09/08/2011 2:30 PM
"S&P không còn đáng tin cậy như trước. Nếu dùng một từ để nói về hành động của S&P khi quyết định hạ mức tín dụng của Mỹ, thì đó là "trơ tráo" - giống như một đứa trẻ giết chết bố mẹ mình rồi cầu xin sự tha thứ vì mình là trẻ mồ côi", nhà kinh tế học Paul Krugman bình luận.

Để có thể hiểu được những tranh luận xung quanh việc S&P hạ cấp tín nhiệm của Mỹ vừa qua, bạn nên nhận thức rõ hai điều.


Thứ nhất, nước Mỹ hiện đã không còn là một quốc gia ổn định và đáng tin cậy như trước.


Thứ hai, đó là bản thân tổ chức S&P cũng đang ngày càng đánh mất uy tín của mình.


Hãy bắt đầu với việc S&P không còn đáng tin cậy như trước. Nếu dùng một từ để nói về hành động của S&P khi quyết định hạ mức tín dụng của Mỹ, thì đó là "trơ tráo" - giống như một đứa trẻ giết chết bố mẹ mình rồi cầu xin sự tha thứ vì mình là trẻ mồ côi.


Chúng ta hãy thử lật lại vấn đề.


Thâm hụt ngân sách lớn của Mỹ hiện nay, suy cho cùng chủ yếu là dư âm của cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính năm 2008. Và S&P, cùng với các cơ quan xếp hạng khác, chính là những nhân tố đã đóng vai trò lớn trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng này. Bằng việc xếp hạng AAA cho những tổ chức hỗ trợ tài sản thế chấp, các cơ quan này đã gián tiếp gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp, mở đầu cho khủng hoảng tài chính ở Mỹ và sau đó lan ra toàn thế giới.


Không chỉ có vậy, chính S&P là cơ quan đã xếp hạng A cho Lehman Brother, tập đoàn châm ngòi cho cuộc khủng hoảng toàn cầu. Và S&P đã làm gì khi tổ chức vừa được họ xếp hạng A bị phá sản? Đơn giản là cơ quan này đã đưa ra một bản báo cáo phủ nhận hoàn toàn sai lầm của mình.



Bằng việc xếp hạng AAA cho những tổ chức hỗ trợ tài sản thế chấp, các tổ chức như S&P đã gián tiếp gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp, mở đầu cho khủng hoảng tài chính ở Mỹ và sau đó lan ra toàn thế giới.

Và rồi, ngay trong thời điểm hiện tại, tổ chức này lại dám lớn tiếng để đánh giá độ tín nhiệm của tín dụng Mỹ?


Trước khi hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ, S&P đã gửi một bản báo cáo sơ bộ cho Bộ tài chính Mỹ. Bộ tài chính Mỹ sau đó đã nhanh chóng phát hiện ra lỗi sai sót khi bản báo cáo đã tính toán nhầm hơn 2 nghìn tỉ USD, một lỗi mà bất cứ một chuyên gia kinh tế nào cũng có thể nhận ra ngay. Sau khi vấn đề này được công bố, S&P đã thừa nhận sai lầm của mình, nhưng lại không chịu thay đổi quyết định hạ mức xếp hạng tín dụng đối với Mỹ.


Nói rộng ra, các cơ quan xếp hạng không bao giờ cho chúng ta thấy việc đánh giá của họ với khả năng thanh toán của quốc gia một cách nghiêm túc. Đúng là nợ công của Mỹ đã có nhiều vấn đề trước khi bị hạ mức tín dụng, nhưng quyết định của các cơ quan xếp hạng này đưa ra đơn thuần chỉ là một hành động đi theo xu hướng chung của thị trường.


