Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp cho biết, sau ngày chất vấn đầu tiên có 48 đại biểu đặt câu hỏi. Sau đó, 43 chất vấn của đại biểu đã được trả lời, 17 đại biểu tham gia tranh luận ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các câu hỏi và nội trung tranh luận tập trung vào các lĩnh vực tư pháp, thông tin & truyền thông, tài nguyên & môi trường, giáo dục, nội vụ… trong đó, nhiều nội dung gắn với vấn đề dư luận quan tâm.
Trong ngày chất vấn đầu tiên, các Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và 12 bộ trưởng đã trả lời hầu hết câu hỏi đặt ra.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có 2 đại biểu Nguyễn Anh Trí và Lê Công Nhường đã gửi tới Thủ tướng 4 câu hỏi và Thủ tướng sẽ trả lời vào phiên chất vấn sáng mai (10/11).
Quy hoạch “treo” 3 năm người dân được xây, sửa nhà
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Quy Vượt (Gia Lai) về quy hoạch treo và cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở tại các dự án đô thị, khu chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết quy hoạch treo ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là việc làm, sinh kế và cải tạo nhà ở. Nguyên nhân chủ yếu chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn, không lập đầy đủ quy hoạch liên quan đặc biệt hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thiếu quy hoạch chi tiết 1/500, không xác định chi tiết nguồn lực đầu tư, chưa quản lý nghiêm túc, công khai quy hoạch lộ trình thực hiện, không kịp thời rà soát, năng lực chủ đầu tư yếu kém…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tăng cường chấn chỉnh hoạt động quy hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể có bộ ngành, địa phương. Bộ Xây dựng đã ban hành một số quy chuẩn kỹ về hạ tầng, nhà ở, hoàn thành cổng thông tin quy hoạch quốc gia.
Luật Quy hoạch đã có một số quy định đảm bảo đồng bộ một số quy hoạch, loại bỏ quy hoạch không phù hợp, giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch… Luật Xây dựng có quy định nếu kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã công bố 3 năm không thực hiện thì người dân được cấp xây dựng có thời hạn về cải tạo, xây dựng mới….
Các địa phương đã rà soát lại quy hoạch, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hồi dựa án treo như TPHCM thu hồi 176 dự án treo, Đà Nẵng 201 dự án treo, Quảng Nình rà soát hơn 1.000 quy hoạch chậm triển khai. Đây mới là kết quả bước đầu, phải tiếp tục thực hiện căn cơ. Các địa phương phải có lộ trình cụ thể ; lập kế hoạch đầu tư phải bố trí đủ nguồn lực; bổ sung tiêu chuẩn quy chuẩn liên quan đến quy hoạch, thực hiện đầy đủ lấy ý kiến người dân, chuyên gia trong quá trình lập quy hoạch, tăng cường giám sát thực hiện…
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Về việc chậm cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà , Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết theo quy định 50 ngày sau khi bàn giao nhà thì chủ đầu tư phải thực hiện cấp và chế tài xử phạt vi phạm lên đến 1 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục hoặc cố tình chậm trễ, chây ì.
Giải pháp được đưa ra là những dự án đã thực hiện xong thủ tục mà cố tình chây ì phải bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí chuyển cơ quan điều tra. Những dự án còn thiếu 1 số thủ tục pháp lý cần phải giải quyết song song thủ tục tục pháp lý đồng thời thực hiện ngay việc cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở. Các địa phương cần có báo cáo cụ thể để Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT phối hợp giải quyết. Điều chỉnh quy định pháp luật về nghiệm thu nhà ở, công trình xây dựng, đảm bảo quyền sở hữu cho người dân, quy định chuyển nhượng chặt chẽ hơn.
Cuối năm 2020 sẽ có Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng
Trả lời đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về vấn đề xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng và bảo vệ trẻ em trên mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 4 vừa qua, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Chính phủ đã đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ cân nhắc thêm thẩm quyền ban hành, trong tuần này Bộ sẽ đề xuất Chính phủ về thảm quyền.
“Chắc chắn, Bộ quy tắc sẽ được ban hành trong năm 2020 và vấn đề bảo vệ trẻ em sẽ được Bộ lồng ghép trong Bộ quy tắc, yêu cầu tôn trọng nhà cung cấp mạng và người sử dụng phải hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, lành mạnh. Ngoài ra, còn có đề án giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, với các vấn đề như thành lập đầu mối tiếp nhận các vấn đề cần xử lý liên quan tới trẻ em trên mạng, sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện và xử lý các vấn đề liên quan tới trẻ em, trang bị các kỹ năng cho trẻ em có hành động thích hợp...” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và khẳng định đề án đã được trình Chính phủ và sẽ được ban hành năm nay.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về chuyển đổi số miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong Đề án chuyển đổi số đã được Thủ tướng phê duyệt, thì chuyển đổi số cho vùng sâu,vùng xa được ưu tiên, vì càng nơi khó khăn thì chuyển đối số càng hiệu quả, chuyển đổi số bắt đầu từ nơi khó.
Về sóng, Bộ TTTT đang chỉ đạo cố gắng để vùng núi, vùng sâu xa có thể truy cập được mạng. Cùng với đó, thực hiện thanh toán điện tử. Bà con vùng sâu xa có một khó khăn là không có điện thoại thông minh, hiện đã có đề án phối hợp để bán điện thoại thông minh với giá khoảng 600-700 nghìn đồng cho bà con. Ưu tiên giáo dục trực tuyến để bà con có thể tiếp cận các bài giảng chất lượng cao. Ứng dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, thương mại điện tử. Bộ đã triển khai thí điểm xã thông minh với các nội dung trên và cuối năm nay sẽ tổng kết.
Người dân tộc thiểu số được ưu tiên đào tạo, tuyển dụng
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về chính sách với cán bộ, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ không ban hành nghị định riêng về nội dung này mà lồng ghép vào các nghị định về tuyển dụng, sử dụng, cán bộ, viên chức. Ví dụ, người dân tộc thiểu số được cử tuyển đi học đại học, xét tuyển vào biên chế. Chính phủ cũng quy định rõ tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức trong tổng số biên chế. Người dân tộc thiểu số khi tuyển dụng được miễn ngoại ngữ và tin học…., thi tuyển thì được cộng điểm ưu tiên, miễn thi ngoại ngữ thi khi nâng ngạch. Nữ cán bộ công chức viên chức người dân tộc thiểu số được kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 60 như nam. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 771 về bồi dưỡng kiến thức với cán bộ, công chức người thiểu số.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) về bồi dưỡng người hoạt động không chuyên trách, Bộ trưởng cho biết Nghị định 101 về đào tạo cán bộ, công chức chưa có đối tượng này, Bộ trưởng cảm ơn, ghi nhận ý kiến đại biểu và cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan xử lý vấn đề này.
Về ý kiến đại biểu về vấn đề làm gương của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng cho biết đã tiến hành kỷ luật các cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Với các vấn đề mà phê bình các địa phương đơn vị thì Bộ phải làm trước. Bộ phải làm ít nhất là bằng hoặc tốt hơn nơi khác về tinh giản biên chế, Bộ làm rất nghiêm túc. Bộ cũng đã ban hành Quy chế ứng xử của công chức; là một trong những cơ quan đầu tiên thực hiện đơn vị một cửa. “Các đại biểu nếu phát hiện cán bộ của ngành vi phạm đạo đức công vụ thì đề nghị cung cấp thông tin cho Bộ trưởng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, Bộ trưởng phát biểu.