25/11/2013 11:30 AM
Từ một công ty kinh doanh địa ốc, sau 18 năm xây dựng và phát triển, đến nay Him Lam đã trở thành một tập đoàn kinh tế đầu tư đa ngành với vốn điều lệ khủng lên đến 6,500 tỷ đồng.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB), không chỉ đánh dấu một bước tiến lớn của Him Lam mà còn giúp cho tập đoàn này được tài trợ hàng ngàn tỷ đồng vốn rẻ…

Từ tập đoàn hơn 6,000 tỷ

CTCP Him Lam được thành lập từ tháng 9/1994 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty TNHH Thương mại Him Lam. Đến năm 2012, vốn điều lệ của Him Lam đáng ngưỡng mộ khi đạt mức 6,500 tỷ đồng. Đứng đầu Him Lam là vị Chủ tịch HĐQT - ông Dương Công Minh.

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê tại Quế Võ, Bắc Ninh. Hiện ông đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 tổ chức: Tập đoàn Him Lam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), CTCP Liên Việt Holdings và CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS).

Cũng như nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản, vốn nhiều là nền tảng và thế mạnh của Tập đoàn Him Lam. Bên cạnh những dự án lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Him Lam đã vươn ra thực hiện nhiều dự án đô thị lớn trong phạm vi cả nước. Tên tuổi của Him Lam gắn liền với các dự án Khu đô thị và công viên công nghệ cao Him Lam tại Hà Nội, Dự án Đường vành đai 4 đoạn từ Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đến Phùng (huyện Đan Phượng); Dự án Him Lam Tân Hưng với tổng vốn đầu tư 2,780 tỷ đồng, đã hoàn thành tháng 05/2008 và Dự án Khu Công viên Công nghệ thông tin Hà Nội tổng vốn 9,500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 12/2013…

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Him Lam đã lấn sân sang mảng tài chính ngân hàng bằng việc tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) vào năm 2008. Bên cạnh đó, Him Lam đã mở rộng đầu tư sang lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và một lĩnh vực mới là dịch vụ golf.

Qua 18 năm, Tập đoàn Him Lam đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô lẫn lĩnh vực hoạt động. Xuất phát điểm chỉ từ một công ty kinh doanh địa ốc nhỏ, nay đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế lớn với 5 đơn vị trực thuộc cùng với 4 công ty con và 5 công ty liên kết.

Nguồn: Vietstock tổng hợp

Đến họ nhà LienViet…

Trong các đơn vị thành viên của Him Lam, có rất nhiều cái tên gắn liền với hai từ “Liên Việt”. Trong đó, phải kể đến Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB). Việc góp vốn thành lập ngân hàng này đã tạo bàn đạp trong chiến lược đầu tư của Him Lam, giúp tập đoàn này thực hiện chiến lược đầu tư của mình không chỉ giới hạn trong mảng bất động sản mà còn mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác thông qua các kênh đầu tư tài chính gián tiếp khác nhau.

Sơ đồ sở hữu Tập đoàn Him Lam và các tổ chức liên quan tính đến 30/06/2013:

Nguồn: Vietstock tổng hợp

LienVietPostBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Liên Việt - LienVietBank (LPB), chỉ mới hoạt động được khoảng 5 năm (NHNN cấp phép vào tháng 03/2008) với vốn điều lệ ban đầu 3,300 tỷ đồng và tăng lên thành 3,650 tỷ đồng trong vòng một năm sau khi thành lập. Điểm đặc biệt, vào năm 2011, một doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VnPost) tham gia góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và cả tiền mặt vào LPB, nâng vốn từ mức 5,650 tỷ lên 6,010 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng đổi tên thành LienVietPostBank. Hiện ông Dương Công Minh, Chủ tịch Him Lam đang đảm nhận vị trí Chủ tịch tại ngân hàng này.

Tham gia sáng lập LienVietPostBank là các cổ đông Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).

Đến cuối năm 2012 thì những tên tuổi gắn bó cùng LPB lần lượt biến mất, cùng với đó là sự gia tăng sở hữu của nhóm Him Lam. Him Lam tăng sở hữu thành 67.42 triệu cp LPB, tương ứng tỷ lệ 10.436%.

Ngoài Him Lam, hai công ty liên quan cũng sở hữu cổ phần LPB là CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS) nắm 120,700 cp (0.02%) và Công ty TNHH H.T.H nắm 32 triệu cp (4.954%) tính đến tại thời điểm 30/06/2013. Trong đó, ông Nguyễn Văn Huynh là nhân vật có mặt tại HĐQT tại cả 3 tổ chức, ông là Chủ tịch H.T.H và là thành viên tại LVS và LPB.

