26/12/2011 12:45 AM
Hơn 3 năm kể từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, số lượng hộ dân được giao đất dịch vụ là quá ít. Hiện nay, bên cạnh hàng chục nghìn hộ dân đang mỏi mắt chờ đợi được Nhà nước giao đất dịch vụ, có hàng chục nghìn nhà đầu tư bất động sản cũng đang phấp phỏng chờ ngày có đất.
“Sa lầy” với đất dịch vụ (1): Đỏ mắt chờ đất “hơi”
Tiền bồi thường đã nhận từ lâu nhưng đất dịch vụ chờ mãi chưa có

Nợ gần 1.000 ha

Nói về nguồn gốc đất dịch vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, thực hiện Nghị định 17/CP và Nghị định 84/CP của Chính phủ, tất cả các địa phương đều có chính sách hỗ trợ việc làm và đời sống cho người nông dân bị thu hồi đất. Ngoài hỗ trợ bằng tiền, còn hỗ trợ bằng giao đất dịch vụ để cho các hộ nông dân tiếp tục kinh doanh, sản xuất. Hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp được giao một suất đất dịch vụ. Trước khi hợp nhất, Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình đều có chính sách này nhưng cách làm có khác nhau. Ông Vũ Hồng Khanh nói: “Cho tới thời điểm hợp nhất (1-8-2008), sau khi rà soát lại, diện tích đất dịch vụ phải trả cho dân trên toàn thành phố lên tới gần 1.000 ha. Đây là một con số khủng khiếp...”.


Điều đáng nói thêm là ở thời điểm hợp nhất, không phải tất cả 1.000 ha này đều đã là đất sạch và có hạ tầng mà thực tế phần lớn còn ở trên... giấy! Chính quyền các địa phương khi đó mới chỉ ghi nhận chung chung rằng, Nhà nước nợ người dân một diện tích đất cụ thể. Nhiều nơi chưa biết quy hoạch đất dịch vụ ở đâu, tức là chưa có cả địa chỉ của khu đất. Thế nên, dân buôn đất mới gọi đất này là đất “hơi”, nghĩa là mới “nghe hơi nồi chõ”.


Liều lĩnh đầu cơ


Tiếng là đất “hơi”, nhưng khi thị trường bất động sản lên sốt cao vào cuối năm 2009, đầu 2010, người Hà Nội đổ xô tới những huyện giáp ranh như Từ Liêm, Hoài Đức và quận Hà Đông để săn lùng đất dịch vụ. Bất chấp việc pháp luật nghiêm cấm việc mua bán đất dịch vụ, người ta vẫn trả hàng tỷ đồng để đổi lấy tờ giấy viết tay với vài chữ nguệch ngoạc, chỉ ghi vắn tắt là bán ô đất dịch vụ 50 m2 ở khu đô thị này, dự án nhà ở kia. Vào cao điểm, đất “hơi” ở phường Dương Nội (quận Hà Đông) được “đẩy” lên tới gần 25 triệu đồng/m2 mà không có để mua. Thế mới biết, dân đầu cơ liều lĩnh tới mức nào khi tất cả những thửa đất đó đều vô hình!


Chính vì liều lĩnh và không hiểu biết pháp luật, hơn 2 năm nay nhiều người vẫn sa lầy với đất dịch vụ ở các huyện phía Tây. Anh Nguyễn Văn Diệu (Đống Đa, Hà Nội) đang bị “chôn” gần 2 tỷ đồng với 2 thửa đất dịch vụ ở Khu đô thị mới Dương Nội, than vãn: “Tôi rao bán gần 2 năm nay, cả trên báo in và Internet mà không có ma nào hỏi han. Chỉ có mỗi chủ đất trước đòi đưa thêm tiền để đóng tiền làm hạ tầng và lo giấy tờ. Thế nhưng, hỏi ông chỉ cho tôi cụ thể miếng đất đó ở đâu, tròn méo thế nào thì họ lại lần lữa, không dẫn mình đi được... Rõ là muốn lừa thêm tiền...”.


Không thể hoãn thêm


Hiện nay, ở nhiều huyện như Từ Liêm, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng... hay quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, không chỉ người dân và các nhà đầu tư bất động sản lo lắng mà ngay chính quyền cũng rất sốt ruột lo tới kỳ trả nợ đất dịch vụ cho dân. Hầu như cuộc tiếp xúc cử tri nào, người dân cũng bày tỏ bức xúc về chuyện mỏi mòn chờ đợi đất dịch vụ. Một bộ phận người dân muốn có đất để kinh doanh hay sản xuất để bù đắp lại diện tích đất nông nghiệp nay còn lại quá ít. Một bộ phận khác, vì đã trót bán đất “hơi”, tức là vừa là chủ nợ nhưng cũng là con nợ, nay đang phải chịu sự hối thúc liên tục nên cũng muốn nhanh có đất để giải quyết dứt điểm vấn đề. Tại nhiều diễn đàn như kỳ họp HĐND TP, Hội nghị BCH Đảng bộ TP... vấn đề đất dịch vụ đều được nêu ra nhiều lần để bàn thảo nhưng kết quả triển khai tới nay vẫn rất hạn chế.


Bàn về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư nói: “Không có lý do gì mà Nhà nước lại nợ nhân dân lâu như thế mà chưa trả. Nợ trong hạn còn tạm chấp nhận nhưng đây đã là nợ quá hạn nên khó ăn nói với dân. Không biết các quận, huyện khác thế nào chứ Từ Liêm chúng tôi quá lo lắng về đất dịch vụ này. Vừa rồi, tôi đã phải ký văn bản xin nhân dân chia sẻ và cho phép hoãn trả thêm một thời gian nữa”. Ông Lê Văn Thư thẳng thắn: “Tôi đề xuất là dù có quy hoạch hay chưa có quy hoạch, phải tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm trong năm tới để có đất dịch vụ trả hết nợ cho dân. Vấn đề này tôi đã phát biểu nhiều lần nhưng chưa giải quyết được...”.
Theo Chính Trung (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.