Vừa qua, báo DĐDN đã đưa một loạt bài về các dự án treo. Đây là những minh chứng cụ thể của những dự án có tiến độ rùa và thậm chí bị... treo lơ lửng. Khu đô thị mới Thủ ThiêmSố báo này, DĐDN lại tiếp tục tìm ra nguyên nhân 15 năm không thực hiện xong dự án cấp nhà nước.
Quy hoạch treo : Mắc mớ... giải phóng mặt bằng

Sau 15 năm, thực trang của khu đô thị mới Thủ Thiêm còn dang dở và chưa nên hình nên dạng

Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) tại quận 2, TP HCM. Thế nhưng 15 năm sau, vì vướng mắc trong việc bàn giao mặt bằng khiến khu đô thị mới với kỳ vọng tầm cỡ khu vực và thế giới vẫn chưa nên hình nên dáng.


Đánh vật với... đền bù


Đầu năm 2002, UBND TP HCM đề nghị Thủ tướng ban hành quyết định thu hồi 930 ha diện tích khu đất thuộc KĐTMTT. Theo đó, có hơn 10.000 hộ dân thuộc 5 phường là: An Lợi Đông, Thủ Thiêm, An Khánh, Bình An và Bình Khánh (Q.2), cùng nhiều công trình chịu ảnh hưởng hoặc có thể bị xóa sổ. Trong đó, hai phường An Khánh và Thủ Thiêm bị giải tỏa trắng.


Từ tháng 8/2006, UBND TP HCM đã ban hành chương trình hành động của KĐTMTT giai đoạn 2006- 2010. Theo đó, trong hai năm 2006- 2007 phải hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, bồi thường, thu hồi 657 ha của khu đô thị và các khu tái định cư với diện tích 180 ha... Phấn đấu đến năm 2010 quy mô đầu tư đạt 40- 50% quy hoạch.


Mặc dù đặt ra chương trình hành động như vậy, song thực tế việc đền bù giải tỏa của KĐTMTT còn rất nhiều nhiêu khê. Điều đáng nói, phần diện tích còn lại chính là phần “xương xẩu” khó khăn nhất để đền bù giải tỏa. Nguyên nhân của việc đền bù giải tỏa kéo dài là do người dân liên tục khiếu nại chính sách đền bù không hợp lý. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai vấn đề chính yếu mà người dân khiếu nại là: Thứ nhất, trong quá trình triểu khai thực hiện KĐTMTT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 367/1996 cho phép TP HCM thu hồi 930 ha đất tại quận 2 để làm dự án KĐTMTT. Trong số đó dành 770 ha để xây dựng KĐTMTT và 160 ha để xây khu tái định cư thuộc 5 phường như đã nói ở trên. Dư luận đặt câu hỏi: Vậy 160 ha đất đó sẽ đi về đâu? Thứ hai, người dân cho rằng KĐTMTT là dự án kinh doanh chứ không phải là dự án công ích nên về nguyên tắc người dân phải được đền bù theo giá thị trường. Tuy nhiên, hiện thành phố lại dựa vào Nghị định 22 (đã hết hiệu lực) để làm căn cứ đền bù cho người dân.


Mặt khác, hiện nay quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư cho người dân bị giải tỏa KĐTMTT còn thiếu rất nhiều, trong khi đó, toàn bộ dự án có 15.363 hộ đủ điều kiện tái định cư. Ông Nguyễn Văn Hiệp, PGĐ Sở Xây dựng TP HCM cho biết, trong tổng số 12.500 căn hộ cần xây dựng mới có khoảng gần một nửa số căn hộ được xây xong, số còn lại vẫn còn phải chờ. Do thiếu nhà để tái định cư nên thành phố phải chi tiền tạm cư cho người dân mỗi ngày lên tới hàng tỷ đồng.


