Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết: Các ban, ngành liên quan đang phối hợp để lên kế hoạch về việc xử lý đối với khu đất 419 Lê Hồng Phong (quận 10). Dự kiến trong tháng 4 này, Sở TN&MT sẽ có thông báo kế hoạch thu hồi và kế hoạch cưỡng chế nếu doanh nghiệp không chịu bàn giao đất. Thông báo này sẽ công khai, minh bạch để doanh nghiệp cũng như người dân được biết.
Dự kiến trong tháng 4, Sở TN&MT có kế hoạch thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong, quận 10. Ảnh: TL
Không có chuyện gia hạn thời gian cho thuê
Đại diện Sở TN&MT TP cũng khẳng định: Khoảng giữa tháng 3 vừa qua, sở và UBND quận 10 đã có buổi làm việc, trao đổi các vấn đề liên quan đến khu đất 419 Lê Hồng Phong. Tại đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, đã chỉ đạo Thanh tra sở này nhanh chóng xử lý dứt điểm khu đất nói trên theo hướng thu hồi. Không có chuyện gia hạn thêm thời gian cho thuê đối với khu đất này.
Theo hợp đồng cho thuê thì đến hết ngày 31-12-2020, Công ty cổ phần Giáo dục G Sài Gòn (mới được đổi tên từ Công ty CP Giày Sài Gòn) đã chính thức hết quyền sử dụng đối với khu đất 419 Lê Hồng Phong, quận 10. Tuy nhiên, đến nay khu đất “vàng” rộng khoảng 11.000 m2 này vẫn đang được Công ty cổ phần Giáo dục G Sài Gòn cho nhà xe Thành Bưởi thuê một phần.
Giải đáp về thắc mắc vì sao hợp đồng cho thuê đất tại khu đất trên đã hết hạn nhưng hiện khu đất này vẫn cho xe trung chuyển, xe khách của nhà xe Thành Bưởi hoạt động, lãnh đạo Thanh tra Sở TN&MT khẳng định: Việc thu hồi đất cần phải có kế hoạch cụ thể và được tiến hành từng bước. Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng cho thuê đối với khu đất này đã hết hiệu lực mà đơn vị thuê vẫn sử dụng thì sau này sẽ được truy thu, tiền của Nhà nước sẽ không mất đi.
Khu đất sẽ được xây dựng trường học
Một số người dân sống ngay cạnh khu vực cổng chính nơi treo biển Công ty Giày Sài Gòn (419 Lê Hồng Phong) cho biết: Cổng này được mở cửa trở lại để tiện cho xe khách lớn loại 45 chỗ của nhà xe Thành Bưởi di chuyển. Đối với các loại xe chở hàng hóa cũng như khách ra vào gửi hàng sẽ đi qua cổng phụ tại số 1 Vĩnh Viễn, quận 10.
Đây là khu đất có vị trí đắc địa với ba mặt tiền đường là Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn và Trần Nhân Tông, thuộc địa bàn quận 10 và Công ty Giày Sài Gòn được Nhà nước cho thuê đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh với mức phí “tượng trưng”. Cụ thể, Nhà nước cho đơn vị này thuê đất hằng năm với mức giá 100.000 đồng/m2/năm, tương đương chưa đến 10.000 đồng/m2/tháng.
Dù được Nhà nước cho thuê đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh nhưng Công ty Giày Sài Gòn lại lấy mặt bằng cho thuê lại để hưởng chênh lệch. Đáng chú ý, khoản chênh lệch này lại không được đóng thuế, do đó với tình trạng sử dụng đất trái phép kéo dài quá lâu như vậy đã và đang gây ra thiệt hại rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch UBND quận 10, cho biết: “Đúng là hợp đồng cho thuê đất công tại 419 Lê Hồng Phong đã hết hiệu lực và giám đốc Sở TN&MT TP cũng cho biết chủ trương sẽ không gia hạn cho thuê đối với khu đất này thêm nữa. Theo chủ trương thì khu đất này đã được điều chỉnh quy hoạch để làm đất giáo dục cho quận”.
Được biết theo kế hoạch, khu đất 419 Lê Hồng Phong sau khi thu hồi và được UBND TP bàn giao cho quận 10 thì sẽ được xây dựng trường THCS.
Cho thuê lại gần 5,3 tỉ đồng/nămTrong quá trình hoạt động, Công ty CP Giày Sài Gòn cho nhiều cá nhân, tổ chức thuê mặt bằng nơi đây làm kho hàng, bến bãi. Việc sử dụng mặt bằng không đúng chức năng được dư luận phản ánh nhiều lần. Khu “đất vàng” 419 Lê Hồng Phong có diện tích đất khoảng 13.000 m2, Công ty Giày Sài Gòn thuê năm 2000. Đến năm 2007, UBND TP chấp thuận cho công ty này tiếp tục thuê đất đến hết ngày 31-12-2020. Hợp đồng cho thuê đất của Nhà nước cũng quy định doanh nghiệp thuê không được chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, năm 2015, Công ty Giày Sài Gòn đã ký hợp đồng cho thuê đối với Công ty Thành Bưởi với giá lên đến 440 triệu đồng/tháng, tương đương gần 5,3 tỉ đồng/năm, kéo dài trong vòng năm năm. Khi phát hiện sai phạm trên, cơ quan chức năng buộc Công ty Giày Sài Gòn phải chấm dứt hợp đồng cho thuê với bên thứ ba là Công ty Thành Bưởi. Tuy nhiên, để trá hình, Công ty Giày Sài Gòn hủy hợp đồng cho thuê và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Thành Bưởi thời hạn từ ngày 1-7-2016 đến 30-6-2021 và thu tiền thuê nhà xưởng hằng tháng. Tháng 6-2017, Thanh tra Sở TN&MT đã có quyết định xử phạt Công ty Giày Sài Gòn hơn 720 triệu đồng vì cho thuê đất trái phép. Cũng trong năm này, UBND TP đã nhiều lần chỉ đạo Công ty Giày Sài Gòn phải chấm dứt ngay hành vi cho thuê mặt bằng 419 Lê Hồng Phong và phải sử dụng khu đất đúng mục đích sản xuất, kinh doanh. Tháng 5-2019, UBND TP.HCM đã ra thông báo thu hồi toàn bộ khu đất này và bàn giao cho quận 10 để xây trường THCS. |
-
Sắp bị thu hồi đất, Giày Sài Gòn vẫn “vẽ” dự án giáo dục
Theo thông báo ngày 17/5/2019 của UBND TP Hồ Chí Minh, chỉ còn hơn 2 tháng nữa khu đất 419 Lê Hồng Phong, đang cho Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (Giày Sài Gòn) thuê sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên mới đây, Giày Sài Gòn bất ngờ đổi tên thành Công ty Cổ phần Giáo dục G Sài Gòn (G Sài Gòn), và có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc chào bán cổ phần riêng lẻ huy động vốn cho dự án kinh doanh giáo dục tại khu đất này.
-
Mức hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động cho người bị thu hồi đất tại Đồng Nai từ 10/12/2024
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 72/2024/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai....
-
Căn cứ xác định giá đất để tính tiền bồi thường?
Xin hỏi, đối với việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, giá đất để tính tiền tại thửa đất thu hồi được xác định là giá đất cụ thể hay đất tại bảng giá? Giá đất tại thửa đất dự kiến bồi thường bằng đất được xác định là...
-
Bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở tại Quảng Nam thế nào?
Từ ngày 10/11/2024, việc bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở tại Quảng Nam được quy định trong Quyết định 31/2024/QĐ-UBND.