Theo tài liệu VnExpress.net thu thập được, từ năm 2004, cụm 20 biệt thự Pháp cổ ở khu tỉnh ủy Lâm Đồng cũ nằm trên đường Nguyễn Du và Phó Đức Chính, phường 9, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, vốn đã được giao cho Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Gia Lai (nay là tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức làm chủ tịch). Thời hạn thuê 50 năm, giá thuê được điều chỉnh theo từng phân kỳ 5 năm một lần.
Các biệt thự được giao dưới dạng cho thuê đất và tài sản trên đất, tổng diện tích gần 46.000 m2, chia làm 3 giai đoạn căn cứ theo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND TP Đà Lạt. Khi được địa phương bàn giao 15 căn biệt thự, doanh nghiệp đã xây dựng, cải tạo cuốn chiếu được 8 căn. 7 căn chờ kết hợp với 5 biệt thự giai đoạn cuối để đầu tư khu này thành resort 4 sao.
Tuy nhiên, vì 5 căn biệt thự bị ách lại do vướng giải phóng mặt bằng nên khu nghỉ dưỡng này nợ một số hạng mục dịch vụ giải trí mới được công nhận đạt chuẩn 4 sao. Doanh nghiệp đã ứng trước cho chính quyền địa phương gần một tỷ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng 5 biệt thự còn lại, song mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ.
Khu resort của Hoàng Anh Gia Lai tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đang đứng trước nguy cơ tụt hạng từ 4 sao xuống còn 3 sao. Ảnh: Vũ Lê.
Ngày 7/9/2009, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trương Văn Thu chủ trì cuộc họp, yêu cầu các cơ quan nhanh chóng bàn giao 5 căn biệt thự còn lại. Cuộc họp còn ra tối hậu thư, gia hạn cho Hoàng Anh Gia Lai đến ngày 10/10/2009, phải thực hiện đầu tư nâng cấp các căn đã được giao, nếu không sẽ thu hồi, tổ chức đấu thầu cho thuê.
Ngày 22/9/2009, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định thu hồi 11 căn biệt thự đã cho Hoàng Anh Gia Lai thuê. Văn bản thu hồi của UBND tỉnh ra đời trước thời hạn 20 ngày, mâu thuẫn với văn bản UBND tỉnh ban hành ngày 7/9.
Tiếp đến, ngày 9/10 cùng năm, UBND tỉnh Lâm Đồng ký văn bản giao 11 biệt thự Hoàng Anh Gia Lai đang đầu tư cho Công ty cổ phần tập đoàn Trung Thủy (TP HCM). Điều này vi phạm Hợp đồng cho thuê tài sản mà Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng ký với Hoàng Anh Gia Lai. Bởi lẽ, tại khoản 2 điều 5 của hợp đồng ghi rõ: “Trường hợp một bên đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trước 30 ngày”. Ngoài ra, việc giao đất và biệt thự cho Công ty Trung Thủy cũng không thông qua một cuộc đấu thầu nào, trái với cam kết của lãnh đạo tỉnh.
Bị thu hồi nhà đất mà không xem xét đến quá trình đầu tư, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Trà Văn Hàn bức xúc nói với VnExpress.net: " Khu resort của chúng tôi đã đầu tư chuẩn 4 sao, đổ vào đó bao tâm huyết và tiền của suốt một chặng đường dài, nay đứng trước án rớt hạng chỉ vì bị thu hồi kiểu này thật không đáng".
Ông Hàn chia sẻ, tại Đà Lạt, những resort đạt tiêu chuẩn 4-5 sao rất ít, doanh nghiệp quyết tâm đầu tư nên đã kiên nhẫn theo đuổi dự án này trong 6 năm, dù gặp nhiều khó khăn do tỉnh không thể bàn giao mặt bằng sớm và thị trường du lịch rơi vào khủng hoảng do suy thoái kinh tế. Khi doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng 4 sao, Tổng cục Du lịch kiểm tra vẫn còn thiếu các hạng mục dịch vụ tiện ích nên cho khất lại, sẽ bổ sung dần. "Nay tỉnh Lâm Đồng thu hồi 11 căn biệt thự xem như khu resort chắc chắn rớt hạng vì không biết lấy đâu ra đất để bổ sung các dịch vụ còn thiếu? Đó là chưa kể thị trường du lịch sẽ giảm tính hấp dẫn vì khu resort không đạt chuẩn như cam kết", ông Hàn nói.
Lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai tiết lộ thêm, doanh nghiệp từng xin chuyển nhượng dự án hoặc ủy quyền cho công ty con quản lý dự án, cũng không được tỉnh chấp thuận. "Môi trường đầu tư có quá nhiều mâu thuẫn như thế này thì rất khó để phát triển bền vững", ông nói.
Tại buổi họp báo ngày 6/8 vừa qua, Chánh văn phòng UBDN tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp (hiện là Chủ tịch UBND TP Đà Lạt) thích về việc thu hồi 11 căn biệt thự trước thời hạn: “ Cả giai đoạn trước doanh nghiệp không làm gì, còn 3 đến 5 ngày nữa cũng không giải quyết được vấn đề gì, nên tỉnh quyết định xử lý sớm”.
Về việc UBND tỉnh Lâm Đồng âm thầm giao 11 căn biệt thự cho một doanh nghiệp khác mà không hề thông qua việc đấu thầu công khai như cam kết, ông Hiệp nói: “Trong nhiều trường hợp, nếu có những nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu thì lựa chọn trong các nhà đầu tư đó để sớm triển khai, đưa nhanh khu này vào quản lý. Tổ chức đấu thầu thì kéo dài cả năm ”.
Tuy nhiên, n gười phát ngôn tỉnh Lâm Đồng không hề đề cập đến việc tỉnh chưa bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư, đã yêu cầu doanh nghiệp triển khai dự án là đúng hay sai.
Trên thực tế, tại Lâm Đồng đã từng xảy ra hiện tượng cùng một chính sách kêu gọi đầu tư nhưng khi áp dụng cho các doanh nghiệp lại không thống nhất. Có doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng cũng có đơn vị được nương tay.
Cafeland.vn - theo Vủ Lê ( VnExpress )