Mỗi ngày trả lãi gần 4 tỷ đồng


Ngay từ năm 2007, Cty tư vấn Edaw (Hoa Kỳ) đã hoàn tất kế hoạch đầu tư và tài chính KĐTMTT. Theo đó, Edaw đề xuất đầu tư cho Thủ Thiêm sẽ được chia làm ba giai đoạn: sau khi hoàn thành 50% (khoảng 375 ha) hạ tầng khu đô thị của giai đoạn 1 (2007- 2010) gồm các tuyến đường chính và chuẩn bị mặt bằng. Giai đoạn 2 (2011-2015) tiếp tục giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư và xây dựng thêm một số trường học và khu dịch vụ công ích... Đồng thời, giai đoạn này sẽ xây dựng các tuyến đường kết nối vùng và các tuyến đường chính nội vùng như cầu bộ hành, cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4, đường vành đai qua khu dân cư... Giai đoạn 3 (2016- 2020) hình thành nốt các công trình còn lại. Mục tiêu hoành tráng như vậy nhưng giải phóng mặt bằng theo kiểu “xôi đỗ” đã khiến mọi kế hoạch đều dang dở.


Mới đây nhất, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án KĐTMTT, BQL KĐTMTT đã kiến nghị UBND Quận 2 thực hiện nhanh chóng công tác giải phóng mặt bằng. BQL khu đô thị này cho biết, thời điểm cuối năm 2010 chỉ tính riêng tiền lãi suất phải trả cho các tổ chức tín dụng mà thành phố vay để thực hiện dự án KĐTMTT trung bình lên tới gần 4 tỷ đồng mỗi ngày. BQL cũng cho biết, hiện có một số dự án tại đây đã triển khai kêu gọi đầu tư. Trong đó, UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương cho phép TCty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu phức hợp Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế và Trung tâm tài chính quốc tế 41,9 ha với quy mô đầu tư từ 5 tỷ USD trở lên... Thành phố cũng đã bàn giao cho Cty Phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư tài chính VN lập đề xuất dự án đầu tư 3 tuyến đường chính là đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm và đường ven sông Sài Gòn.


Ngoài những dự án nói trên, thời gian qua TP HCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Công viên Tri thức Việt- Nhật quy mô 10,3ha và dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm với diện tích 15,9 ha với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Nhưng mới đây BQL KĐTMTT đã có công văn đề nghị UBND TP HCM thu hồi dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm do chủ đầu tư triển khai quá chậm.


Sai ở đâu ?


Theo một số chuyên gia kinh tế tại TP HCM thì có hai lý do chính khiến dự án này chậm tới 15 năm. Một là, công tác quy hoạch Thủ Thiêm chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì Thủ Thiêm là một quần thể rất nhiều chức năng, trong đó có nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng. Chúng ta đã sai sót khi quyết định giải tỏa trắng. Với những quần thể tín ngưỡng có thể giữ nguyên trạng.


Hai là, mô hình đầu tư Thủ Thiêm chưa hợp lý. Dư luận thường đặt so sánh KĐT Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm bởi vì Phú Mỹ Hưng đặt trong tay một nhà đầu tư tư nhân không quá lớn nhưng chỉ sau vài năm đã hoàn thiện trở thành niềm tự hào của người dân thành phố. Lẽ ra, Thủ Thiêm phải được giao cho một DN vì DN chủ động hơn, dễ xử lý theo luật nếu có sai sót. Chính vì giao cho nhiều cơ quan cùng quản lý nên thiếu chủ động và thiếu sự phối hợp dẫn tới chậm trễ.


Hơn nữa, lâu nay người dân phải mệt mỏi đợi chờ tái định cư, nên có tình trang cố tình bám trụ nhằm tạo áp lực để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây chỗ ở mới cho họ. Điều đó chứng tỏ người dân không còn tin tưởng vào chính sách đền bù, di dời của thành phố. Giá như công tác tái định cư phải được đi trước một bước thì có lẽ dự án Thủ Thiêm đã không chậm chễ như hiện nay.
Nguyễn Thành (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.