04/12/2015 4:45 PM
“Thu nhập bình quân đầu người các hộ tái định cư (TĐC) thuộc Dự án (DA) thủy điện Nà Hang là 4,8 triệu đồng/người/năm. Riêng DA thủy điện Đắkđrinh và thuỷ điện Nà Hang có 192/285, chiếm 67,4% hộ TĐC là hộ nghèo…”. Đó là con số thống kê mới nhất, nói lên thực trạng đời sống khó khăn của các hộ dân đã nhường đất cho các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Nhiều khu TĐC dự án thuỷ điện thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: NP
Tỉnh Quảng Ngãi có 3 DA thủy lợi, thủy điện phải di dân, TĐC là: Thủy điện Nà Hang, thủy điện Đăkđrinh, Hợp phần di dân, TĐC Hồ chứa nước Nước Trong. Tổng số vốn bồi thường, hỗ trợ và TĐC là hơn 1 ngàn tỷ đồng; có 750 hộ với 3.031 nhân khẩu TĐC, 4.703 hộ bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất… Nhiều nhất là DA Hồ chứa nước Nước Trong nằm trên địa bàn 2 huyện Sơn Hà và Tây Trà có 2.015 hộ bị ảnh hưởng và 465 hộ phải di dời, TĐC. Tổng diện tích đất phải thu hồi cho các DA là 2.177ha. Tổng diện tích đất phải giao cho 1.796 hộ dân là 971ha, trong đó đất nông nghiệp 843,6ha; nhưng mới giao được 192ha cho 723 hộ dân.
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh, kết quả đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng tại khu điểm TĐC thuộc các DA thủy lợi, thủy điện theo kế hoạch được duyệt là 59 DA. Tổng mức đầu tư 527,8 tỷ đồng. Tại thời điểm này đã hoàn thành 52 DA, với tổng mức đầu tư 486,7 tỷ đồng.
Cả 3 DA nêu trên đều không hoặc chưa triển khai thực hiện DA ổn định đời sống, sản xuất cho người dân sau TĐC theo quy định tại Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ; không có chương trình đào tạo việc làm cho người dân TĐC, mà mới chỉ cấp đất cho người dân TĐC sản xuất. Vì vậy, đời sống người dân thuộc diện TĐC ở các DA này đã khó khăn nay càng khốn khó hơn.
Kết quả kiểm tra mới đây của ngành chức năng của tỉnh đã chỉ ra hàng loạt bất cập, tồn tại, hạn chế như: Hầu hết các vùng di dân của các DA đều có địa hình miền núi phức tạp, nhưng đường giao thông chưa được kiên cố hóa nên thường xói lở vào mùa mưa lũ. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng xây dựng theo quy mô của từng DA, nhưng không phù hợp với tiêu chuẩn chương trình nông thôn mới, gây khó khăn cho chính quyền địa phương và sinh hoạt người dân. Các công trình này lại thường hư hỏng, phải sửa chữa nhiều lần do chất lượng xây dựng kém…; việc duy tu, bảo dưỡng không đảm bảo. Công tác khuyến nông ít được chú trọng nên hiệu quả sản xuất không cao; việc đào tạo chuyển đổi ngành nghề không được quan tâm đầy đủ. Cũng giống như tình trạng chung của hầu hết các DA thủy điện, thủy lợi trên cả nước, đời sống nhân dân khó khăn xuất phát từ việc thiếu đất canh tác nghiêm trọng. Các văn bản liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho các DA còn bất cập, chưa phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương… Việc TĐC chưa phù hợp, thuận lợi cho sản xuất của người dân, không phù hợp với tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số...
Nguyên nhân là do, trong quá trình khảo sát chưa kỹ, chưa lường được các yếu tố về không gian sinh tồn và việc làm khi người dân bị thu hồi đất và không gian sinh tồn bị thu hẹp. Kỳ vọng quá nhiều vào hiệu quả các DA đầu tư mang lại, nhưng chưa ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của nhà đầu tư đối với việc bồi thường giải phóng mặt bằng và TĐC cho nhân dân vùng DA. Chưa hướng dẫn cụ thể và tư vấn được cho người dân sử dụng nguồn vốn từ hỗ trợ, bồi thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao.
Trước tình hình trên, cần thực hiện đồng loạt giải pháp khi triển khai các DA thủy lợi, thủy điện mới, như: Các cấp thẩm quyền phải có quy hoạch thiết kế khu TĐC, tái định canh và tham khảo ý kiến người dân để phù hợp với phong tục, tập quán trước khi triển khai các hạng mục thủy lợi, thủy điện; tránh tình trạng người dân đến nơi ở mới mà không có đất sản xuất, đời sống không ổn định, nhà cửa không phù hợp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông ở các vùng DA. Có cơ chế chính sách riêng về bồi thường, hỗ trợ, TĐC đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa phù hợp với thực tế từng địa phương.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn vốn còn lại cho DA Hồ chứa nước Nước Trong trong năm 2015, từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương hoặc bổ sung kế hoạch nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2015 - 2016 để có kinh phí thực hiện hoàn chỉnh DA. Nếu không, DA này sẽ “dậm chân tại chỗ”, mặc dù đã được triển khai hơn 5 năm qua… Thống nhất chủ trương và hỗ trợ kinh phí để tỉnh lập dự án đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho người dân TĐC tại các dự án trên địa bàn tỉnh.
Đối với DA thuỷ điện Nà Hang và Đăkđrinh, cần có cơ chế phân bổ kinh phí thu được từ các nhà máy thủ điện để đầu tư hỗ trợ cho địa phương và người dân trong vùng DA thuỷ điện…
Ngọc Phó (Thanh tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.