Phối cảnh dự án khu phần mềm Thủ Thiêm
Điều này đang dẫn đến nhiều hệ lụy trong cơ cấu thu hút đầu tư, quy hoạch của địa phương và ảnh hưởng đến người dân nằm trong dự án cũng như những vấn đề liên quan đến quản lý và phân cấp cấp phép đầu tư.
Từ các dự án tiềm năng
TPHCM là địa phương đang phải đối mặt với việc xử lý các dự án đầu tư tỉ đô la này của các nhà đầu tư nước ngoài, vì trong vòng hai tuần qua có đến hai thông tin không tốt liên quan đến hai dự án tỉ đô la được cấp phép mà thành phố từng kỳ vọng chúng sẽ mạng lại giá trị kinh tế rất lớn, đóng góp trong việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề của thành phố theo hướng giá trị gia tăng cao.
Cụ thể là dự án phát triển Khu phần mềm Thủ Thiêm ở quận 2 với vốn đăng ký ban đầu lên đến 1,2 tỉ đô la Mỹ dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp 4,3 tỉ đô la tiền thuế, tạo ra 6,5 tỉ đô la Mỹ doanh số hàng năm và tạo cơ hội việc làm cho 70.000 chuyên viên phần mềm, kỹ sư công nghệ thông tin. Dự án này đang có nguy cơ bị rút giấy phép.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa chấp thuận chủ trương thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án này đã cấp cho Công ty TNHH TA Associates Việt Nam - một liên doanh Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) góp 20% vốn và đối tác nước ngoài là Công ty TA Associates International Pte. Ltd (Singapore) – thành viên của Tập đoàn Teco (Đài Loan) - góp 80% vốn.
Lý do là hơn ba năm qua, thành phố đã tạo điều kiện cho Công ty TNHH TA Associates Việt Nam thực hiện dự án trên trong khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng liên doanh vẫn kéo dài thời gian, không thực hiện cam kết đầu tư ban đầu, đồng thời đưa ra những kiến nghị không phù hợp với cam kết.
Liên doanh này đã cho khởi công dự án khu phần mềm lớn nhất Đông Nam Á vào giữa năm 2008 chỉ sau khi nhận giấy phép đầu tư khoảng một tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các cổ đông nước ngoài của TA Associates Việt Nam gặp khó khăn về tài chính và đã không thể đáp ứng các cam kết ban đầu. Đến nay dự án sử dụng gần 16 héc ta đất này vẫn còn là bãi đất trống.
Trao đổi với báo giới chiều ngày 10-11, đại diện Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm (I.C.A) khẳng định Teco là doanh nghiệp lớn ở Đài Loan. Tuy nhiên, việc thành phố có chủ trương rút giấy phép đầu tư này là cả một thời gian dài hai bên trực tiếp làm việc nhưng không tìm được tiếng nói chung bởi nhà đầu tư đưa ra một số kiến nghị không đúng với cam kết khi lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và có một số vấn đề không thuộc thẩm quyền của thành phố.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua tin nhắn điện thoại, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Saigon Invest Group (công ty mẹ của SaigonTel) – người đang tháp tùng cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở Hàn Quốc và họp APEC ở Hawai, cho rằng, dự án này SaigonTel chỉ góp 20% vốn nên không có quyền. Và TPHCM cũng không làm việc với phía SaigonTel.
Tuy nhiên ông Tâm cũng thừa nhận, việc chậm triển khai dự án ban đầu là do nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn chung của suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008. Nhưng khi khó khăn qua đi, năm 2010 đối tác này quay trở lại để thực hiện dự án và có nhiều kiến nghị, trong đó có kiến nghị là xin thành phố không phạt tiền chậm trễ đóng tiền thuê đất. Tuy nhiên, kiến nghị này không thành, trong khi thời điểm giữa năm 2010 Teco được chính quyền Trung Quốc mời vào đầu tư ở Thanh Dao (TsingTao). Và đến nay, Teco đã đầu tư giai đoạn 1 một trung tâm phần mềm hiện đại ở TsingTao với vốn đầu tư khoảng 300 triệu đô la Mỹ.
