27/05/2017 9:14 PM
Đến năm 2020, Quảng Ninh sẽ có khoảng 48.845 công nhân lao động trong các khu công nghiệp cần được đáp ứng nhu cầu nhà ở. Song đến nay, mới chỉ có duy nhất dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Hải Yên được hoàn thành.
Khu nhà ở cho công nhân duy nhất đã đưa vào sử dụng tại Quảng Ninh của Công ty TNHH Texhong Ngân Long tại Khu công nghiệp Hải Yên. Ảnh: Thu Trang
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 11 khu công nghiệp tập trung đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó có 4 khu công nghiệp/5 khu công nghiệp đang hoạt động đã và đang được bố trí quỹ đất đầu tư và xây dựng nhà ở công nhân.
Tuy nhiên, mới chỉ duy nhất Khu công nghiệp Hải Yên có dự án nhà ở do Công ty TNHH Texhong Ngân Long, chủ đầu tư Nhà máy sợi tại khu công nghiệp này được xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Dự án gồm 4 khối nhà ở 5 tầng (khoảng 696 căn hộ), đáp ứng chỗ ở cho khoảng 5.000 công nhân.
Còn lại 3 khu công nghiệp là Hải Hà, Đông Mai, Cái Lân, trong đó Khu công nghiệp Cái Lân (Hạ Long) đã cơ bản được lấp đầy, nhưng lại chưa có dự án nhà ở nào cho khoảng 1.400 công nhân. Một lý do được Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đưa ra, là khu công nghiệp này được hình thành sớm, các doanh nghiệp nhỏ lẻ, nên chưa có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.
Hiện Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã lập dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho Khu công nghiệp Cái Lân và đang xin chấp thuận đầu tư. Dự án có quy mô 4 nhà chung cư 5 tầng, khoảng 217 căn hộ, tương ứng với 18.000 m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho trên 1.000 người.
Tại Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên), tỉnh Quảng Ninh đã chấp thuận địa điểm xây dựng nhà ở công nhân và chuyên gia của khu công nghiệp này với quy mô sử dụng đất khoảng 6,74 ha, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 7.500 công nhân. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư là Công ty Hạ tầng Viglacera vẫn chưa triển khai thực hiện.
Còn tại Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà), theo quy hoạch, Quảng Ninh cũng đã bố trí quỹ đất, quy hoạch đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân và khu đô thị phụ trợ với quy mô khoảng 186 ha, nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 30.000 lao động vào năm 2020.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, mức thu nhập trung bình của công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện này là khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Do đó, việc thiếu dự án nhà ở cho công nhân khiến nhiều công nhân trong khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Với mức thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, tích lũy cũng đã là khó chứ đừng nói đến việc lo được một chỗ ở ổn định”, chị Phạm Thị Vân, công nhân tại Khu công nghiệp Cái Lân, hiện đang một mình nuôi con nhỏ chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu này, ngày 28/4 vừa qua, Quảng Ninh đã ban quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, với mục tiêu đến năm 2020, Quảng Ninh c đáp ứng khoảng 70% nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, tương đương với 48.845 người. Cùng với đó là 33.368 m2 sàn trường mầm non, đáp ứng cho khoảng 4.170 cháu là con của công nhân trong các khu công nghiệp có nhu cầu gửi.
Hiện tại, tỉnh đang tiến hành thẩm định, phê duyệt để có thể sớm khởi công 5 dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trong năm 2017 và 2018 để phục vụ các khu công nghiệp như Hải Yên, Hải Hà, Đông Mai, Cái Lân.
Trong các nỗ lực huy động nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án; ưu đãi thuế giá trị gia tăng và thuế suất thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng, nguồn ngân sách địa phương, nguồn trái phiếu chính quyền địa phương.
Đặc biệt, nhà đầu tư còn được hỗ trợ từ nguồn ngân sách toàn bộ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào (giao thông, cấp điện, cấp nước), được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng trong phạm vi dự án…
Riêng về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp, Quảng Ninh đã có chủ trương với những khu công nghiệp mới bắt buộc phải có quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, còn với các khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có quỹ đất, thì phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để có đất xây dựng nhà ở cho công nhân và xây dựng công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người lao động tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, để đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra là điều không dễ, nhất là bài toán cần giải quyết là nhu cầu vốn ngoài ngân sách cần huy động khoảng 1.678,7 tỷ đồng.
Thu Lê (Báo đầu tư BĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.