Dù việc đồ án quy hoạch Hà Nội được thông qua đã cởi trói một phần, nhưng rất nhiều dự án bất động sản ở tỉnh Hà Tây cũ sẽ còn bế tắc.

“Chưa thể chắc chắn sẽ có thêm những dự án như Khu Đô thị Vân Canh tung hàng ra bán trong thời gian tới, nên không thể khẳng định giá nhà đất sẽ tiếp tục giảm”, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty địa ốc nhận xét.


Chỉ ít tuần trước khi bản quy hoạch chung về xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được công bố, một số dự án bất động sản đã rục rịch khởi động trở lại sau nhiều năm nằm án binh bất động để chờ quy hoạch mới.

Một trong những dự án được giới đầu tư địa ốc chờ đợi nhất là Khu Đô thị Vân Canh có diện tích hơn 60 ha tại huyện Hoài Đức đã chính thức bán hàng. Sản phẩm đưa ra hầu hết là nhà biệt thự và liên kế do các chủ đầu tư thứ cấp xây dựng. Công ty AZ Land cũng đã khởi công xây dựng tổ hợp căn hộ cao tầng đầu tiên của khu đô thị này sau một thời gian dài phải tạm dừng triển khai do không rõ trục giao thông Hồ Tây - Ba Vì có chạy qua Dự án hay không.


Thực vậy, hàng trăm dự án bất động sản ở Hà Nội đã chính thức được cởi trói sau khi quy hoạch chung về xây dựng Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt. Các dự án này, đặc biệt là những dự án đã được chính quyền tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt trước đây, buộc phải tạm dừng triển khai trong những năm vừa qua để xét xem có phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng hay không. Nguồn cung nhà đất cũng vì thế mà bị tắc. Khi bản đồ án được công bố cũng là lúc nhiều chủ đầu tư không còn mơ hồ về số phận dự án của mình nên quyết định tiếp tục triển khai xây dựng và kinh doanh.


Thị trường bất động sản ở một số khu vực đã chịu tác động tức thì từ nguồn cung mới này. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Cen Group, cho biết, ngay sau khi các biệt thự và nhà liền kề của Khu Đô thị Vân Canh được tung ra bán, giá nhà đất ở các khu vực lân cận giảm ngay lập tức. Nguyên nhân là biệt thự và nhà liền kề tại Khu Đô thị Vân Canh chỉ được giao dịch với giá 40-45 triệu đồng/m2, bao gồm tiền đất và nhà xây thô, tức nếu chỉ tính tiền đất thì giá chỉ trên 35 triệu đồng/m2.


Vì thế, đất tại các dự án gần đó như Kim Chung - Di Trạch đã chịu tác động và giảm 10-20 triệu đồng/m2 so với thời kỳ đỉnh điểm. Giá đất tại Thanh Hà-Cienco 5 cũng giảm 5-10 triệu đồng/m2 so với lúc đỉnh cao đầu năm nay.


Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty đang có dự án khu đô thị tại Quốc Oai (không muốn nêu tên), về mặt lý thuyết, khi đồ án quy hoạch Hà Nội được thông qua, các dự án sẽ được triển khai đồng loạt và nguồn cung sẽ tăng vọt. Khi đó, giá nhà đất ở Hà Nội sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, thực tế lại khác hẳn. Theo vị chủ tịch trên, chưa thể chắc chắn sẽ có thêm những dự án tương tự như Khu Đô thị Vân Canh tung hàng ra bán trong thời gian tới, nên không thể khẳng định giá nhà đất sẽ tiếp tục giảm.


Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long, cho rằng sau khi quy hoạch được thông qua, đa số các doanh nghiệp sẽ không vội tung hàng ra bán do thị trường đang trầm lắng. Tương lai của nhiều dự án cũng rất mờ mịt, đặc biệt là những dự án thuộc Vành đai xanh.


Theo đồ án quy hoạch, Vành đai xanh dọc sông Nhuệ và các nêm xanh kết nối sông Nhuệ với sông Đáy sẽ tạo vùng đệm tách biệt khu vực nội đô với chuỗi khu đô thị mới dọc phía Đông đường Vành đai 4. Trong Vành đai xanh, việc phát triển các làng xóm hiện hữu sẽ được kiểm soát, đồng thời sẽ xây dựng công trình công cộng quy mô nhỏ gắn với sinh thái cây xanh và mặt nước. Quy hoạch như vậy, nhưng hiện nay đã có khoảng 160 dự án bất động sản được triển khai hoặc làm thủ tục đầu tư xây dựng ở khu vực này.


Ông Trần Oanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Cường Hà Nội, cho biết dự án đường trục kinh tế Bắc Nam do Công ty làm chủ đầu tư vẫn còn trong quy hoạch Hà Nội, và đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Tập đoàn tiếp tục triển khai dự án sau nhiều năm phải tạm dừng. Tuy nhiên, tương lai của 4 khu đô thị là Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Phúc và Thạch Thất rộng hàng ngàn hecta Tập đoàn được phép khai thác để hoàn vốn đầu tư tuyến đường thì vẫn chưa rõ ràng. Theo ông Oanh, vì nằm trong Vành đai xanh, các dự án này sẽ buộc phải chuyển thành các khu đô thị sinh thái, tức giảm chỉ tiêu và quy mô xây dựng.


Mới đây, Nam Cường đã đề nghị Thành phố Hà Nội cho tiếp tục đầu tư 3 trong 4 khu đô thị sinh thái nói trên, đồng thời giao thêm quỹ đất cho Tập đoàn làm dự án hoàn vốn. Quá trình điều chỉnh những dự án này sẽ mất thêm nhiều thời gian, nên chủ đầu tư chưa thể có sản phẩm để bán trong ít nhất một năm nữa. Đây cũng là tình trạng của rất nhiều dự án khác thuộc Vành đai xanh.
Theo Ngọc Sơn (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.