Cụ thể, ông Thiên yêu cầu Ban Quản lý Dự án 85 và Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương quay phim toàn bộ hiện trạng đất đai, nhà cửa tại các địa bàn dự kiến làm đường bộ cao tốc để thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới.
Đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố (Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh) có dự án đi qua giám sát thực tế, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, không cho phép người dân xây dựng các công trình trên tuyến.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, việc bàn giao mặt bằng cần có sự thỏa thuận của các ban quản lý dự án với địa phương.
Đối với đoạn tuyến Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án, dự kiến sẽ thu hồi khoảng 188 ha đất với 205 hộ bị ảnh hưởng. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng đoạn tuyến này hơn 418 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn tuyến Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài 29 km, đi qua 2 huyện Diên Khánh và Cam Lâm được xây dựng theo quy mô 6 làn xe (giai đoạn hoàn chỉnh), trong đó phân kỳ giai đoạn I là 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc thiết kế 120 km/h. Trên tuyến có bố trí 2 nút giao khác mức liên thông gồm nút giao Diên Khánh (Km5+783) và nút giao Suối Dầu (kết nối với Quốc lộ 1, Tỉnh lộ 3).
Tổng mức đầu tư Dự án là 4.059 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 3.219 tỷ đồng, vốn đầu tư BOT là 774,5 tỷ đồng. Với chi phí xây dựng khoảng 2.203 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân Dự án là khoảng 76 tỷ đồng/km.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài khoảng 104km, điểm đầu tại Km29, trùng với điểm cuối của đoạn Nha Trang - Cam Lâm (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa); điểm cuối tại Km134, trùng với điểm đầu đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
Đoạn tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo phần đi qua Khánh hòa dự kiến thu hồi khoảng 235,5 ha đất, chi phí giải phóng mặt bằng gần 400 tỷ đồng.
Từ đầu tuyến Km29 (lý trình dự án Nha Trang - Phan Thiết) tiếp nối với dự án Nha Trang - Cam Lâm (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hóa) tuyến đi về phía Tây cách đường sắt Bắc - Nam khoảng 450 - 500m, đến Km30+263 bố trí nút giao Cam Ranh và tuyến nối với QL1 tại Km1490+200 (QL1), tiếp theo tuyến đi sát chân núi, tại Km32 đổi hướng rồi đi thẳng đến phía Tây khu dân cư Tân An, xã Cam An Bắc, đi sát chân núi Ta Lua, Hòn Ngang, cắt ĐT9 tại Km42+033 (Km8+750/ĐT9), đến Km43+600 hết địa phận huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa).
Từ Km43+600, tuyến đi vào địa phận TP.Cam Ranh, qua khu vực ruộng lúa đến sát chân núi Hòn Ông, vượt eo núi khu vực Dốc Sạn (3 mỏ đá Cam Phước, Hố Hành, Dốc Sạn đang khai thác); cắt qua QL27B tại Km53+200 (Km50 + 300/QL27B - bố trí nút giao liên thông); đi sát chân núi Hòn Dung, phía sau trường dân tộc nội trú Cam Ranh; vượt đường Xóm Mới - Cam Thịnh Tây, Sông Cạn, núi Giác Lan bằng cầu cạn. Sau đó, tuyến đi phía hạ lưu hồ Ma Trai, đến Km59 hết địa phận TP.Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).