28/07/2019 8:34 AM
CafeLand - Khối ngoại vẫn chiếm thế thượng phong trong các sự kiện mua bán sáp nhập nổi bật trên thị trường bất động sản Việt Nam. Song dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại chảy vào thị trường dường như vẫn còn e dè.

Nếu như trong nửa đầu năm 2018, thị trường có nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập sôi động từ văn phòng, nhà ở cho đến khu công nghiệp, thì trong nửa đầu năm nay, thị trường chỉ ghi nhận vài thương vụ nổi bật.

Một trong số những thương vụ nổi bật ít ỏi trên thị trường là Keppel Land mua 60% cổ phần ba lô đất rộng 6,2 ha ở huyện Nhà Bè, TP HCM từ Công ty địa ốc Phú Long. Dự kiến khi triển khai ba lô đất này, Keppel Land và Phú Long sẽ xây dựng tổng cộng 2.400 căn hộ cao cấp và các căn nhà phố thương mại, với tổng diện tích nhà phố thương mại khoảng 14.650m2. Tổng chi phí phát triển cho dự án, bao gồm chi phí dự kiến hơn 7.400 tỉ đồng (khoảng 425 triệu đô la Singapore).

Keppel Land đã phát triển tại Việt Nam gần ba thập kỷ và hiện có khoảng 20 dự án được cấp phép tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư được đăng ký hơn 3 tỉ USD. Nhà đầu tư này coi Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm ở châu Á.

Một thương vụ đáng chú ý nữa là Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (VIC) và Tập đoàn SK (Hàn Quốc) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược vào tháng 5/2019. Theo đó, SK Group sẽ đầu tư khoảng 23.300 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD thông qua việc chào mua 154,3 triệu cổ phiếu, đồng thời mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce.

Hay Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Samty Asia Investments Pte. Ltd và một công ty phát triển bất động sản của Nhật Bản thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP. Thông qua hợp tác này, khoản đầu tư 22,5 triệu USD sẽ hỗ trợ một phần trong kế hoạch vốn đầu tư của Phát Đạt nhằm phát triển một số dự án hiện tại Phát Đạt, đặc biệt là các dự án tại TP.HCM.

Hồi đầu năm, Công ty Lotte E&C (thành viên của tập đoàn Lotte) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư cùng Công ty Hưng Lộc Phát đầu tư một dự án tại quận 7, TP HCM.

Nửa đầu năm nay, số thương vụ M&A khá ít so với cùng kỳ, trong đó các thương vụ mua bán dự án từ các nhà đầu tư nước ngoài lại càng ít hơn. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,32 tỉ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nếu so với cùng kỳ năm trước với số vốn FDI rót vào mảng kinh doanh bất động sản đạt 5,54 tỉ USD thì nguồn vốn năm nay giảm mạnh, chỉ còn bằng 23,8%.

Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, trong bối cảnh pháp lý liên quan bất động sản gặp khó, các chủ đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Họ có xu hướng ráo riết tìm kiếm quỹ đất sạch trên thị trường để có thể phát triển dự án nhanh chóng mà không bị ảnh hưởng về vấn đề pháp lý.

Tương tự, theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) tại Việt Nam, dù có nhu cầu và mong muốn đầu tư nhưng các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đang cảm thấy rất nản lòng. Ngoại trừ bất động sản công nghiệp, ở các phân khúc khác, việc phê duyệt đất đai và giấy phép xây dựng ngày càng thắt chặt và tắc nghẽn khiến các nhà đầu tư có không ít lo ngại.

“Điển hình có nhà đầu tư nước ngoài tiếp xúc và làm việc với JLLcho biết họ mất đến hai năm nhưng chưa xong được giao dịch một dự án vì thủ tục quá phức tạp”, ông Stephen Wyatt nói và cảnh báo nếu các vấn đề pháp lý, phê duyệt dự án không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến việc các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam.

“Pháp lý và sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước cực kỳ quan trọng đối với các nhà đầu tư bất động sản và việc trì hoãn kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Tác động trước mắt là nguồn cung toàn thị trường sụt giảm, giá cả leo thang, chắc chắn ảnh hưởng đến người tiêu dùng và người sử dụng bất động sản. Hệ lụy tiếp theo là ảnh hưởng đến xây dựng, đến sơ sở hạ tầng nếu như việc trì hoãn giấp phép tiếp tục diễn ra”, ông Stephen Wyatt nói thêm.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.