Ngày 17/10, Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị Thủ tướng tạm dừng việc thực hiện dự án Nam An Khánh do Tổng Công ty Sông Đà làm chủ đầu tư đã vi phạm quy định pháp luật về chuyển nhượng dự án.
Cụ thể, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh (năm 2004), Tổng Công ty Sông Đà đã chuyển giao dự án với giá trị 155 tỷ đồng cho công ty con của mình là CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico) trong lúc chưa có hạ tầng, không báo cáo các cơ quan liên quan cũng như chưa có sự phê duyệt của Thủ tướng (năm 2006).
Việc làm trên của Tập đoàn Sông Đà, theo Thanh tra Chính phủ, đã trái với nội dung của Tờ trình số 45 của Bộ Xây dựng và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hồi năm 2004; vi phạm quy định của pháp luật tại khoản 8, Điều 2 Nghị định 17/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Đáp lại các kết luận nêu trên, ngày 24/10, Công ty Sudico đã đưa ra báo cáo dài 4 trang giải trình và phủ định các cáo buộc.
"Những nội dung được đề cập không phản ánh đầy đủ tính pháp lý và có khả năng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước là Tập đoàn Sông Đà và sự ổn định phát triển của Công ty Sudico".
Do đó, với tư cách là "chủ đầu tư dự án Nam An Khánh", Sudico "thấy có trách nhiệm báo cáo kịp thời và đầy đủ" tới các cổ đông - văn bản do Phó Tổng GĐ Sudico, ông Bùi Khắc Viện ký phản biện.
Mô hình khu đô thị Nam An Khánh
Theo phía Sudico, trong thời gian khoảng 2 năm (2004-2006) từ khi Thủ tướng giao cho Tập đoàn Sông Đà đến khi có Nghị quyết chuyển nhượng của HĐQT Tổng Công ty Sông Đà cho Sudico, đã có nhiều văn bản ban hành liên quan đến dự án mà không được Thanh tra Chính phủ đề cập.
Thứ nhất, trước thời điểm tháng 7/2003, tiền thân của Sudico là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Sông Đà. Tại thời điểm cổ phần hóa, hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp đã tính đầy đủ các lợi thế của các dự án hiện có và đang là cơ hội, để đầu tư vào giá trị doanh nghiệp (bao gồm cả dự án Nam An Khánh).
Thứ hai, trên cơ sở đề nghị của Tổng Công ty Sông Đà, UBND tỉnh Hà Tây - hồi tháng 7/2003 đã có văn bảo số 2241 đồng ý việc Tổng Công ty Sông Đà giao Công ty Sudico làm chủ đầu tư dự án.
Về việc chuyển giao làm chủ đầu tư dự án và việc xác định chủ đầu tư khi chuyển sang công ty cổ phần, Sudico viện dẫn văn bản trả lời của Bộ Tư pháp ngày 12/12/2005 và văn bản ngày 23/12/2005 của Bộ Tài chính.
Trong đó nêu rõ "không có quy định nào cấm việc chủ đầu tư là Tổng Công ty chuyển giao cho doanh nghiệp là đơn vị thành viên của mình làm chủ đầu tư dự án" và "công ty cổ phần được chủ động sử dụng toàn bộ tài sản, tiền vốn đã cổ phần hóa để tổ chức sản xuất kinh doanh; kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa..."
Ngày 22/12/2005, UBND tỉnh Hà Tây đã có văn bản chấp thuận giao cho Công ty Sudico trực tiếp làm chủ đầu tư dự án. Tiếp đến, ngày 4/4/2007, tỉnh này đã có quyết định chính thức giao 181,8 hecta đất đã tạm giao trước đó và bổ sung thêm 5,77 ha cho Sudico.
Ngoài quy trình đúng luật, theo Sudico, câu chuyện nói trên không phải là trường hợp ngoại lệ khi năm 2009, Tổng công ty Sông Đà được Thủ tướng có chủ trương giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp một đoạn của Quốc lộ 6 theo hình thức BOT kết hợp BT. Tổng Công ty này sau đó đã giao cho Công ty CP Sông Đà Hà Nội thực hiện cho đến nay.
Sudico cho rằng, việc ký hợp đồng với Tổng Công ty Sông Đà thực hiện dự án Nam An Khánh ở đây là góc độ hợp tác đầu tư và lợi ích, giá trị mà Tổng Côn ty Sông Đà đạt được là 155 tỷ đồng, chứ không phải là việc chuyển nhượng dự án giữa hai bên. Bởi lẽ Sudico đã làm chủ đầu tư dự án trên cơ sở văn bản của UBND tỉnh Hà Tây.
Vì thế, ý kiến về việc tạm dừng thực hiện dự án nói trên khi đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục đầu tư theo đúng quy định sẽ gây hậu quả và thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của các cổ đông của Sudico, trong đó có cổ đông Nhà nước là tập đoàn Sông Đà.
"Việc dùng biện pháp hành chính yêu cầu tạm dừng hoạt động của các dự án đầu tư đang triển khai tại công ty cổ phần mà cổ đông Nhà nước không nắm chi phối là không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hay các quy định hiện hành" - văn bản của Sudico nhấn mạnh.
Cũng cần nói thêm rằng, những giảm sút trong kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh mà đặc biệt là khó khăn vướng mắc tại dự án khu đô thị mới Nam An Khánh đang được cho là nguyên nhân chính dẫn tới bất đồng nội bộ, đấu đá, bãi nhiệm lẫn nhau giữa các lãnh đạo cao cấp của Sudico thời gian qua.
Khu đô thị mới Nam An Khánh có diện tích sử dụng đất lên tới 288,8 ha nằm ở phía Tây Hà Nội. Năm 2008, dự án nằm trong diện rà soát và phải điều chỉnh quy hoạch, dẫn tới bị chậm trễ triển khai và không đủ điều kiện triển khai đầu tư.
Cho đến nay, lãnh đạo của Sudico vẫn thừa nhận, cơ sở hạ tầng của dự án vẫn trong diện "có chỗ ổn định, có chỗ không, có chỗ xong, có chỗ chưa xong".