Bắt đầu từ đâu?
- Được biết, ông đã khởi nghiệp từ một người lính cảm tử trong chiến tranh với hai bàn tay trắng, từng ngủ vỉa hè, ngủ công viên, không phải con ông cháu cha, để trở thành một doanh nhân như ngày nay. Ông đã bắt đầu từ đâu?
Ông Đào Hồng Tuyển: Tôi rất tâm đắc với câu nói:"Bắt đầu từ đâu"? Trong cuộc đời con người, nếu bắt đầu đúng thì đến đích rất nhanh, nếu bắt đầu sai thì cả đời chẳng bao giờ đến đích cả. Hoặc là phải biết tiên đoán. Đã chạm đáy rồi thì không có cách nào không ngóc lên.
Vấn đề là ai phát hiện ra đâu là đáy, thời điểm nào là đáy, đáy đích thực hay chỉ là đáy tạm thời. Như thế phải có đầu óc quan sát, phân tích, tiên đoán. Người làm kinh doanh phải hiểu thời thế. Tôi có một thói quen là luôn luôn thu thập, phân tích tổng hợp tất cả tin tức.
Thói quen đó có được từ khi tôi đọc cuốn ''Người tình báo vĩ đại", viết về Richard George, nhà tình báo nổi tiếng người Nga. Ông không hề nằm trong bộ máy tham mưu của phát xít Đức, ngoài bộ máy của chính quyền Hitle, nhưng ông ta biết nghe, phân tích, tổng hợp tin tức rồi đưa ra những quyết định báo cáo về bộ chỉ huy quân đội Xô Viết: Đức tấn công thế nào, đâu là mặt trận giả, đâu là mặt trận thật.
Người làm kinh tế cũng thế. Thậm chí, nhiều người đưa tin tức nhưng họ chỉ hiểu một phần rất nhỏ bản chất thực của tin tức ấy, nhưng người tổng hợp tin tức thì sẽ tiên đoán được tình hình kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế như thế nào, diễn biến ra sao.
Tôi đọc và tổng hợp tin tức, sự phán đoán có chất lượng làm cho tôi tránh được nhiều thứ, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tôi tiên đoán và tránh được tất cả những giông bão ấy. Đừng bao giờ thấy bầu trời xanh mà tưởng rằng không có giông tố. Sự trong vắt của bầu trời một cách không bình thường chính là biểu hiện chân trời đang có vấn đề.
Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính khu vực, tôi đã tự tạo cho mình thời cơ, cơ hội vàng để làm giàu. Khi những nhà đầu tư nước ngoài bỏ chạy, nhà đầu tư trong nước gom vốn chờ thời, tôi đã tung ra những đồng vốn cuối cùng để lấy dự án ế ẩm và và chiếm lĩnh thị trường. Tôi khẳng định nó đã đến đáy, chắc chắn nó sẽ ngóc lên thôi. Lúc ấy mọi thứ đều dễ dàng, quy đổi ra giá trị rất rẻ, mình phải vượt lên sự run sợ của mọi người để tạo nên một thời cơ làm ăn mới, cơ hội kinh doanh mới. Năm 1997, tôi đã lên máy bay trực thăng bay trên bầu trời Sài Gòn tìm địa điểm đầu tư, đồng thời bay ra miền Bắc, chọn hòn đảo Tuần Châu để làm dự án đầu tư.
|
Khu du lịch đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) - ảnh worldvietgroup. |
Trước khi nhập về Hà Nội, tỉnh Hà Tây cũ có chỉ số cạnh tranh thấp nhất toàn quốc. Tôi là người tiên phong về Hà Tây để tạo nên dự án sinh thái Tuần Châu. Những toan tính chính là nắm được cơ hội và tạo cho mình cơ hội. Tôi dám làm, dám đánh đổi. Ở TP.HCM tôi có căn nhà hơn ngàn lượng vàng, có xí nghiệp 700.000 lượng vàng mà tôi vẫn bán, dẫu bán lỗ, bán chỉ bằng nửa giá trị thực, nhưng bán để đầu tư dự án khác có triển vọng hơn.
Trở lại câu mà nhà báo hỏi ở trên. Trong một lần nói chuyện ở một trường đại học ở Sài Gòn, có sinh viên đã hỏi tôi: Ca dao có câu: "Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa". Em là con nhà nông dân nghèo, chả lẽ cả đời chúng em sẽ chỉ đi làm thuê, làm mướn, không có cơ hội đứng lên làm chủ phải không thầy?
Tôi nói với các bạn sinh viên rằng: Trong cuộc đời con người có 2 loại vốn: vốn vô hình và vốn hữu hình. Hữu hình là tiền bạc, nhà cửa, đất đai, xe cộ... Vốn vô hình là trí tuệ. Vốn vô hình làm ra vô số cái hữu hình. Vốn hữu hình không thể sản sinh ra vốn vô hình, không thể mua được, tiền bạc không thể mua được trí tuệ.
Tôi đã đưa ra hàng loạt ví dụ về các đề án. Không ít nhà máy xí nghiệp sản xuất ra hàng hoá vẫn để đầy kho, không tiêu thụ được. Nếu em viết nên một đề án tốt, khả thi thì tất cả những ông chủ sẽ sẵn sàng giao toàn bộ tài sản cho em, để tiêu thụ hàng hoá.
Rõ ràng là, tri thức của em sẽ thu về được một lượng tài sản hữu hình. Tôi đi từ TP.HCM xuống Vũng Tàu, đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng, hai bên đường các thiết bị cơ giới, ôtô, xe tải, máy đào... chất đầy, dầm mưa giãi nắng. Đó là những tài sản chết, những nguồn lực không sinh lợi. Nếu chúng ta có một đề án tốt, có tính thuyết phục cao thì những ông chủ sẽ sẵn sàng dâng hết những nguồn lực đó để bạn thực hiện dự án để cùng hưởng lợi.
Liều có chủ định hay sự quyết đoán
- Ông vừa nói một ý rất hay là phải vượt lên sự run sợ của mọi người để tạo nên một thời cơ làm ăn mới. Phải chăng liều lĩnh cũng là một phẩm chất để thành công?
Chính xác hơn là liều có chủ định, hay sự quyết đoán. Làm chủ KHKT phải có bản lĩnh. Cái bản lĩnh ấy không phải căn cứ vào sự liều mạng mà trên nền tảng của tri thức nhân loại để tổng hợp lại. Người ta thường nói: Thương trường là chiến trường. Điều đó đúng, nhưng tôi nói thêm: Thương trường là chiến trường không tiếng súng.
Chiến trường là thương trường có tiếng súng. Ở đó, tri thức vẫn là thứ quyết định, cộng với đó là sự quyết đoán của người cầm đầu. Quyết đoán rất quan trọng, không chỉ trong việc làm kinh tế mà ngay cả trong chiến tranh.
Cuối năm 1978, đầu năm 1979, tôi chỉ huy một con tầu chạy từ vịnh Thái Lan đổ bộ vào địa phận tỉnh Kokông - Campuchia, mặt trận cuối cùng giáp với biên giới Thái. Trên tầu có súng đạn, bốn xe tăng và khoảng 600 bộ đội. Đó là mặt trận cuối cùng.
Khi đứng trên cabin, bắc ống nhòm, tôi nhìn thấy trong các bụi rậm, hốc đá trên bờ lố nhố những DKZ và B.40. Tàu mình đến đâu bị rê súng ngắm đến đó. Phía đối thủ hý hửng đón lõng, nhăm nhăm hướng nòng súng ra biển, chờ tàu ta vào gần, đúng tầm là phát hoả.
Trong khi mình nhìn xuống dưới mấy trăm anh em lính thuỷ đánh bộ đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi phơi phới. Em mới tốt nghiệp phổ thông, em dở dang đại học. Anh em vui đùa hồn nhiên, không biết rằng tử thần đang chờ đợi. Nhìn những đồng đội trẻ đùa giỡn với nhau tôi cảm thấy đau lòng. Đứng giữa hai ngả đường. Hoặc là tiến hoặc là lùi. Một là còn, hai là mất.
|
Không tiến, nghĩa là chống lệnh. Nếu xông vào, B40 của phía bên kia sẽ phát hoả, cả tàu sẽ trở thành một khối thuốc nổ khổng lồ. Chết chóc có thể diễn ra trong khoảnh khắc.
Phải xử lý như thế nào đây? Lúc đó chỉ là khoảnh khắc buộc người chỉ huy phải quyết định: chấp hành hay không chấp hành mệnh lệnh cấp trên?. Chấp hành lệnh mà không hoàn thành nhiệm vụ, lại tổn thất cả người lẫn của thì cực kỳ đau thương.
Trong một khoảnh khắc đấu tranh tư tưởng, tôi quyết định: Cho một máy chạy chế độ "tiến", hai máy chạy "lùi". Con tàu rung lên, chân vịt quay tít, sục nước cuồn cuộn và khói mù mịt. Nhưng tàu thì chỉ đứng tại chỗ. Mấy phút sau, máy bay của không quân ta đến ném bom, dọn bãi đổ bộ. Tàu vào bờ đổ quân, góp vào chiến thắng mà vẫn bảo toàn tính mạng cho bộ đội.
Hành động quyết đoán đó mà nhiều người gọi là liều, nhưng sự "liều" có chủ định. Sự "liều" ấy đã cứu sống hang trăm sinh mạng. Trận đó, chúng ta hoàn thành mục tiêu mà gần như không bị thương vong gì.
Trong kinh tế, tôi dám bảo lãnh cho những nhà trí thức của Sài Gòn trước 1975. Tôi sử dụng tất cả nhà xưởng mà chúng ta quốc hữu hoá của tư sản rồi bỏ hoang. Thời điểm năm 1975, 1976 nhà xưởng nhiều vô cùng. Do quản lý kém, máy móc trở thành đống sắt vụn. Tôi mua lại những đống sắt vụn ấy, sử dụng những cán bộ kỹ thuật của chế độ cũ, tái chế các máy móc, biến nó thành những công nghệ sản xuất.
Thương hiệu Rừng Hương, Thiên Hương gồm: cam, dâu, chanh, xá xị, bạc hà, rượu nhẹ có ga ở miền Nam, miền Bắc có nước ngọt Hải Phòng, rượu Hà Nội... đều là công nghệ của tôi hết. Lúc bấy giờ tôi chiếm 80% thị phần nước giải khát thị trường phía Nam.
Chỉ khi Coca và Pepsi đổ bộ vào, lúc ấy tất các nhà máy của tôi tạm dừng. Tôi chuyển sang sản xuất phân bón, nước khoáng Đảnh Thạnh... Tôi dùng phương pháp cơ học để tách lưu huỳnh ra. Tất cả mọi thứ ở đời đều phải nhờ khoa học kỹ thuật cả, kể cả tiêu tiền cũng phải có khoa học. Làm ra tiền đã quá khó, nhưng biết tiêu tiền còn khó hơn nhiều.
Khoa học tiêu tiền cho tri thức
- Phải chăng, khoa học tiêu tiền như ông nói chính là dùng tiền để sử dụng tri thức?
Đúng thế! Trong kinh doanh, có đầu óc tính toán tốt sẽ đem lại giá trị cao.
Tôi sẽ đưa ra một trong hàng nghìn ví dụ để chúng ta thấy nó tạo ra nguồn lực như thế nào. Tuần Châu, hòn đảo đất ấy, đã có hàng triệu năm nay rồi, tại sao lại đến tay tôi mới trở thành Tuần Châu như ngày hôm nay? Người Pháp cũng từng đến nhưng cũng chỉ vì con đường không dám làm, không có chuyên môn kỹ thuật để làm.
Nếu không nắm được khoa học kỹ thuật, làm sao có những bãi tắm nhân tạo dài 5 km? Tại sao lại tạo nên một khu vui chơi có đẳng cấp quốc tế ở đó? Tại sao lại có một cái bến du thuyền khổng lồ ở vùng bãi sình lầy. Bây giờ tôi làm một cái bến du thuyền lớn gấp 10 lần cái bến cũ để trong tương lai những người Hà Nội, Hải Phòng hoặc những người thích chơi du thuyền coi đấy chính là bến đậu gần Hà Nội nhất, có đẳng cấp cao, những người đẳng cấp là phải có du thuyền.
Ai là người thẩm định quy hoạch tổng thể của Tuần Châu? Ai là người duyệt các quy hoạch chi tiết của từng hạng mục công trình? Không có tri thức chắc không thể làm được điều đó.
Ở Việt Nam, ai là người đầu tiên dám mua những chiếc tàu hai ba tầng, rất đẹp, thiết kế và sản xuất tại Pháp, giá phòng ở không dưới 600 USD/ngày đưa khách đi Vịnh thưởng ngoạn không gian?
Thời kỳ sau giải phóng, tất cả những trí tuệ của các nhà khoa học mà chúng ta không tin dùng do Mỹ và các nước phương Tây đào tạo thì tôi lại sử dụng được?. Những thứ đó là kinh tế trí thức.
Thời kỳ trước đổi mới, chúng ta bế quan toả cảng như vậy, không nhập, không xuất, tôi đã biết sử dụng sắt thép phế liệu sau chiến tranh. Các nhà khoa học do Mỹ và phương Tây đào tạo chúng ta không tin dùng họ, tôi đã tập trung họ lại, để họ chế tạo, thiết kế, chế tạo ra những thiết bị sản xuất.
Rồi những nhà xưởng hồi chúng ta cải tạo tư sản, quốc hữu hoá trở thành hoang phế vô chủ, đó là những nguồn lực bị bỏ quên. Chúng ta phải tận dụng tất cả những năng lực của xã hội để tạo thành một nguồn lực cho chính mình. Con đường đi lên là như vậy.
Sẽ viết sách về kinh doanh
- Những kinh nghiệm như ông nói quả là sinh động. Ông có ý định chia sẻ những kinh nghiệm đó cho thế hệ trẻ?
Đó là mong muốn của tôi. Nhiều người thành đạt hiện đang làm từ thiện bằng cách xây nhà tình nghĩa, cứu trợ đồng bào bị bão lụt. Với tôi, ngoài những cách đó vẫn còn cách khác là chia sẻ tri thức. Viết sách cũng là một trong những cách làm đó. Tôi có một cái tài là sử dụng đồng tiền, ví dụ tôi có 10 triệu đôla.
Cái hữu ích của 10 triệu đôla mà tôi làm ra bằng người khác sử dụng 100 triệu đôla. Đó là cái nghệ thuật tiêu tiền. Chúng ta làm giàu phải biết sử dụng đồng tiền, biết sử dụng một cách hữu ích nhất, đạt hiệu quả cao nhất. Nếu cứ học mãi thì đến bao giờ cho hết.
Chúng ta phải tổng hợp tri thức nhân loại để mang lại cho mình hiệu quả cao nhất trong cuộc sống, trong mọi hành vi của mình. Như thế chúng ta mới có một con đường ngăn đôi biển dưới có 2 cây cầu, mới có 5 km bãi tắm nhân tạo. Một hòn đảo đất đã có hàng triệu năm tại sao không ai phát hiện ra. Âu phải chăng cũng là mệnh số, âu phải chăng cũng là trí tuệ.
Tôi tin rằng câu chuyện này chính là phần chính của cuốn sách sẽ bán chạy nhất Việt Nam - cuốn sách mà tất cả các chàng trai muốn thành đạt đều không thể bỏ qua đều mua. Bắt đầu từ đâu một người lính ngủ vỉa hè, ngủ công viên, không phải con ông cháu cha, với hai bàn tay trắng mà trở thành một doanh nhân ngày hôm nay.
Với người khác, đất nước đóng cửa, bế quan toả cảng, bị cấm vận là một khó khăn khó vượt qua. Với tôi, đó là một cơ hội. Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn mà tôi làm chủ cả hàng trăm xí nghiệp, nhà máy. Vấn đề căn bản là làm thế nào để hiện ra điều đó. Làm thế nào để khai thác được những nguồn lực đó, đưa những nguồn lực đó quay vòng để sinh lợi, làm thế nào để quản lý được hàng ngàn công nhân?
Đó chính là tri thức tổng hợp và phẩm chất thủ lĩnh. Ai có những tố chất đó sẽ là người thành công.
Tag: tin tuc, bat dong san, dao hong tuyen, 2 ty usd, tuan chau