Hãy thử nhìn một vài trường hợp của các quốc gia cũng bị giáng cấp như Mỹ hiện nay, có thể thấy các cơ quan xếp hạng này thật sự đã sai lầm. Nhật Bản chẳng hạn, quốc gia này đã bị S&P hạ cấp vào năm 2002. 9 năm sau, nước Nhật vẫn có thể vay tiền một cách tự do và lãi suất thâp. Lãi suất của loại trái phiếu 10 năm của chính phủ Nhật Bản chỉ ở mức 1%.


Vì vậy không có lý do gì để chúng ta quan tâm đến vấn đề hạ cấp của Mỹ một cách nghiêm túc, bởi những quyết định mà S&P đưa ra chưa bao giờ là đáng tin cậy.


Nước Mỹ cần làm gì để khôi phục?


Tuy nhiên, nước Mỹ đang có một vấn đề lớn khác cần quan tâm hơn


Vấn đề này không liên quan đến những tính toán trong ngân sách ngắn hay trung hạn. Chính phủ Mỹ hiện không gặp vấn đề gì trong vay nợ để giải quyết những thâm hụt hiện tại. Đúng là chúng ta đang nợ nhiều hơn, nhưng nếu tính toán thực sự, thay vì chỉ nhấn mạnh vào những con số khổng lồ, ta có thể thấy rằng bất cứ khoản thâm hụt lớn nào trong vài năm tới sẽ không gây ra một ảnh hưởng lớn nào tới độ bền vững của nền tài chính Mỹ.


Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạch lạc, các vấn đề tài chính của nước này sẽ không quá khó khăn để giải quyết. Đúng là một dân số già và việc tăng cường các dịch vụ y tế theo chính sách hiện tại sẽ khiến chi tiêu cao hơn so với khoản thuế thu được. Nhưng nước Mỹ vốn đã luôn có mức chi phí cho dịch vụ y tế cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triên khác, cùng mức thuế rất thấp theo chuẩn quốc tế. Nếu chúng ta có thể áp dụng tiêu chuẩn quốc tế lên cả hai vấn đề này, thâm hụt trong ngân sách sẽ sớm được giải quyết.


Thế tại sao chúng ta lại không làm như vậy? Bởi có một quyền lực chính trị lớn ở đất nước này đang gào lên về việc hãy sự dụng các quỹ chăm sóc y tế một cách hiệu quả hơn, thích thú trong việc tạo ra những nguy cơ cho một thảm họa tài chính và không chịu đóng một xu vào các khoản thuế bổ sung.


Đây mới là vấn đề thực sự mà nước Mỹ đang gặp phải. Kể cả trong lĩnh vực tài chính nói riêng, giải pháp cũng không nằm ở việc chúng ta nên giảm bao nhiêu nghìn tỉ đô la trong thâm hụt ngân sách, mà đó là việc bao giờ những kẻ khó ưa đang ngăn cản các chính sách bị loại bỏ.


Nhiều chính khách và nhà đầu tư ở Mỹ nổi giận không chỉ với chính quyền Obama mà cả với Standard & Poor's. Thượng nghị sĩ John F. Kerry của tiểu bang Massachusetts gọi việc hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ là âm mưu của phong trào "Tea Party" (phong trào chính trị quy tụ nhiều đảng viên Cộng hoà, ủng hộ việc cắt giảm thuế má và chi tiêu công, phản đối chính quyền tăng thuế...).


"Đây chính là việc Tea Party hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ vì một thiểu số người ở Hạ viện phản đối, thậm chí nhiều đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã được chuẩn bị sẵn sàng để làm một việc lớn hơn như thế này", ông Kerry phản ứng mạnh ngày hôm qua 7.8 trên kênh truyền hình của NBC.


"Rõ ràng là việc hạ bậc xếp hạng tín dụng của S&P là một quyết định chính trị", ông Robert Litan, phó chủ tịch nghiên cứu và chính sách của Quỹ Kauffman ở Kansas, Missouri nhận xét. "Việc hạ bậc xếp hạng này đã thêm đạn dược cho Tea Party (để chống chính phủ)".

(Tổng hợp)

Theo Quốc Dũng (VEF/NYT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.