Do các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt với COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giao hàng, Pegatron, công ty lắp ráp iPhone cho Apple, đang lên kế hoạch mở rộng sang các nước khác bên ngoài thị trường Trung Quốc, như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia để giải quyết tình trạng thiếu lao động và tăng năng lực sản xuất.

Một nhân viên sắp xếp iPhone của Apple khi khách hàng mua sắm tại Apple Store. Ảnh: Reuters

Vào tháng 4/2022, Pegatron, có trụ sở chính tại Đài Loan, đã tạm dừng hoạt động tại các nhà máy ở Thượng Hải và Côn Sơn ở Trung Quốc do các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt với COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giao hàng. Động thái này diễn ra ngay sau việc tạm dừng của Foxconn vào tháng Ba, một nhà lắp ráp iPhone lớn khác cho Apple

Trung Quốc sau đó đã dỡ bỏ các hạn chế. Tuy nhiên, Pegatron, vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng hơn, khiến công ty phải "nhấn mạnh" kế hoạch mở rộng ở nơi khác, Tổng giám đốc Liao Syh-jang cho biết trong một cuộc họp cổ đông thường niên ở Đài Bắc.

"Chúng tôi đã phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát COVID trong hai tháng. Chúng tôi không thể đánh giá trước điều đó, vì vậy điều đó khiến tôi nhấn mạnh việc mở rộng của chúng tôi ở Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Bắc Mỹ, để giải quyết tình trạng thiếu lao động, khoảng cách giữa mùa cao điểm và thấp điểm và để tăng năng lực sản xuất của chúng tôi”.

Trong những năm gần đây, Pegatron đã tìm cách mở rộng dấu chân của mình ở Đông Nam Á và Bắc Mỹ.

Pegatron được biết đến là một trong những nhà máy iPhone bí mật nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg

Chủ tịch HĐQT T.H. Tung nói thêm rằng khách hàng của họ có "những lý do khác nhau" để đặt nhà máy ở Việt Nam, Ấn Độ và Mexico.

"Dù vậy một thông tin được chia sẻ là khả năng giảm sự tập trung hoạt động ở Thượng Hải, Tô Châu, Trùng Khánh", ông Tung nói và cho biết thêm rằng việc tuyển dụng nhân viên ở Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn trong vòng 7-8 năm qua.

Ông Tung cho biết, với việc đại dịch COVID đang dịu đi trên toàn cầu, Trung Quốc sắp ngừng hoạt động kiểm soát và mùa cao điểm của ngành công nghiệp điện tử sẽ đến vào cuối năm, phần còn lại của năm 2022 sẽ tốt hơn nhiều cho công ty.

"Tổng hợp những yếu tố này, tôi kỳ vọng nửa cuối năm sẽ tốt hơn, hoặc tốt hơn rất nhiều so với quý hai”, Chủ tịch HĐQT T.H. Tung nói.

Pegatron lắp ráp khoảng 20% ​​đến 30% tổng số iPhone của Apple, theo Nikkei Asia.

Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush nói với CNBC trong một email: “Viêc Pegatron đóng cửa như đổ thêm xăng vào ngọn lửa đang bùng cháy, vốn là chuỗi cung ứng cho Apple và các bộ phận khác của hệ sinh thái iPhone”.

Hồi tháng 3, Foxconn, một nhà lắp ráp lớn của iPhone, cũng đã đình chỉ toàn bộ hoạt động.

Foxconn vào thời điểm đó cho biết họ sẽ điều chỉnh dây chuyền sản xuất sang các địa điểm khác để giảm thiểu tác động.

Khi Trung Quốc tiếp tục thực hiện những biện pháp mạnh trong việc phòng chống Covid-19, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp chuyển sản xuất iPad sang Việt Nam.

Trong thực tế, Apple đã yêu cầu Foxconn chuyển hoạt động sản xuất iPad và MacBook Pro từ Trung Quốc sang Việt Nam vào năm 2020. Và một báo cáo trước đó của Nikkei từ tháng 1.2021 cho thấy Apple đang có kế hoạch chuyển một tỷ lệ đáng kể sản xuất iPad sang Việt Nam. Báo cáo đó cho biết việc chuyển sản xuất của Apple có thể xảy ra vào giữa năm 2021, nhưng Nikkei Asia cho rằng sự bùng phát của Covid-19 vào năm 2021 đã làm trì hoãn kế hoạch đó.

Nikkei Asia cũng cho biết ngoài kế hoạch chuyển sản xuất hiện tại, Apple đã làm việc với công ty BYD của Trung Quốc để xây dựng dây chuyền sản xuất iPad tại Việt Nam. BYD dự kiến ​​sẽ sớm đi vào hoạt động, nhưng ban đầu có thể chỉ sản xuất một số lượng nhỏ iPad. Đồng thời, Apple được cho là cũng yêu cầu nhiều nhà cung cấp linh kiện tích trữ kho dự trữ của họ.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.