Ông Dương Công Luận, Trưởng Phòng kế hoạch và đầu tư của I.C.A, cũng xác nhận thông tin là nhà đầu tư có yêu cầu không phải nộp tiền phạt trên diện tích đất thuê và ước tính có thể trên 1 triệu đô la Mỹ, nhưng theo ông vấn đề này là ngoài thẩm quyền của thành phố.
Như vậy, dự án Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm xem ra phải tìm đối tác nước ngoài khác thay thế, trong khi mới đây TPHCM cũng phải chứng kiến việc công bố tạm dừng thực hiện dự án tỉ đô la khác trên địa bàn.
Cụ thể tuần rồi, Tập đoàn First Solar của Mỹ đã phải công bố sẽ dừng triển khai dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng tại huyện Củ Chi. Thông báo này của First Solar đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cũng như các nhà quản lý, bởi lẽ dự án First Solar được xem là điểm nhấn trong thu hút đầu tư nước ngoài của TPHCM trong năm về quy mô vốn đăng ký cũng như ngành nghề đầu tư.
Chính dự án có tổng vốn đăng ký lên đến 1,2 tỉ đô la Mỹ này mà nhiều tháng qua đã giúp TPHCM vượt qua nhiều địa phương khác dẫn đầu thu hút nguồn vốn đầu tư FDI. Mặc dù First Solar cam kết sẽ hoàn thiện công trình xây dựng nhà máy, nhưng sẽ phải tạm hoãn tuyển dụng mới và nhập khẩu thiết bị cho đến khi dự án được tái khởi động. Như vậy, dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời theo công nghệ hiện đại màng mỏng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam này chưa biết sẽ hoàn thành khi nào bởi First Solar cho biết sẽ dừng dự án cho đến khi có những tín hiệu hỗ trợ về nguồn cung-cầu trên thị trường thế giới. Rõ ràng, dự án tỉ đô la Mỹ được thành phố xem là rất khả thi này giờ đây cũng chưa xác định thời gian cho ra sản phẩm.
Đến nhà đầu tư tỉ đô la khác
Một số dự án đầu tư FDI tỉ đô la Mỹ khác rơi vào các ngành như sắt thép, du lịch, bất động sản… với diện tích đất sử dụng lên đến hàng trăm héc ta đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư 3-4 năm nhưng chủ đầu tư chậm triển khai, hoặc không có năng lực tài chính, rồi âm thầm bỏ đi mà chính quyền địa phương không hề hay biết.
Là địa phương thu hút được nhiều dự án du lịch với quy mô lớn, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang rơi vào trường hợp khó khăn này. Hàng loạt dự án du lịch trên địa bàn tỉnh này đều triển khai chậm hoặc chưa làm gì dù đã được cấp phép nhiều năm.
Cụ thể như dự án Công viên thế giới diệu kỳ có tổng vốn đầu tư lên tới gần 1,3 tỉ đô la Mỹ, do Công ty TNHH Good Choice USA - VN, giám đốc là ông John Tan Hung Nguyen (Việt kiều Mỹ), làm chủ đầu tư, từng được kỳ vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới cho thành phố Vũng Tàu. Nhưng sau gần bốn năm cấp phép, cuối cùng đơn vị quản lý đầu tư của tỉnh đã buộc phải đưa dự án này vào danh sách “đen” để kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư. Với quy mô hơn 130 héc-ta tại khu vực Bàu Trũng, thành phố Vũng Tàu, dự án này theo thiết kế gồm nhiều hạng mục như khu khách sạn 5 sao với 2.500 phòng, bốn cụm khách sạn 4 sao với 4.000 phòng, trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế, khu vui chơi giải trí,... Đây được xem là khu phức hợp du lịch, vui chơi giải trí lớn trên địa bàn tỉnh thế nhưng kể từ khi cấp phép vào đầu năm 2008 đến nay dự án vẫn nằm trên giấy, đất dự án bị bỏ hoang hoặc bị người dân lấn chiếm. Hiện chính quyền tỉnh không tìm được người đại diện của chủ đầu tư tại Việt Nam.
