05/01/2011 3:04 AM
Kiểm tra 66/233 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tại TP.HCM, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện 34/66 sàn vi phạm quy định hoạt động.

Hầu hết các chủ đầu tư tìm cách né giao dịch qua sàn, bằng cách thực hiện các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua BĐS. Việc mở sản là để bán lại các sản phẩm của khách hàng ký gửi lại, nghĩa là bán lại chính sản phẩm của mình.


Sàn giao dịch làm thị trường... lộn xộn.

Qua sàn vẫn bị lừa

Theo quy định, sàn giao dịch BĐS phải công khai các thông tin về dự án cần bán, chuyển nhượng, cho thuê, thuê mua,… để khách hàng biết và đăng ký giao dịch. Ngoài ra, những thông tin liên quan tới dự án phải được đăng tải trên báo, đài truyền hình địa phương, nơi có dự án và trên trang web (nếu có) của sàn giao dịch BĐS.

Tuy nhiên, hầu hết các thông tin chủ đầu tư công bố đều theo hướng có lợi cho mình, khiến hàng loạt dự án, dù được bán qua sàn, nhưng khách hàng vẫn bị lừa.

Như dự án căn hộ cao cấp The Montana (Q.Bình Tân, TP.HCM) do CTCP Thương mại, dịch vụ may mặc, xuất nhập khẩu Ngân Thanh đầu tư, được sàn giao dịch BĐS Eden Real bán qua sàn, nhưng khách hàng cũng bị lừa, khi chủ đầu tư tuyên bố dự án phá sản.

Sự việc “bể”, Công ty Eden Real “chuồn” mất, còn Ngân Thanh hứa hoàn trả số tiền góp vốn, kèm theo lãi suất làm 3 đợt cho khách hàng. Song đến nay, chủ đầu tư chỉ trả cho khách hàng một đợt, bằng 30% số tiền đã góp.

Trong khi đó, tại nhiều sàn, thông tin dự án rất… mờ ám. Như tại sàn giao dịch BĐS của CTCP Thanh Niên bán dự án The Harmona (đường Trương Công Định, P.14, Q.Tân Bình), khi khách đến mua căn hộ, xin được xem pháp lý của dự án, thì nhân viên kinh doanh không cho. Chị Vân, nhân viên kinh doanh của sàn này cho biết, do tổng giám đốc của chủ đầu tư và bên sàn là vợ chồng, nên “cứ yên tâm, pháp lý không có vấn đề gì”.

Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trong năm nay sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất các sàn trên toàn quốc. Việc này được giao cho Sở Xây dựng các địa phương phối hợp với cơ quan Công an thực hiện.

Phân nửa là giao dịch ngầm

Thống kê của Cục Quản lý Nhà và Bất động sản (Bộ xây dựng), đến tháng 9/2010, TP.HCM có 293 sàn giao dịch BĐS. Trung bình mỗi tháng có 20 sàn sinh ra.

Dù Bộ Xây dựng quy định tất cả các giao dịch phải qua sàn, nhằm tăng tính minh bạch của thị trường, hạn chế rủi ro cho khách hàng. Tuy nhiên, tại TP.HCM, việc hoạt động của nhiều sàn thực tế là hình thức, khi chỉ 50% giao dịch BĐS là qua sàn. Như vậy, nửa còn lại là giao dịch ngầm (con số này ở Hà Nội chưa tới 30%, và trung bình cả nước là 40%).

Cũng theo thống kê này, chỉ có 15% sàn là tốt, khi đưa ra được những ý tưởng mới để thu hút khách hàng, như: đưa dịch vụ ngân hàng hoạt động tại sàn nhằm hỗ trợ khách hàng có điều kiện mua sản phẩm nhanh và thuận tiện… Số còn lại, theo đánh giá, góp phần tạo nên một thị trường BĐS không minh bạch, lộn xộn.

Theo một thành viên đoàn thanh tra, quyết định thanh kiểm tra các sàn giao dịch BĐS xuất phát từ thực tiễn những năm qua, thị trường BĐS có hiện tượng bị thao túng, tạo cơn sốt giả và nhiều vấn đề khác, khiến thị trường rơi vào trình trạng bất ổn.

Cafeland.vn - Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.