Các cuộc khảo sát của Reuters với nhiều chuyên gia thị trường cho thấy cơn sốt nhà ở trên toàn cầu đang có xu hướng giảm.

Thị trường bất động sản toàn cầu đã tăng giá chóng mặt do đại dịch khi mọi người tranh nhau mua thêm không gian sống và làm việc. Còn giờ đây, khi lãi suất tăng và lạm phát cao, giá nhà dự kiến ​​sẽ giảm.Theo các nhà phân tích tại 9 thị trường bất động sản hàng đầu trên thế giới, mức tăng giá khủng lên tới 50% trong vài năm qua có thể sắp kết thúc, và sẽ giảm ở mức vừa phải vào năm 2023 tại một số quốc gia.

Tuy nhiên, việc giảm giá này không khiến nhà ở có giá phải chăng hơn, đặc biệt là đối với những người mua nhà lần đầu trong bối cảnh lạm phát khiến chi phí sinh hoạt cơ bản tăng vọt và lãi suất vay thế chấp cao hơn trước đó.

Liam Bailey, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Knight Frank, cho biết: “Giá nhà chắc chắn sẽ giảm. Câu hỏi là, một số thị trường nhà ở có đứng trước nguy cơ sụp đổ hay không?”.

Hiện tại, hầu hết các chuyên gia bất động sản đều không dự báo rằng giá nhà sẽ thay đổi, thậm chí dù chỉ ở mức 10%. Thay vào đó, họ bám sát vào quan điểm là lạm phát nhà ở về cơ bản sẽ chậm lại, trong hầu hết các trường hợp là thấp hơn so với mức giá tiêu dùng đang tăng hiện nay.

Do mức lương khó có thể ngay lập tức theo kịp xu hướng lạm phát, các nhà phân tích đều đồng tình rằng khả năng chi trả nhà ở trong vài năm tới sẽ bị tác động mạnh mẽ do giá nhà cao kỷ lục và lãi suất tăng.

Hơn 2/3 các nhà phân tích, tương đương với 83 trong số 119 người đươc hỏi, cho biết khả năng chi trả của những người mua nhà lần đầu sẽ giảm hoặc giảm đáng kể trong 2 năm tới. Chỉ 36 người cho biết tình hình sẽ được cải thiện.

Ngay cả ở các thị trường bất động sản như Ấn Độ và Dubai, những nơi tránh được tình trạng mua nhà do tâm lý hoảng loạn và mức tăng giá hàng năm cao hai con số trong thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch như tại Hoa Kỳ, Canada và Úc, các nhà phân tích vẫn đồng ý rằng khả năng chi trả sẽ suy giảm.

Một phần của các nhận định trên là do chi phí xây nhà mới. Hầu như nguồn cung mới không được xây dựng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, chi phí tăng vọt do gián đoạn chuỗi cung ứng mà tất cả các doanh nghiệp trên thế giới phải đối mặt sẽ chuyển sang những người mua lần đầu, giống như cách người tiêu dùng đang phải trả nhiều tiền hơn cho mọi thứ hàng hóa mà họ mua.

Adam Challis, Giám đốc điều hành nghiên cứu tại khu vực Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi của JLL, cho biết: “Những thách thức về lạm phát tương tự, đặc biệt là trong thị trường xây dựng và những vấn đề trong chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục hoành hành và ảnh hưởng đến các nhà phát triển và các công ty xây dựng. Điều này có thể trở nên tồi tệ hơn trong ngắn hạn khi mọi người quay trở lại thành phố làm việc và tiếp tục hào hứng với việc sở hữu nhà tại đô thị”.

Điều này giống như việc rất nhiều người trên toàn thế giới đã đổ xô đi mua nhà trong đại dịch do cần một nơi trú ẩn và làm việc tại gia. Vì vậy trong tương lai, người mua có thể lại yêu thích những ngôi nhà ở thành phố để thuận tiện cho công việc như trước đại dịch họ từng theo đuổi.

Điều này sẽ khiến những người mua nhà lần đầu quay trở lại vòng xoáy chật vật để gom đủ tiền mua nhà tại các đô thị, giờ đây đã tăng lên chóng mặt do đại dịch. Trong khi đó, dù giá nhà có giảm, chi phí đi vay không thực sự giảm do lãi suất đang tăng.

Vì vậy nhiều người ở hầu hết các quốc gia đươc khảo sát, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đã từ bỏ việc mua nhà. Tuy vậy, tình trạng thiếu nhà đang khiến giá thuê ở khắp mọi nơi tăng cao.

Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra với khả năng chi trả trên thị trường cho thuê nhà trong 2 năm tới, hơn 80% các nhà phân tích, hoặc 82 trong số 99 người, cho biết tình hình cũng sẽ xấu đi.

Chủ đề: Bất động sản 2022,
Lam Vy (RT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.