24/11/2011 12:37 AM
Khác với dự tính quy hoạch cả nước sẽ có 90 sân golf đến năm 2020 theo Quyết định số 1946 của Chính phủ, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nới số lượng dự án lên đến 115. Tức là cứ 1 tỉnh - kể cả tỉnh miền núi khó khăn thì bình quân sẽ có gần 2 sân golf. Vấn đề sân golf đã từng nóng dư luận, nóng nghị trường và thu hút sự chú ý của rất nhiều chuyên gia kinh tế. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với CHUYÊN GIA ĐẦU TƯ NGUYỄN TRẦN BẠT về nội dung này.
- Một trong những vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm đó là câu chuyện quy hoạch và phát triển sân golf. Cho đến thời điểm hiện tại, tờ trình mới nhất của Bộ kế hoạch và Đầu tư lên Chính phủ là sẽ mở rộng quy hoạch sân golf đến năm 2020, dự kiến lên 115 sân golf. Là một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này, ông thấy ở thời điểm hiện tại, số sân golf như vậy là nhiều hay ít?

Sân golf của chúng ta hiện nay không thuần túy là sân golf- Để trả lời câu hỏi nhiều hay ít thì chúng ta phải xác định trong sự cân đối nào. Có lẽ vấn đề sân golf nằm trong sự cân đối giữa phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác. Có lẽ kinh tế nông nghiệp của chúng ta trì trệ, cho nên đất đai không đẻ ra các lợi ích thỏa đáng và không đẻ ra các lợi ích có chỉ số lợi nhuận cao, cho nên hầu hết các địa phương có lẽ đi tìm lối thoát cho nền kinh tế của mình. Sân golf có thể là một sự gợi ý như vậy. Rất nhiều người cho rằng sân golf là chỗ ăn chơi, tôi không nghĩ rằng mọi quan chức của chúng ta từ Trung ương đến địa phương đều nghĩ như thế. Đã đến lúc phải nhìn nó như một lối thoát để phát triển kinh tế vùng.

Để giải quyết vấn đề mất cân đối này thì trước hết chúng ta phải thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp và liên quan đến nông nghiệp như làng nghề chẳng hạn. Làm thế nào để nông thôn chúng ta có được một giải pháp phát triển kinh tế thỏa mãn hơn, đỡ mất cân đối với toàn bộ các khuynh hướng kinh tế khác. Cách nhìn sân golf như một vấn đề đạo đức thuần túy, giống như trước đây chúng ta từng bàn, hoặc chỉ nhìn như là vấn đề sân golf thôi là một cách nhìn tôi nghĩ đã lạc hậu. Có lẽ phải nhìn sân golf như một gợi ý, như một giải pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Bởi vì sân golf của chúng ta hiện nay không thuần túy là sân golf. Theo tôi được biết, quỹ đất dành cho mục tiêu thuần túy sân golf chỉ độ 30 - 40%, còn lại là bất động sản chiếm một tỷ trọng lớn hơn nhiều, gấp đôi mục tiêu sân golf. Cho nên sân golf là một trong những giải pháp tổng hợp trong đó nó tải mục tiêu phát triển bất động sản là chính. Khi mục tiêu bất động sản là chính thì chúng ta phải xem xem còn lối thoát nào cho nền kinh tế của các địa phương. Không chỉ có sân golf, các địa phương bây giờ thi nhau làm các khu kinh tế cửa khẩu. Nhiều tỉnh của chúng ta có các biên giới với các quốc gia lân cận, nhất là các tỉnh vùng sâu vùng xa, cho nên kinh tế cửa khẩu cũng là một lối thoát, là một sự gợi ý để chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng. Gần như tỉnh nào có biển cũng đều có khu kinh tế biển, khu kinh tế cảng và chúng ta trở thành một quốc gia cứ cách độ 50 - 70 - 100 cây số lại có một cảng. Chính vì chúng ta không thiết kế được, không quy hoạch được, không có những gợi ý thỏa đáng để có thể chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các địa phương cho nên nó đẻ ra một loạt các vấn đề chứ không phải chỉ có vấn đề sân golf, trong đó sân golf chỉ là một vấn đề.


Sân golf của chúng ta hiện nay không thuần túy là sân golf


- Nhưng cử tri và nhân dân cả nước quan tâm nhiều đến câu chuyện đằng sau sân golf như ông đã nói là bất động sản. Còn có câu chuyện khác là sân golf đang nuốt dần đất lúa, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


- Đương nhiên, như tôi nói đó là sự mất cân đối giữa nông nghiệp và các ngành kinh tế vùng là như thế.


- Qua câu chuyện sân golf, giả sử như chất vấn Bộ trưởng, ông sẽ chất vấn điều gì?


- Chất vấn ấy đã rõ rồi. Đâu là điểm hợp lý, đâu là gợi ý cơ bản, đâu là một thiết kế chuẩn cho các vùng kinh tế Việt Nam?


- Như vậy là sâu xa việc quy hoạch và phát triển kinh tế chúng ta đang có vấn đề?


- Dấu hiệu về cách thiết kế các vùng kinh tế nó chính là nguồn gốc cơ bản để tạo ra sự mất cân đối vĩ mô. Tất nhiên mất cân đối vĩ mô còn liên quan đến tài chính, đến ngân hàng, đến phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp có tính chất phục vụ như xăng dầu... Tuy nhiên, trong tất cả các yếu tố tạo ra sự mất cân đối vĩ mô có vấn đề thiết kế một mô hình kinh tế vùng như thế nào.