Cũng bị đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do chậm triển khai hoặc không có năng lực tài chính, từ đầu năm nay, tỉnh Ninh Thuận quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án khu liên hợp thép Cà Ná có vốn đầu tư 9,8 tỉ đô la Mỹ do Công ty liên doanh TNHH Vinashin – Lion làm chủ đầu tư. Dự án khu liên hợp thép Cà Ná được Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung vào quy hoạch ngành thép của cả nước. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã quy hoạch dành quỹ đất 1.650 héc ta cho dự án.
Có thể nói, danh sách những dự án tỉ đô la Mỹ - được xem là vốn ảo bị rút phép đầu tư trong thời gian gần đây ngày càng dài thêm. Điều này được xem là trái ngược với xu hướng trải thảm đỏ, tranh thủ thu hút đầu tư bằng mọi giá của các địa phương như trước đây.
Hệ lụy chạy đua thu hút đầu tư
Theo các chuyên gia, việc hình thành nên những dự án tỉ đô la “ảo” này là kết quả của việc chạy theo thành tích thu hút đầu tư ở các địa phương mà việc phân cấp quản lý đầu tư được xem là nguyên nhân chính. Nhiều địa phương cho rằng thu hút được các dự án đầu tư lớn sẽ làm thay đổi về kinh tế của tỉnh và cuộc chạy đua về thu hút vốn FDI này đã diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua.
4 - 5 năm trước, TPHCM và Hà Nội đã trở thành hai đầu cầu cho việc tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư của nhiều tỉnh thành và mỗi địa phương cứ kêu gọi đầu tư mà thế mạnh mỗi địa phương đưa ra na ná nhau. Và có một số địa phương chỉ cần cấp một dự án có vốn tỉ đô la Mỹ, ngay lập tức đang từ thứ hạng cuối cùng đã lọt vào những địa phương đứng top đầu trong thu hút vốn FDI nhiều nhất.
Và khi hàng loạt các dự án “ảo” này không triển khai bị rút giấy phép thì dẫn đến nhiều hệ lụy như lãng phí đất đai, làm mất cơ hội của nhiều nhà đầu tư khác, thay đổi quy hoạch đầu tư của địa phương và ảnh hưởng đến đời sống người dân nằm trong diện phải di dời phục vụ dự án…
Theo một số đơn vị xúc tiến đầu tư, có một số tỉnh thành đã nương tay với chủ đầu tư trong việc chậm triển khai dự án được cấp phép bởi vì đối với họ việc ra quyết định rút giấy phép là chuyện chẳng đừng và không dễ dàng tí nào. Tuy nhiên, theo một số công ty tư vấn đầu tư, cũng có những địa phương cũng rơi vào thế kẹt muốn rút giấy phép là điều không dễ. Những trường hợp này thường rơi vào các dự án mà chủ đầu tư chỉ là nhà môi giới. Nhà môi giới này luôn cố gắng đưa ra nhiều lí do kỳ kèo, kéo dài thời gian triển khai dự án để tìm nhà đầu tư khác nhằm bán dự án kiếm lời. Với tình trạng này, đại diện một đơn vị xúc tiến đầu tư tiết lộ rằng nhà môi giới này thường đổ lổi cho việc chưa có đất sạch hoàn toàn để triển khai dự án, hoặc họ chỉ cần điều chỉnh, bổ sung hay cắt bớt một số hạng mục dự án nhằm kéo dài thời gian triển khai.
Rõ ràng với việc phân cấp như hiện nay, nếu chính quyền địa phương cấp phép mà không thẩm định kỹ, thì tình trạng dự án tỉ đô la “ảo” sẽ tiếp tục diễn ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, với nhiều dự án tỉ đô la được cấp phép và tổng vốn đầu tư đăng ký mới lên tới trên 70 tỉ đô la Mỹ trong mấy năm qua thì vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao giải quyết vấn đề giải ngân vốn đầu tư đăng ký này; không để các địa phương tiếp tục chạy theo chủ trương thu hút đầu tư bằng mọi cách.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại một hội thảo xúc tiến đầu tư diễn ra tại TPHCM gần đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết chủ trương của bộ là không chạy theo số vốn đầu tư đăng ký mà quan trọng là chất lượng và việc triển khai thực hiện của các dự án đầu tư. Và việc sụt giảm đầu tư hiện nay không còn quan trọng.