Gần đây, tại nhiều quận, huyện vùng ven của TP.HCM đã bùng phát, rộ trở lại tình trạng mua bán nhà xây trên đất nông nghiệp không phép, không giấy tờ. Ai cũng biết những căn nhà này có nguy cơ bị đập bỏ bất cứ lúc nào nhưng người dân vẫn mua với hy vọng nhà sẽ được phép tồn tại.
Nhiều khu đất nông nghiệp bị các đầu nậu “băm nát” thành từng mảnh. Sau khi bán đất, các đầu nậu bao luôn việc xây dựng và thực tế chẳng thấy ai làm khó dễ gì cho đến khi đầu nậu giao nhà cho người mua. Nhà xây trái phép, chẳng rõ địa phương không biết hay cố tình làm ngơ cho đầu nậu “tung hoành” nhưng hậu quả là người mua nhà xây lụi vốn ít tiền phải chịu cảnh khóc dở.
Đầu nậu sử dụng những chiêu thức cũ nhưng vẫn tỏ ra khá hiệu quả…
Bao xây, bao giấy tờ
Qua thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đi theo đường Nữ Dân Công tìm đến khu đất tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, nơi được cho là khu đất nổi tiếng trong việc xẻ thịt đất nông nghiệp để bán nền.
Con đường đất dẫn vào dãy nhà xây dựng lụi lô nhô phía sau. đầu đường có trụ sở dân phòng ấp 4, xã Vĩnh Lộc A. Ảnh: ÁI NHÂN
Trong vai một công nhân cần mua đất nông nghiệp để xây nhà, chúng tôi tạt vào một điểm môi giới nhà đất Ng. Nhân viên tên Thắng đon đả chào đón “chỗ chúng em giới thiệu uy tín lắm”. Thắng nhanh nhảu hỏi chúng tôi muốn mua đất ở đâu, mặt tiền hay hẻm, đất xây dựng được hay đất nông nghiệp. Thắng thông tin: Đất xây dựng được khoảng 8-9 triệu/m2 còn đất để xây nhà lụi dao động 2,5-4 triệu/m2. Với loại đất nông nghiệp, muốn xây lụi phải chung chi cho phía xây dựng 60-70 triệu đồng/căn hoặc cao hơn phụ thuộc vào diện tích xây, có gác hay không gác... Khi chúng tôi rời điểm môi giới, Thắng dúi card visit và không quên dặn dò: “Khi nào cần mua nhà, đất hay kiếm thầu xây dựng cứ liên lạc…”.
Đi dọc đường Nữ Dân Công theo Kênh Lớn đến ấp 4, căn cứ bản đồ phân lô có trong tay, chúng tôi nhanh chóng nhận thấy khu đất nông nghiệp trống, rộng hơn 1 ha được “trùm” đầu nậu tên H. phân ra hơn 200 lô với diện tích 48-60 m2/lô để bán. Những người mua đất đều được H. bảo đảm là sẽ bao việc xây dựng trọn gói do xã đồng ý với giá 60-70 triệu đồng/căn mà không lo bị làm khó. Dưới trướng H., rất nhiều chân rết thân cận như Th., T., C., A. trực tiếp giao dịch với người mua đất. Người mua được hướng dẫn: hồ sơ mua bán chỉ là giấy tay kèm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho cả khu đất, CMND, hộ khẩu. Bên bán sẽ bao xây dựng. Người mua chỉ cần cộng thêm 60-70 triệu đồng vào khoản tiền bỏ ra xây dựng và cứ chờ 15-20 ngày sau khi ký hợp đồng là nhận nhà vào ở.
Sáng 22-6, chúng tôi đến quán cà phê Tigon (ở hương lộ 80, Vĩnh Lộc A) để tìm H. bàn việc mua đất nhưng không gặp. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua đất và xin số điện thoại của H. thì cô nhân viên quán nhanh nhảu cho hay: H. có rất nhiều đất tại ấp 4 đang bán, cứ đến đó xem rồi mua. Chúng tôi liên lạc với H. qua điện thoại, cho biết là phóng viên, H. thừa nhận là mình có buôn bán đất nhưng chỉ bán đất có giấy tờ hợp lệ, không phân lô bán đất nông nghiệp rồi bao xây lụi (?).
Một chân rết khác của H. là Đ. cũng mua đất rồi phân lô để bán. Con hẻm kế bên đại lý Honda, hương lộ 80 (gần UBND xã Vĩnh Lộc) có khu đất nông nghiệp của Đ. phân ra nhiều lô, hiện nay đã có hàng chục căn nhà được xây dựng nhưng chưa có người ở.
