Dòng tiền vẫn tìm đến nhóm cổ phiếu bất động sản sau thông tin tích cực từ gói 30.000 tỷ đồng, giúp nhóm này tiếp tục tăng.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index giảm 0,58 điểm (-0,12%) xuống 498,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,85 triệu đơn vị, trị giá 16 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, thị trường vẫn duy trì đà giảm. Tuy nhiên, trong nhóm VN30, nhờ lực đỡ từ một số bluechip như VNM, BVH giúp cột chỉ số này có được sắc xanh nhẹ.

Đà tăng trên HOSE chỉ thực sự bật mạnh khi GAS bắt đầu quay đầu tăng điểm, tăng 500 đồng/cp, hiện cổ phiếu này đang giao dịch tại mức giá 64.000 đồng/cp.

Top 3 thanh khoản tốt nhất trên HOSE đều thuộc về nhóm cổ phiếu nhỏ, trong đó, thanh khoản tốt nhất trên sàn thuộc về SAM, đạt gần 1,3 triệu đơn vị khớp được.

SAM có sức hút mạnh khi công ty này thông báo lãi hơn 18 tỷ đồng trong quý III/2013, so với khoản lỗ 23,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SAM lãi 80,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, với kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm không mấy sáng sủa, cổ phiếu ELC có phiên giảm sàn với khối lượng dư mua sàn, trong khi thanh khoản thấp, chỉ đạt 3.000 đơn vị.

Trong bản phân tích của CTCK Maybank KimEng (MBKE), kết quả kinh doanh đáng thất vọng của ELC, theo giải trình của Công ty là do nhiều hợp đồng lớn bị chậm tiến độ hoặc chưa quyết toán nghiệm thu, và một số dự án quy mô lớn phải dừng hoặc chuyển sang năm sau do chủ đầu tư chưa thu xếp được vốn thực hiện. Nguyên nhân này bắt nguồn từ việc cắt giảm chi tiêu công ảnh hưởng đến các khách hàng lớn của ELC là các nhà mạng và một số bộ ngành.

“Chúng tôi không kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý IV/2013 mặc dù thời điểm cuối năm thường là lúc công ty bàn giao và ghi nhận doanh thu từ các dự án. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo 2013 với doanh thu 403,6 tỷ đồng, giảm 16% và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 20,6 tỷ đồng, giảm 82% so với 2012. ELC đang giao dịch với PE kỳ vọng 33x”, MBKE đánh giá.

Trong khi đó, với những nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm khơi thông dòng chảy của gói 30.000 tỷ đồng, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục tăng giá khá tốt như HQC, NLT, TDH, NBB, DXG... trên sàn HOSE, hay như SCR, PFL, NDN… trên sàn HNX.

“NĐT đang kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu này, bởi những bước chuyển mình vừa qua, cũng như triển vọng gia tăng giải ngân của gói tín dụng bất động sản 30.000 tỷ đồng. Chính vì thế, nhóm cổ phiếu này đã tăng giá mạnh trong thời gian qua”, CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) đánh giá.

Đà tăng của nhóm bluechip không vững, khiến thị trường vẫn còn lình xình trong vùng xanh đỏ trước khi có được sắc xanh khi kết thúc phiên. Trong khi đó, trên HNX đà giảm của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ kéo thị trường giảm điểm.

Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index đứng ở mốc 500,34 điểm, tăng 1,73 điểm (+0,35%). VN30-Index đứng ở mức 558,57 điểm, tăng 1,79 điểm (+0,32%). HNX-Index giảm 0,01 điểm (+0,02%) xuống 63,28 điểm. HNX30-Index tăng 0,27 điểm (+0,23%), lên 119,41 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 47 triệu đơn vị, tương đương giá trị 515,18 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,66 triệu đơn vị, trị giá 158,16 tỷ đồng.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 833.000 đơn vị, giá trị 25 tỷ đồng và trên HNX đạt 616.194 đơn vị, trị giá 4,44 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là tâm điểm của toàn thị trường, khi nhóm này tăng tốt cả về điểm số và thanh khoản. 4 mã có thanh khoản tốt nhất sàn đều thuộc về nhóm cổ phiếu bất động sản.

Cụ thể, FLC đạt 3,27 triệu đơn vị; ITA (1,7 triệu); HAR (2,5 triệu); HQC đạt 2,26 với mức tăng giá giao động từ 1,56% đến 4,34%, trong đó HAR tăng mạnh nhất với mức tăng 4,34%.

Trên sàn HNX, PVX bất ngờ tăng trần với khối lượng dư bán trần hơn 2 triệu đơn vị, cổ phiếu này cũng là 1 trong 3 mã có thanh khoản tốt nhất sàn, đạt 2,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng duy trì đà tăng tốt, như SCR, HLD, S96, S99,… Đặc biệt, SDH tăng trần nhờ lực mua mạnh từ khối ngoại.

Một mã khác cũng nằm trong Top 3 thanh khoản của sàn là PVS, đạt 1,2 triệu đơn vị, nhờ kết quả kinh doanh quý III báo lãi 482 tỷ đồng, nâng lũy kế 9 tháng đầu năm hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận cả năm đến hơn 49%.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 900.000 đơn vị trên HOSE và mua vào 414.100 đơn vị trên HNX. Trong đó, khi đó, họ bán ra 638.000 đơn vị trên HNX (HOSE chưa có thống kê bán của khối ngoại). PPC là mã được khối ngoại mua nhiều nhất trên HOSE, đạt 105.600 đơn vị, trong khi trên HNX là SDH với 170.000 đơn vị. Ngược lại, họ bán ra mạnh nhất là SD5 với gần 220.000 đơn vị.

Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này tăng 2,22 điểm lên mức 489,96 điểm (0,45%). Trong đó có 27 mã tăng giá, 9 mã giảm và 14 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như VCF (5,3%), PVS (3,6%), PPC (2,3%), KBC (2,0%) và OGC (1,8%). Giảm mạnh nhất là các mã như NTP (-7,7%), NVB (-7,5%), SHB (-1,4%), KDC (-1,0%) và VNR (-0,9%).

Thanh Huyền (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.