Ngổn ngang xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công
Lấn chiếm hành lang giao thông xây dựng nhà ở trái phép tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo UBND huyện Phú Quốc, từ khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch, phát triển đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng chất lượng cao, tình hình mua bán, chuyển nhượng đất đai trên đảo tăng đột biến, giá đất nhảy vọt, vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng trái phép gia tăng và diễn biến phức tạp.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: “Trước sự phát triển mạnh, nhanh và “nóng” của Phú Quốc, tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng trái phép trên đảo diễn biến phức tạp và vấn đề này còn tiềm ẩn nhiều bất lợi, nguy cơ cao. Các đối tượng tự ý, ngang nhiên bao chiếm đất Nhà nước quản lý, đất rừng, lấn chiếm suối, hành lang ven biển, hành lang giao thông, đất đã giao cho nhà đầu tư nằm trong dự án; xây dựng không phép, trái phép, sai phép, xây nhà trên đất nông nghiệp, phân lô, bán nền… gây nhiều khó khăn, trở ngại cho huyện trong quản lý đất đai, xây dựng.”
Điều hết sức nghiêm trọng là một số đối tượng sau khi lấn, bao chiếm đất công lén lút bán đất thu lợi bất chính. Có nghĩa là khi có ai đó tìm mua đất, lô nền, đối tượng hoặc “cò đất” chỉ dẫn người mua thửa đất công bị lấn chiếm để thỏa thuận bán, chuyển nhượng.
Người mua không tìm hiểu nguồn gốc, hiện trạng đất như thế nào, vội vàng bỏ ra số tiền lớn mua theo kiểu chụp giật, “thuận mua, vừa bán”. Sau đó, người mua đến cơ quan chức năng làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không được chấp nhận mới vỡ ra là đất Nhà nước quản lý, đất rừng mới chuyển đổi, đất nằm trong dự án đã giao cho nhà đầu tư, đất công… dẫn đến “tiền mất, tật mang”, khiếu nại, khiếu kiện làm cho tình hình quản lý đất đai tại Phú Quốc thêm phức tạp.
Trong khi đó, nguồn lực cán bộ xã, thị trấn và huyện Phú Quốc phụ trách lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đất đai, xây dựng rất ít nên việc giải quyết, xử lý không kịp.
“Cùng một lúc, một thời điểm và cùng thời gian, trên nhiều địa bàn xảy ra xây dựng trái phép, không phép, lấn chiếm đất công, đất Nhà nước quản lý, đất dự án… trong khi huyện thiếu cán bộ tiếp cận hiện trường để xử lý, ngăn chặn nên tình hình vi phạm diễn biến khá phức tạp trong thời gian qua. Nhưng không vì thế mà huyện buông lỏng quản lý. Chúng tôi đang tập trung rà soát những vụ việc “nóng”, bức xúc, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự xã hội, gây bất lợi cho phát triển kinh tế, triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư để xử lý, giải quyết dứt điểm.”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho hay.
Vào cuộc quyết liệt
Giải tỏa lấn chiếm hành lang giao thông xây dựng nhà ở trái phép tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang).
Trước thực tế trên, UBND huyện Phú Quốc thành lập Tổ Kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện (gọi tắt là Tổ công tác 3399) mà nòng cốt là các phòng chức năng, đơn vị hữu quan. Tổ công tác đến hiện trường, tiếp cận từng vụ việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, bất chấp nguy hiểm, nhất là thực hiện các vụ cưỡng chế. Lực lượng làm nhiệm vụ đối diện với những đối tượng hung hăng, manh động, băng nhóm bảo kê hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đe dọa tính mạng, hăm dọa người thân trong gia đình… Tuy nhiên, Tổ công tác 3399 làm rất quyết liệt với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Ông Dương Minh Hải, Đội Kiểm tra trật tự đô thị huyện Phú Quốc cho biết, nhận được thông tin, tổ công tác lập tức có mặt tại hiện trường nhưng các đối tượng lánh mặt, tạm ngưng thi công. Khi tổ công tác ra về thì đối tượng tiếp tục thi công. Họ xây dựng vào ban đêm, ngày thứ bảy, chủ nhật, các ngày nghỉ lễ và khi tổ công tác trở lại kiểm tra thì căn nhà hoàn thành, chỉ còn biện pháp cuối cùng là lập hồ sơ thủ tục cưỡng chế tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu.
Ông Hải chia sẻ thêm: “Trong thực thi nhiệm vụ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, đối mặt các băng nhóm xã hội đen với nhiều hăm dọa, thách đố. Khi đối diện với những trường hợp như vậy, chúng tôi phải cảnh giác cao độ, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ. Vì nếu nhượng bộ, không ngăn chặn, cưỡng chế thì tình hình lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép sẽ tiếp tục phức tạp hơn nhiều, hệ lụy không lường trước được.”
Theo Tổ công tác 3399, đến nay, đã kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai 257 vụ, đã xử lý 32 trường hợp, thu hồi thực địa hơn 228.654 m² đất, số vụ còn lại đang xử lý; lĩnh vực xây dựng 154 vụ, đã xử lý 15 trường hợp, số vụ còn lại đang xử lý; kiểm tra phát hiện, xử lý 8 trường hợp vi phạm lĩnh vực khoáng sản.
Lực lượng chức năng xử lý giải tỏa xong lấn chiếm đất rừng cất nhà ở trái phép ở xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang).
Ông Huỳnh Tấn Hùng, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc cho biết, xã Gành Dầu tuyên truyền, vận động trong đoàn viên, hội viên và người dân cộng đồng xã hội thực hiện đúng theo chủ trương, pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định của địa phương, không vi phạm pháp luật về lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Nhiều trường hợp bao chiếm đất công, xây dựng nhà ở trái phép đã đồng thuận, tự động di dời, tháo dỡ.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh yêu cầu các vi phạm phải được kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, không để phát sinh, xử lý kịp thời, tạo hiệu ứng tích cực trong quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mời gọi thu hút đầu tư.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nhấn mạnh, sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quản lý đất đai, xây dựng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của huyện. Khi phát hiện nơi nào bao ví, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép là chủ tịch UBND xã địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện và pháp luật hiện hành.
“Bên cạnh đó, huyện Phú Quốc cũng sẽ tập trung cao độ, quyết liệt bằng quyết tâm cao nhất để ổn định trật tự kỷ cương trong quản lý đất đai, xây dựng; kiên quyết xử lý cưỡng chế những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đối tượng không chấp hành quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước, không tự nguyện tháo dỡ, di dời để trả lại hiện trạng ban đầu”, ông Huỳnh Quang Hưng nhấn mạnh.