Muốn có giấy, nộp thêm 100 triệu đồng
Trong một con hẻm thuộc đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, khu đất của vợ chồng bà H. với hơn 1.000 m2 mọc lên xóm mới với mười mấy ngôi nhà hai tầng tương đối khang trang. Trên giấy tờ, đất vẫn còn đứng tên vợ chồng bà T. nhưng thực tế đã được bán cho một đầu nậu tên T., có cơ sở mua bán vật liệu xây dựng ngoài mặt tiền đường. Bà T. cho xây nhà theo kiểu cuốn chiếu, mỗi lần khoảng hai đến ba căn, bán hết lại xây tiếp. Người mua sẽ làm một bản hợp đồng giấy tay với người chủ cũ theo sự sắp đặt của bà T., trong đó ghi thời điểm mua lùi lại là năm 2008. Bà T. cho biết đó là một chiêu để được hợp thức hóa nhà. Mỗi căn nhà của bà T. xây (diện tích đất khoảng 45-50 m2, một trệt một lầu) được bán với giá khoảng 600, 700 triệu đồng. Bà T. bảo nhà sẽ được cấp giấy chứng nhận nếu nộp thêm 100 triệu đồng. Bà khoe vừa làm xong một số giấy chứng nhận cho một số hộ xung quanh. “Sẽ tiếp tục xây thêm nhiều căn nữa” - bà chỉ khu đất trống còn lại và khẳng định chắc nịch với chúng tôi.
“Với số tiền này không mua được một căn chung cư, mà ở chung cư rất phiền toái. Mua đất hợp pháp thì không đủ, nhà của bà T. đáp ứng được nhu cầu nên vợ chồng tôi chọn mua” - chị C., một người mua nhà, cho biết. Những người mua nhà xây lụi nghĩ rằng chính quyền sẽ không đập khi đã có cả dãy nhà xây lụi hoành tráng. Họ nghĩ rằng cùng lắm là chưa làm được giấy chứng nhận nhưng thôi kệ, cứ ở tạm, rồi từ từ cũng sẽ được giải quyết như nhiều lần trước đây. Thậm chí, họ còn nhiệt tình mời chúng tôi vào tham quan nhà và rủ mua nhà ở đây vì “ở được lắm”. Những người này hoàn toàn không tin và không tiên lượng được rằng họ có thể mất trắng nếu địa phương kiên quyếtthực hiện đúng quy định pháp luật.
Do thay đổi về chính sách nên một số công trình xây không phép được tồn tại hoặc được cấp giấy, vô tình đã làm người đi sau chủ quan. Anh Ba Công, một người dân ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, kể: Rời Quảng Nam vào Sài Gòn từ lúc 12 tuổi và làm nghề đánh giày, bán vé số, công nhân…. Đến năm 2007, anh mua 50 m2 đất nông nghiệp nằm phía trong lộ bờ Kênh Lớn (đường Nữ Dân Công) giá gần 100 triệu đồng. Anh bỏ thêm khoảng 100 triệu đồng xây nhà tạm. Nhà không có số, không có nước sạch, điện thì câu nhờ và gia chủ lúc nào cũng phập phồng lo sợ không biết cơ quan chức năng đập nhà mình lúc nào. Năm 2009, Thông tư 24 của Bộ Xây dựng cho nhà vi phạm quy hoạch trước ngày 1-5-2009 được tạm tồn tại nên nhà anh được huyện Bình Chánh cấp số nhà. Anh nói chắc nịch: “Chú cứ mua đất gần nhà của tui, nhà đã được huyện cấp số thì ở sẽ ổn, rồi chú cũng được cấp thôi”. Chị N.T.Lanh (ấp 6) thì nói: “Mình ít tiền, cứ ở lụi, người ta xây nhà lụi ào ào. Biết đâu đất, nhà của mình rồi cũng sẽ được công nhận…”. _____________________________________ - Đầu tháng 6-2012, ông Võ Hoàng Triều, nguyên phó chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, bị Công an huyện Bình Chánh bắt vì tiếp tay cho đầu nậu phân lô, bán nền đất nông nghiệp. - Năm 2003, quận Tân Bình đã cưỡng chế đập bỏ 289 căn nhà trái phép, xây trên đất nông nghiệp ở khu Chế Lan Viên, phường 15, quận Tân Bình. |