- Như vậy, đối với bài toán sân golf, điều chúng ta cần phải làm là gì trong bối cảnh hiện tại?


- Nhiều nhiệm kỳ trước đây, nhiều phiên họp trước đây của Quốc hội đã chất vấn vấn đề sân golf như là một đối tượng đạo đức, như một đối tượng ăn chơi, nhưng chưa ai nhìn thấy bản chất của sự mất cân đối này chính là thiếu một chuẩn mực trong việc tạo ra một quy hoạch kinh tế vùng cho thỏa đáng đối với các vùng kinh tế khác nhau.


- Vậy, cụ thể đối với vấn đề mà dư luận đang quan tâm là sân golf chẳng hạn, theo ông giải pháp nào cho vấn đề này?


- Tôi nghĩ không nên tách vấn đề sân golf ra làm thành một vấn đề, bởi sân golf không phải là đối tượng để lên án mãi. Nếu xã hội có nghe thì người ta cũng xem chúng ta, những người chất vấn chuyện đấy là một người lạc hậu. Chúng ta là một người tốt nhưng lạc hậu. Một người tốt lạc hậu cũng đem lại một hiệu quả xấu. Chúng ta phải nhìn thấy sự mất cân đối rất quan trọng trong việc tạo ra một thiết kế chuẩn đối với các vùng kinh tế của Việt nam, hay là một quy hoạch phát triển kinh tế đầy đủ và toàn diện, để từ đấy chúng ta có được một cách nhìn cân đối về vai trò của các giải pháp hay là các đầu tư khác nhau. Sân golf là một loại đầu tư, cảng biển là một loại đầu tư, khu kinh tế cửa khẩu là một loại đầu tư, khu kinh tế biển cũng là một loại đầu tư. Vậy thì tất cả các đối tượng đầu tư ấy phải nằm trong một quy hoạch đầu tư chuẩn, cái đấy chính là hạt nhân, là nền tảng của cái gọi là sự ổn định vĩ mô của một nền kinh tế.


- Giả sử vấn đề sân golf đặt ra thì, liên bộ hoặc ngườâi nào sẽ kiểm soát được việåc này trong bối cảnh hiện tại, khi xử lý những tồn tại, những vấn đề phát sinh?


- Tôi nghĩ, có lẽ bộ phải chịu trách nhiệm để đưa ra quy hoạch xác lập một sự cân đối và làm nền tảng cho sự cân đối vĩ mô chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tham mưu trưởng của Thủ tướng, bộ ấy phải làm được một việc là xác lập một sự cân đối, sự cân đối ấy phải thuyết phục để trở thành ý chí của Thủ tướng Chính phủ, trở thành ý chí của quốc hội để làm nền tảng xã hội trong việc ủng hộ ý chí của Thủ tướng Chính phủ. Là chính phủ thì phải hành động, mà hành động ấy là một hành động rất thú vị, thú vị ở chỗ nhạc trưởng của dàn nhạc là Thủ tướng, nhưng người tạo ra tổng phổ cho ông nhạc trưởng ấy chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chính thẩm mỹ của Bộ trưởng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo ra sự cân đối tổng phổ, và nói thẳng là tạo ra sự chính xác chính trị và kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.


- Ông có thể lý giải là tại sao câu chuyện quy hoạch của chúng ta đã làm từ lâu, thậm chí là liên tục được bổ sung, nhưng tại sao quy hoạch, trong đó có quy hoạch về sân golf vẫn cứ phình ra?


- Bởi vì quy hoạch ấy không đủ căn cứ khoa học, nó không phổ biến, không công khai, không tạo thành ý chí xã hội để làm nền tảng ủng hộ ý chí mà Thủ tướng Chính phủ thông báo. Hay nói cách khác, ở đây ý chí ấy là ý chí của từng người một, từng nhánh quyền lực một, nó không phải ý chí tổng hợp, không xác lập một sự cân đối về thái độ và nhận thức của cả xã hội về chuyện này. Chúng ta có một quốc gia mà trong đó có nhiều vùng khác nhau và không chỉ là vùng kinh tế mà còn là vùng chính trị. Mỗi địa phương là một vùng chính trị. Các địa phương phải cạnh tranh với nhau và phải dựa vào quy luật cạnh tranh để tạo ra sự phát triển. Nếu như chúng ta đưa ra các tiêu chuẩn, đòi hỏi để các địa phương thi nhau làm cùng một việc, thì đương nhiên sẽ nhiều đối tượng đầu tư thừa. Nhiều đối tượng đầu tư thừa thì nó xé lẻ ra, vay nợ lớn. Cho nên phình đầu tư công là như thế, phình nợ công là như thế.


Xác lập lại sự cân đối của một tổng phổ kinh tế để biến nó trở thành một ý chí chính trị của tất cả các nhánh quyền lực của chúng ta là công việc cực kỳ quan trọng. Không phải chỉ có Thủ tướng gây sức ép lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tìm ra một tổng phổ hợp lý, mà chính là tất cả các nhánh quyền lực cần phải lãnh đạo sự chuẩn bị ấy, để cho sự chuẩn bị ấy chính là một phương tiện để phản ánh sự thống nhất chính trị trong cả nước.


- Xin cám ơn ông!

Theo Đức Thành - Tiến Đức (ĐBND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.