Với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, PV GAS và đối tác sẽ xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí trên biển và trên bờ dài khoảng 431 km để đưa khí từ Lô B về Trung tâm điện lực Ô Môn (TP Cần Thơ).

Vừa qua, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tham gia lễ ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn. Đây là dự án năng lượng trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD.

Các chủ đầu tư chính của dự án Lô B - Ô Môn bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (thượng nguồn và các nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 vừa được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam(EVN); Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Tập đoàn năng lượng Thái Lan PTTEP, Tập đoàn năng lượng Nhật Bản Mitsui Oil Exploration MOECO (thượng nguồn); PV GAS (trung nguồn); Tập đoàn Nhật Bản Marubeni (nhà máy điện Ô Môn 2) và Tổng công ty Phát điện 2 (nhà máy điện Ô Môn 1).

Dự án khí điện Lô B - Ô Môn dài 431 km đi qua Cà Mau, Kiên Giang và TP Cần Thơ

Dự án khí điện Lô B - Ô Môn gồm nhiều dự án thành phần như dự án khai thác khí, dự án đường ống dẫn khí và các dự án nhà máy điện.

Riêng dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn có tổng mức đầu tư khoảng 1,27 tỷ USD, trong đó PV GAS tham gia góp vốn lên đến 51%.

Theo đó, doanh nghiệp này và các đối tác sẽ xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí trên biển, trên bờ dài khoảng 431 km, cùng với các trạm tiếp bờ, trạm phân phối khí, trạm van, các công trình phụ trợ… để đưa khí từ Lô B về Trung tâm điện lực Ô Môn (TP Cần Thơ).

Hệ thống đường ống dẫn khí này sẽ đi qua địa phận các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và TP Cần Thơ, cung cấp khí cho cụm các nhà máy điện tại Ô Môn.

PV GAS cho biết, dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn sẽ vận hành trong 23 năm từ năm 2027 và kết thúc vào năm 2049. Dự kiến, dự án này sẽ đem về doanh thu gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm cho PV GAS thông qua hoạt động vận chuyển khí.

Trong 2 năm triển khai xây dựng và lắp đặt của dự án, 2 đơn vị thành viên của PV GAS là Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam và Công ty CP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam sẽ cùng tham gia sản xuất hệ thống đường ống, dự kiến thu về gần 4.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm và tạo việc làm cho khoảng 400 cán bộ công nhân viên.

Khi dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn được triển khai, hoàn thành và đưa khí về Trung tâm Điện lực Ô Môn để phát điện sẽ đóng góp nguồn thu bền vững vào ngân sách của Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ khoảng gần 1.000 tỷ đồng/năm.

Đồng thời, dự án này tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.