Bản thân ông Huynh cùng vợ đang sở hữu hơn 13.62 triệu cp LPB, tương đương tỷ lệ hơn 2.1% vốn (30/06/2013). Như vậy, ông Huynh và các bên liên quan hiện đang sở hữu gần 45.62 triệu cp LPB, tương đương tỷ lệ 7.06%.

Bà Dương Thị Liêm, em ruột ông Dương Công Minh và là Thành viên HĐQT Him Lam, nắm gần 2.61 triệu cp LPB(0.4%) tính đến 30/06/2013.

Như vậy, Him Lam và những cá nhân, tổ chức có liên quan đang nắm giữ hơn 70 triệu cp LPB, tương ứng tỷ lệ 10.86%.

Tỷ lệ sở hữu LPB của Him Lam và người liên quan tính đến 30/06/2013:

Nguồn: Vietstock tổng hợp

Bên cạnh ngân hàng, Him Lam tiếp tục vươn dài sang lĩnh vực tài chính thông qua sở hữu CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS). LVS được thành lập vào đầu năm 2009 với tên giao dịch ban đầu là CTCP Chứng khoán Viettranimex, vốn điều lệ 125 tỷ đồng. Sau khi nhận chuyển giao phần lớn vốn từ các cổ đông sáng lập vào năm 2010, Chứng khoán Viettranimex đổi tên thành CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS).

Tính đến 30/06/2013, Him Lam đã sở hữu lên đến 64% vốn LVS. Về phía hội đồng quản trị, ông Dương Công Minh đã chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch, còn ông Nguyễn Văn Huynh là Thành viên HĐQT LVS kể từ ngày 04/06/2013. Ngoài ra, bà Lê Phương Thanh, hiện là trưởng BKS tại Him Lam cũng sẽ lên thay và giữ chức trưởng BKS của LVS kể từ ngày 04/06.

Cũng tại thời điểm 30/06/2013, LienVietPostBank nắm giữ 1,357,000 cp LVS, tương ứng 11% vốn.

Hiện LVS đã bị chấm dứt tư cách thành viên tại HOSE và HNX do thua lỗ hai năm gần nhất, tương ứng với lỗ 15 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Liên Việt có vốn điều lệ là 2,000 tỷ đồng, là một công ty nữa do chính do ông Dương Công Minh là người đại diện theo pháp luật và là Chủ tịch HĐQT. Trước đây công ty mang tên Liên Việt Holdings, cũng từng nắm giữ 31.29 triệu cp (4.8%) tại LienVietPostBank vào 30/06/2012 nhưng đến cuối năm này đã thoái vốn.

Trong HĐQT của Liên Việt Holdings, ngoài Chủ tịch Dương Công Minh, những thành viên khác cũng nắm giữ nhiều chức vụ tại các công ty có kể tên trên. Cụ thể, như ông Nguyễn Đức Hưởng đồng là Phó chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Liên Việt và LienVietPostBank. Hay ông Nguyễn Văn Huynh, vừa là thành viên HĐQT Tập đoàn Liên Việt, vừa là thành viên HĐQT của LVS và là TGĐ của H.T.H.

Dòng họ LienViet có sự gắn bó hỗ trợ nhiều trong hoạt động của Him Lam. Có thể xem LienVietPostBank là bàn đạp trong chiến lược đầu tư của Him Lam khi tập đoàn này được LPB tài trợ nguồn vốn siêu khủng với giá rẻ. Như số liệu vào cuối năm 2011, Him Lam được hưởng lợi khá nhiều từ hình thức tài trợ không phải trả lãi suất (hoặc lãi suất rất thấp) là Tạm ứng xây dựng công trình. Tổng số dư vốn tài trợ khi đó hơn 2,200 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay mà Him Lam phải trả cho LPB vỏn vẹn chỉ có 27 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1.2%! Đây có thể được xem là nguồn tài trợ vô cùng “ưu đãi” khi mà lãi suất ở năm này ở mức rất cao.

Ban lãnh đạo của tập đoàn Him Lam:

Hội đồng quản trị

- Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh

- Phó chủ tịch HĐQT Trần Văn Tĩnh

- Thành viên HĐQT Dương Thị Liêm

Ban Điều hành

- TGĐ Trần Văn Tĩnh

- Phó TGĐ Lê Phương Thanh

- Phó TGĐ Dương Công Hùng

- Phó TGĐ Nguyễn Ngọc Thủy

- Phó TGĐ Dương Công Thuyên

- Phó TGĐ Trần Công Lâm

- Phó TGĐ Trần Lương Dũng

Ban kiểm soát

- Trưởng ban Lê Phương Thanh

- Thành viên Nông Đàm Thắng

- Thành viên Đặng Trí Thịnh

Sanh Tín (Báo Công Lý)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.