11/01/2017 11:36 AM
Trong khi tổng tín dụng của nền kinh tế trên 50% là trung dài hạn, huy động vốn chỉ chiếm 12-13%. Cơ cấu kỳ hạn mất cân đối, một số phân khúc tín dụng của ngành ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro.
Dư nợ cho vay các dự án BOT, BT lĩnh vực giao thông có xu hướng gia tăng
Tại Hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2017 của Ngân hàng Nhà nước tuần trước tại Hà Nội, vấn đề rủi ro cơ cấu tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục được nhấn mạnh.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mức độ tập trung tín dụng đối với một số khách hàng và nhóm khách hàng cũng như một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro ở mức cao. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chiếm từ 85 - 90% tổng mức đầu tư của các dự án BOT có tài trợ vốn của ngân hàng.
Trong năm 2016, cam kết cấp tín dụng, dư nợ cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án BOT, BT giao thông (là các khoản vay trung dài hạn, phần lớn là trên 10 năm, đặc biệt có dự án vay vốn trên 20 năm) có mức tăng trưởng cao.
Cụ thể, tính đến 30/6/2016, tổng mức cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 159.204 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015. Trong đó, riêng ba ngân hàng gồm BIDV, VietinBank và SHB có tổng hạn mức cấp tín dụng cho lĩnh vực này chiếm 85,64% toàn ngành. Số liệu trước đó cho thấy, tại thời điểm 31/12/2015, tổng hạn mức cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với các dự án BOT, BT, BTO đạt 155.480 tỷ đồng và cũng chủ yếu là các dự án lĩnh vực giao thông.
“Việc tăng trưởng nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư trong nước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tiềm ẩn rủi ro”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Rủi ro lớn nhất của ngành ngân hàng khi cho vay các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện dự án.
Nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Nhiều dự án trong quá trình thực hiện bị tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án và trả nợ ngân hàng.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông ngân hàng tài trợ vốn, hiện nay có 22 dự án bị chậm tiến độ (với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.347 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 11.122,6 tỷ đồng).
Bên cạnh vấn đề dành nguồn vốn lớn cho các dự án BOT, BT giao thông, theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng hiện đang tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tính đến 31/12/2015, dư nợ tín dụng của 1.052 khách hàng lớn là 1.289.000 tỷ đồng. Số khách hàng lớn này chỉ chiếm 0,17% tổng số khách hàng có dư nợ tín dụng trên 500 triệu đồng thì dư nợ tín dụng chiếm đến 30% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Nhà nước ban hành Công văn yêu cầu đầu mối liên quan tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn.
“Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khách hàng, khách hàng và người có liên quan có dư nợ lớn, hạn chế nợ xấu phát sinh”, Công văn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục xu hướng tăng dần qua các năm, cụ thể, trong năm 2016, dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 8,5% so với cuối năm 2015, tương đương mức 426.181 tỷ đồng.
Trước đó, tính đến 31/12/2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản là 392.800 tỷ đồng, tương đương 8,43% tổng dư nợ tín dụng, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2011. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản tính đến hết quý III/2016 là 16.761 tỷ đồng trên tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 426.181 tỷ đồng (chiếm 3,93% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này).
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016, triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của VietinBank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh: “Tổng tín dụng của nền kinh tế trên 50% là trung dài hạn nhưng huy động vốn chỉ chiếm 12-13% cho thấy cơ cấu tín dụng còn những rủi ro kỳ hạn, có những phân khúc chưa an toàn. Hệ thống ngân hàng sẽ còn chịu những tác động bất lợi từ những tồn tại trên nếu tình trạng này vẫn tiếp tục”.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Nhuệ Mẫn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.