Reuters đánh giá Việt Nam là nước tiêu thụ vàng lớn ở châu Á.
Ngày thứ Năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố sẽ cho phép nhập khẩu vàng nếu giá trong nước lên mức quá cao.

Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời liên quan đến vàng tại Việt Nam và lệnh cấm nhập khẩu.

Hoạt động nhập khẩu vàng tại Việt Nam được điều tiết như thế nào?

Việt Nam nhập khẩu khoảng 95% lượng vàng tiêu thụ và hoạt động nhập khẩu được điều tiết bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh muốn nhập vàng phải xin hạn ngạch và giấy phép từ Ngân hàng Nhà nước. Ở thời điểm Ngân hàng Nhà nước không cấp phép, kênh nhập khẩu bị cắt.

Tại sao hoạt động nhập khẩu vàng lại bị quản lý chặt chẽ?

Tháng 5/2008, Ngân hàng Nhà nước ngừng cấp phép nhập khẩu vàng trong động thái để kiềm chế thâm hụt thương mại, làm dịu áp lực lạm phát và giúp bình ổn nền kinh tế. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 4/2008, thâm hụt thương mại lên mức cao kỷ lục 11,1 tỷ USD và lạm phát đến hết tháng 4/2010 lên mức 21%.

Ngân hàng Nhà nước từ đó đến nay đã nới lỏng lệnh cấm vài lần với hạn ngạch hạn chế, cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu khi giá nội địa tăng mạnh.

Mối liên hệ giữa vàng và tiền đồng ra sao?

Khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế tăng cao, những người đầu cơ thường mua USD để mang lậu vàng vào, áp lực giảm giá đối với tiền đồng ngày một lớn hơn.

Giá vàng tăng cao khiến hoạt động gửi tiền không còn hấp dẫn, người gửi tiền chuyển từ nắm giữ tiền đồng Việt Nam sang vàng. Điều này có thể khiến áp lực lạm phát tăng cao.

Ngoài ra, người Việt Nam thường tính giá bất động sản theo vàng. Giá vàng tăng cao đẩy giá bất động sản tăng, giá các loại hàng hóa khác cũng lên theo.

Tại thị trường còn non trẻ của Việt Nam, giá vàng tăng thường khiến người ta kỳ vọng vào khả năng giá sẽ tăng cao hơn, áp lực mất giá lên tiền đồng còn trầm trọng hơn.
Ảnh hưởng của lệnh cấm nhập khẩu vàng ra sao?

Việc áp dụng lệnh cấm nhập khẩu đã cho phép Ngân hàng Nhà nước hạn chế lượng ngoại tệ dùng cho nhập khẩu, tuy nhiên nó tạo ra sự khan hiếm hay ít nhất là tâm lý khan hiếm, giá trong nước vì thế lên cao hơn so với giá thế giới.

Hoạt động buôn lậu vàng vì thế tăng và ảnh hưởng xấu đến tiền đồng. Ngoài ra, các công ty kinh doanh vàng phàn nàn về việc nguồn cung hạn chế đang tạo ra nhiều vấn đề và ảnh hưởng đến các công ty sản xuất trang sức xuất khẩu.

Tại sao người Việt Nam chuộng vàng?

Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới. Năm 2006, Việt Nam nhập 91 tấn vàng; số vàng được nhập khẩu trong năm 2007 và năm 2008 lần lượt đạt 51 và 90,5 tấn. Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng Việt Nam hiện có thể đang nắm giữ khoảng 500 tấn vàng.

Người Việt Nam, vốn quá quen với lạm phát cao và bất ổn trong nhiều năm, thường có thói quen dự trữ vàng.

Người dân tại đất nước 86 triệu dân này duy trì thói quen tặng vàng trong dịp cưới. Việc tiền đồng liên tiếp mất giá cũng khiến người ta ngày một coi vàng là công cụ cất trữ, đầu tư an toàn cùng với đồng USD.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), người Việt Nam nắm giữ vàng tính trên mỗi đồng đôla thu nhập nhiều hơn bất kỳ người dân nước nào trên thế giới, điều này cho thấy sự thiếu niềm tin vào tiền đồng.
Cafeland.vn - Theo Reuters
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland