Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương 2024 vừa được Quốc hội thông qua chiều 10/11 với gần 90% đại biểu tán thành.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, ngày 10/11. Ảnh: Hoàng Phong
Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ rà soát, tính toán chính xác số tiền bù giá bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (gồm số còn nợ 2018-2023 là 8.247 tỷ đồng và số phát sinh năm 2024 khoảng 9.653 tỷ đồng). Số liệu này phải được Kiểm toán Nhà nước xác định trước khi trình Quốc hội. Trường hợp cấp bách, Chính phủ trình trong thời gian giữa hai kỳ họp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Theo thỏa thuận cam kết bảo lãnh Chính phủ (GGU) năm 2013, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương giá nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-5-7% (tức cộng thêm 3% với các sản phẩm hóa dầu, 5% với LNG và 7% với các sản phẩm xăng dầu). Trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.
Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị nêu rõ khoản phân bổ thanh toán tiền bù giá này của dự án Lọc dầu Nghi Sơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết năm 2023, Quốc hội chưa quyết định phân bổ dự án khoản 8.247 tỷ đồng để thanh toán tiền bù giá cho Nghi Sơn, và đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại. Nhưng đến nay Chính phủ chưa trình lại, nên khoản này vẫn chưa phân bổ. Ủy ban Thường vụ "giục" Chính phủ sớm trình lại Quốc hội, để xem xét, quyết định việc bố trí nguồn thanh toán.
Riêng với khoản tiền bù giá năm 2024, khoảng 9.653 tỷ đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc phải bù giá này là vấn đề phát sinh nhiều năm, cần xử lý để không vi phạm cam kết của Việt Nam. Cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị dành nguồn tiền này trong dự toán ngân sách trung ương năm 2024 để thanh toán. Tuy nhiên, Chính phủ cần rà soát, xác định chính xác số liệu và Kiểm toán Nhà nước cần kiểm toán con số này.
Cũng theo Nghị quyết, mức phân chia thuế bảo vệ môi trường 2024-2025 theo Luật Ngân sách là trên cơ sở sản lượng xăng dầu sản xuất, bán ra trong nước với tổng sản lượng tiêu thụ trên thị trường. Cụ thể, 60% phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương; 40% còn lại điều tiết về ngân sách trung ương.
Nguồn thu từ xổ số kiến thiết được chi cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên chi cho giáo dục đào tạo, nghề nghiệp (gồm mua sắm thiết bị dạy học cho chương trình đổi mới sách giáo khoa) và y tế. Phần còn lại chi cho các nhiệm vụ cấp bách của ngân sách địa phương.
Khoản thu từ phí đường bộ thu qua đầu phương tiện ôtô năm 2024-2025 sẽ dành 65% cho ngân sách trung ương, 35% còn lại bố trí dự toán bổ sung cho ngân sách địa phương để quản lý, bảo trì đường bộ.
Với các khoản ngân sách trung ương năm 2022 thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, Bộ Công an được hưởng 85%. Còn lại, Quốc hội phân bổ về địa phương chi cho các lực lượng khác tại địa bàn tham gia đảm bảo an toàn giao thông.
Nghị quyết cũng phân bổ thu ngân sách trung ương là 852.682 tỷ đồng; địa phương 848.305 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương tới hết 2023 còn dư, chuyển sang dự toán 2024 là 19.040 tỷ đồng. Việc này để thực hiện tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng một tháng từ 1/7/2024.
Tổng chi ngân sách trung ương là gần 1,22 triệu tỷ đồng, trong đó gần 35% dự toán để bổ sung cân đối ngân sách (gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán 2023) và ngân sách địa phương.
Với số thu chi ngân sách trung ương được duyệt, Quốc hội giao Chính phủ thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản, dành đủ vốn đối ứng dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài, ngân sách tại các dự án PPP. Chính phủ cũng cần dành đủ vốn cho các dự án đã bàn giao, sử dụng trước 2024; thu hồi vốn ứng trước còn lại phải thu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
"Kỷ cương, kỷ luật tài chính cần được siết chặt, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm", Nghị quyết nêu.
-
Quốc hội chốt thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024
Với 94,33% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 vào sáng 10/11.