02/08/2017 9:08 AM
Việc UBND huyện Châu Thành treo dự án suốt 4 năm rồi đột ngột ra thông báo dừng, đã khiến nhiều gia đình bị thu hồi đất như chìm xuống đáy của sự khốn đốn vì nhà cửa, vườn tược sau nhiều năm không được phép chăm sóc, tu bổ đã xuống cấp, chết khô. Thế nhưng, trái với khí thể hừng hực lúc thu hồi, Châu Thành lại rất ì ạch với việc khắc phục hậu quả...
Hình minh họa
Cầm đèn chạy trước ôtô?
Vụ việc tóm tắt như sau: Ngày 28.6.2013, UBND huyện Châu Thành ra Thông báo số 50/TB-UBND thu hồi 9.072,07m2 đất tại ấp An Lợi (xã An Khánh) để xây dựng công trình Trường THCS An Khánh. Tiếp đến ngày 23.6.2014, lại ra quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Dù đa số các hộ thuộc diện không khá giả và chính sách, nhưng đều đồng tình và chấp hành với tính toán của huyện.
Cụ thể hộ chị Võ Thị Của (SN 1988) bị thu hồi hơn 2.000m2 đất cùng với vật kiến trúc, cây trồng, tái định cư phân tán... được bồi thường số tiền 1,03 tỉ đồng; tương tự, ông Võ Thành Măng, (SN 1953) thương binh 2/4, bị thu hồi gần 1.500m2 đất... được bồi thường số tiền 737,09 triệu đồng, cùng 2 nền tái định cư. Tại Điều 2 của các quyết định này còn nói rõ: “Các hộ có trách nhiệm tự tháo dỡ di dời nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng ra khỏi phạm vi thu hồi đất...”. Chấp hành, các hộ không tiếp tục chăm sóc cây, tu sửa... để chờ bàn giao đất. Thế nhưng sau động thái thu hồi hừng hực, dự án rơi vào im lặng đáng sợ.
Các hộ dân bị thu hồi đã chạy vạy nhiều cơ quan chức năng với những câu hỏi rất đơn giản: Khi nào, bao giờ..., nhưng ngày qua ngày, không ai nhận được câu trả lời thỏa đáng. Thế rồi đột ngột vào các ngày 1 và 14.3.2017 - tức 4 năm sau lệnh thu hồi đất ban hành - UBND huyện Châu Thành lại ra hàng loạt quyết định hủy các quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân trong dự án công trình Trường THCS An Khánh với lý do: “Công trình không được UBND tỉnh ghi danh mục đầu tư xây dựng trong gia đoạn 2016-2020”. Thu hồi xong, rồi gần 4 năm sau phát hiện công trình không được ghi vốn, mới quay lại hủy. Phải chăng đây là hành động muốn “cầm đèn chạy trước ôtô” UBND huyện Châu Thành, nhưng khi biết không có ôtô, thì mới quay trở lại trả đèn?
Cán bộ sai một ly, dân đi... mỏi chân
Việc chấp hành lệnh thu hồi đất đã để lại cho các hộ dân hệ lụy đáng lo: Không chỉ có nhà cửa nhanh chóng xuống cấp, nhiều cây trồng cũng lần lượt chết khô. Tuy nhiên, khi nghe UBND huyện thông báo dừng việc thu hồi đất, các hộ dân vẫn chấp hành, chỉ đề nghị xem xét hỗ trợ thiệt hại do ảnh hưởng từ “quy hoạch treo”.
Cụ thể, gia đình thương bình Võ Thành Măng có gần 60 cây xoài, dừa, bưởi bị chết khô và 15 cây nhãn bị giảm năng suất. Riêng “Ngôi nhà tình nghĩa” của ông Măng, cũng xuống cấp trầm trọng, mái tole bị mục dột tại nhiều điểm... (Kết quả kiểm tra của đoàn công tác huyện Châu Thành ngày 18.5.2017 công nhận số liệu này). “Trước đây mỗi năm thu hoạch cả tấn nhãn và nhiều loại cây trái khác, nhưng từ ngày chấp hành lệnh thu hồi, không dám chăm sóc nữa nên huê lợi gần như không còn gì” - ông Măng bức xúc - “Kinh tế gia đình khó khăn, con tôi phải lên tận Long An lao động kiếm sống”. Tương tự, vườn dừa, cây ăn trái của chị Võ Thị Của cũng chết đầy...
Xót của, ông Măng, chị Của... làm đơn gởi đến nhiều cơ quan chức năng huyện Châu Thành vẫn chưa thấy hồi âm nên đã gõ cửa UBND tỉnh Đồng Tháp. Ngày 2.3.2017, Phó Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Lâm ký Công văn số 98/VPUBND-TCD truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Nguyễn Thanh Hùng - gởi UBND huyện Châu Thành xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND tỉnh vào ngày 7.4.2017.
Trên tình thần này, ngày 11.4.2017, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Văn Nghiệp chủ trì đối thoại với các hộ dân. Sau khi ghi nhận các đề xuất, kiến nghị, ông Nghiệp giao Phòng TNMT huyện phối hợp cùng BQL Dự án và Phát triển quỹ đất huyện, Phòng GDĐT, Tài chính - Kế hoạch... tiến hành khảo sát, báo cáo tham mưu UBND huyện chậm nhất trong tháng 4.2017.
Thế nhưng mãi đến cuối tháng 7 này, chúng tôi có buổi làm việc với với ông Dương Minh Hải - Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Châu Thành - cùng lãnh đạo các ban, ngành hữu quan huyện, thì được biết sự việc đang ở giai đoạn chờ cơ quan chức năng cho ý kiến. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Chờ đến bao giờ và tổng số tiền đền bù này là bao nhiêu? thì không nhận được câu trả lời, nhưng có một điều mà các thành viên tại buổi làm việc thống nhất trả lời là sẽ sử dụng kinh phí ngân sách để chi cho nguồn đề bù này.
Liệu có thỏa đáng với trách nhiệm “công bộc nhân dân”, có làm dư luận an lòng khi huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã sử dụng ngay tiền mồ hôi nước mắt của người dân đóng góp cho ngân sách để đền bù cho người dân bị thiệt hại bởi nạn quy hoạch theo kiểu “cầm đèn chạy trước ôtô” của mình gây ra?
Lục Tùng (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.