06/05/2014 9:42 PM
Cần coi việc chuyển nhượng một phần hoặc cả dự án là hoạt động kinh doanh bình thường (mua bán, sáp nhập) của doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng Luật Kinh doanh BĐS đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong việc chuyển nhượng dự án BĐS.

Mất cơ hội vì thủ tục

Tại buổi họp đóng góp ý kiến dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức mới đây, đại diện Công ty CP Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cho biết trong quá trình hoạt động, đã có lúc công ty phải chuyển nhượng dự án hoặc mua lại dự án nhưng thủ tục chuyển nhượng rất khó, kéo dài. DN phải xin nhiều ý kiến của các ban ngành liên quan, bổ sung hồ sơ làm chậm trễ, kéo dài thời gian… trong khi với DN thời cơ là rất quan trọng. Có dự án phải mất nửa năm, đến khi xong thủ tục thì cơ hội đã qua. “Trong chuyển nhượng dự án, nhất là nhà ở, nhà nước cần cải thiện thủ tục nhanh chóng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để DN tận dụng được thời cơ kinh doanh” - đại diện công ty nói.

Luật Kinh doanh bất động sản cần cho phép doanh nghiệp được tự do chuyển nhượng một phầnhay cả dự án bất động sản. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HỒNG THÚY
Luật Kinh doanh bất động sản cần cho phép doanh nghiệp được tự do chuyển nhượng một phần hay cả dự án bất động sản. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HỒNG THÚY

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh, cho biết đa phần để có một dự án, thủ tục pháp lý kéo dài từ 3-5 năm. Đối với những dự án đã có đầy đủ giấy phép xây dựng, đã san lấp, giải phóng mặt bằng… nhưng chủ đầu tư không thể triển khai tiếp thì cần chuyển nhượng cho các đơn vị đủ năng lực. Điều này vừa giải quyết được nợ xấu ngân hàng, công ăn việc làm và triển khai đúng theo quy hoạch của địa phương và kịp thời đáp ứng nhu cầu nhà ở cho dân cư. Nhưng hiện nay, quá trình chuyển nhượng dự án kéo dài, rất nhiêu khê. “Cần rút ngắn thủ tục rườm rà, đặc biệt đối với những dự án có đất sạch, có quy hoạch 1/500 nên tạo điều kiện dễ dàng hơn” - ông Cường kiến nghị.

Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, không chỉ vấn đề chuyển nhượng dự án mà cả việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào BĐS cũng đang gặp khó khăn. Một dự án BĐS dang dở, không có vốn xây dựng tiếp nhưng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thì phạm luật…

Kiến nghị cho chuyển nhượng theo nhu cầu

Ông Lê Hoàng Châu cho biết Luật Kinh doanh BĐS hiện hành bất cập khi chỉ cho chuyển nhượng toàn bộ dự án chứ không cho chuyển nhượng một phần dự án. Luật cũng chỉ cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng dự án khi gặp khó khăn, không đủ điều kiện hoặc không còn nhu cầu tiếp tục triển khai dự án. Trong khi cần coi việc chuyển nhượng dự án là hoạt động kinh doanh bình thường (mua bán, sáp nhập) của DN.

Phát triển kinh doanh BĐS là một chuỗi các hoạt động đầu tư theo nhiều giai đoạn: từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình kiến trúc theo quy hoạch… “Luật cần tôn trọng quyền và ý chí của chủ đầu tư dự án là có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án ở bất kỳ giai đoạn đầu tư nào, theo nhu cầu kinh doanh của DN, miễn sao DN phải đăng ký việc chuyển nhượng với cơ quan quản lý và nộp thuế theo quy định” - ông Châu nói.

Có quan điểm lo ngại việc chuyển nhượng dự án sẽ làm giá BĐS tăng lên khi đến tay người tiêu dùng. Ông Châu cho biết thực tế, thị trường chỉ chấp nhận giá bán BĐS phù hợp với giá cả phổ biến của BĐS cùng loại chứ không phải DN dễ dàng tự ý nâng giá được. Do đó, hiệp hội kiến nghị sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS theo hướng coi việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án là hoạt động kinh doanh có hợp đồng, có đăng ký và chịu thuế bình thường của DN.

Song Hà (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.