các chuyên gia, sự sụp đổ của SVB một phần do chính sách nâng lãi mạnh tay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm qua. Khi lãi suất còn quanh 0%, các ngân hàng tích cực mua vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, rủi ro thấp. Tuy nhiên, khi Fed nâng lãi để đối phó lạm phát, giá trị số trái phiếu này giảm theo, khiến các ngân hàng phải gánh khoản lỗ khổng lồ trên giấy tờ.
Lãi suất cao cũng khiến các hãng công nghệ gặp khó, do nó làm giảm giá cổ phiếu và khiến họ khó huy động vốn, kinh tế trưởng tại Moody's Mark Zandi giải thích. Việc này khiến nhiều hãng công nghệ phải rút tiền gửi khỏi SVB để duy trì hoạt động.
"Lãi suất cao cũng làm giảm giá trị của trái phiếu chính phủ và các chứng khoán khác mà SVB cần để trả cho người gửi tiền. Tất cả những việc này đã châm ngòi cho làn sóng rút tiền gửi, buộc FDIC phải tiếp quản SVB", Zandi cho biết.
Sự sụp đổ của SVB đang tạo ra cú sốc với cộng đồng startup – nhóm coi đây là nơi huy động vốn đáng tin cậy. SVB hiện là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ.
Vụ sụp đổ ngân hàng thứ hai trong lịch sử
Vụ sụp đổ Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature đánh dấu vụ sụp đổ lớn thứ ba của một thể chế tài chính trong lịch sử Mỹ.
Trước đó, vào tháng 9/2008, Ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong gần 10 năm. Các thị trường chứng khoán đồng loạt lao dốc, tín dụng bị đóng băng, hàng triệu người mất việc, các nhà đầu tư lo sợ hệ thống tài chính toàn cầu có thể bị nổ tung. Khi đó, Lehman Brothers là ngân hàng đầu tư xếp thứ 4 về quy mô của Mỹ, có 25.000 nhân viên trên toàn thế giới.
Lehman Brothers chỉ là một trong những quân cờ domino bị sụp đổ trong một phản ứng dây chuyền đầu năm 2008. Bear Stearns, một trong 5 ngân hàng đầu tư lớn nhất Phố Wall thời điểm đó, cầu cứu và được Tập đoàn JPMorgan Chase mua lại với khoản hỗ trợ 30 tỷ USD từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nhiều biện pháp cải cách được thực hiện và hệ thống tài chính dần mạnh lên. Sự thay đổi quan trọng nhất của lĩnh vực ngân hàng là yêu cầu về tỉ trọng vốn và chất lượng vốn tăng mạnh.
Theo trang Bloomberg, Lehman Brothers và các ngân hàng lớn khác từng có rất ít vốn để dự phòng vào năm 2007, chỉ khoảng 2 USD đối với mỗi khối tài sản trị giá 100 USD. Sau đó, số vốn của các ngân hàng cho mỗi khối tài sản tương tự là gần 7 USD.
Tờ Sydney Morning Herald (Úc) dẫn nhận định đầy ảm đạm của chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz rằng sau đại dịch Covid-19, thế giới sẽ ngập trong núi nợ, có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài chính.
-
Điểm tin sáng CafeLand: Cơ cấu lại nền kinh tế, cho phá sản ngân hàng
CafeLand - Giá dầu tiếp tục giảm do lo ngại trước cuộc họp cắt giảm sản lượng; Quy định lãi vay “đóng cửa” BOT giao thông; Việt Nam có thể học kinh nghiệm phá sản ngân hàng Mỹ... là những thông tin đáng chú ý trong sáng nay.