Trước bối cảnh nền kinh tế vĩ mô khó khăn, nhiều chuyên gia dự báo rằng khả năng lãi suất tiền đồng sẽ giảm dần từ giữa quý III/2011. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng lãi suất sẽ khó giảm trong ngắn hạn.

Theo ý kiến của các chuyên gia tài chính, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt từ tháng 5 sẽ là tiền đề cho lãi suất giảm. Mặt khác, tỷ giá giữa VNĐ/USD đang ổn định sẽ là điều kiện để các Ngân hàng củng cố thanh khoản và từ đó mặt bằng lãi suất đầu vào sẽ hạ dần.


Đặc biệt, ngày 16/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn số 4605/NHNN-CSTT gửi các Ngân hàng thương mại yêu cầu thực hiện đúng quy định về lãi suất huy động cho vay bằng VNĐ (đối đa là 14%/năm). Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, áp dụng lãi suất cho vay ở mức hợp lý, nhất là đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ.


Quý III/2011: Lãi suất khó có thể giảm


Nhiều ý kiến cho rằng, nhận định lãi suất được giảm từ quý III/2011 là khá lạc quan. Ảnh minh họa


Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến trên, một số người cho rằng xu hướng lãi suất trong thời gian tới sẽ được quyết định bởi 2 yếu tố là chuyển biến của lạm phát và việc cắt giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ.


Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2011 đã tăng 9,64% so với tháng 12/2010 và tăng 17,51% so với cùng kỳ năm trước. Với xu thế tăng giá của các hàng hóa hiện nay, chắc chắn lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Lạm phát chỉ có thể bắt đầu giảm dần từ quý III, nhưng vẫn sẽ ở mức 15-17% khi kết thúc năm 2011. Từ khía cạnh này, rất khó để kỳ vọng lãi suất sẽ giảm từ quý III này.


Năm 2010, dù tăng trưởng tín dụng lên tới gần 30% nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức rất cao. Trong khi đó, năm 2011, tín dụng được kiểm soát dưới 20% thì việc kỳ vọng lãi suất giảm bớt sẽ càng trở nên khó khăn hơn.


Thêm vào đó là việc cắt giảm đầu tư và chi tiêu quá mức của Chính phủ sẽ giúp làm giảm cầu tiền. Ngoài ra, việc siết chặt chi tiêu công sẽ loại bỏ việc đầu tư vào các dự án kém hiệu quả cũng nguyên nhân quan trọng dẫn đến bất ổn vĩ mô hiện nay.


Trong những năm gần đây, tỷ lệ đầu tư của Việt Nam thường lên tới trên 40% GDP, một tỷ lệ quá cao so với các nước khác. Trong đó, tỷ lệ đầu tư của khu vực nhà nước lên tới hơn 40% trong tổng đầu tư. Như vậy, cầu tiền về đầu tư cũng là một yếu tố khó thay đổi, đặc biệt là đầu tư từ khu vực nhà nước.


Trên thực tế, sau khi ra soát hơn 1.000 dự án đầu tư ở các tỉnh thành và các bộ cũng chỉ cắt giảm được 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư, bằng khoảng 1% tổng đầu tư của khu vực nhà nước trong năm 2010.


Vì vậy, trong ngắn hạn, rất khó để kỳ vọng nhiều vào việc cầu tiền sẽ giảm mạnh, giúp kéo lãi suất hạ nhiệt.

Tuyết Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh