22/11/2011 12:56 AM
Hơn 10 năm thu hút đầu tư, Quảng Ngãi được xem như điểm sáng hút các dự án trong và ngoài nước tại khu vực miền Trung. Ngoài khu kinh tế Dung Quất với số vốn hơn 10 tỷ USD, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng góp vào hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hào phóng cấp phép, bên cạnh các dự án đang “treo”, Quảng Ngãi có những dự án đã cấp phép nhưng nằm ngoài quy hoạch.

Lộn xộn trong cấp phép


Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 45ha tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn do CTCP Tập đoàn Tân Mai làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 7-2010 là một trong những dự án không có trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch công nghiệp của tỉnh.


Tỉnh đã “chữa cháy” bằng cách cho phép điều chỉnh quy hoạch. Các trường hợp khác như dự án khu đô thị mới Phú Mỹ tại TP Quảng Ngãi, do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư đang triển khai xây dựng.


Dự án này có quy mô 170ha, tổng vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng, cũng không có trong quy hoạch phát triển đô thị và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của TP. Các dự án siêu thị và văn phòng cho thuê (của CTCP Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hợp Phát), Trường Mầm non Hoa Cương (doanh nghiệp tư nhân Thuận Phương), khu đô thị An Phú Sinh tại TP Quảng Ngãi, cấp nước Trà Bồng tại huyện Bình Sơn… cũng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nhưng đã được UBND tỉnh thống nhất cho xây dựng hoặc cho phép điều chỉnh.


Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, sự nhập nhằng trên bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu nhất quán giữa cơ quan thẩm định, tham mưu (Sở Kế hoạch - Đầu tư) và UBND trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án. Sở nhận thấy nhiều dự án không có trong quy hoạch chung, quy hoạch ngành và quy hoạch sử dụng đất.


Thông thường, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của từng dự án không được thực hiện khi phát sinh yêu cầu. Tuy nhiên, tại thời điểm thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự này đã được UBND tỉnh cho phép điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch.


Bất cập cần điều chỉnh


Ông Lê Hồng Hà, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận: Vào đầu thập niên 2000, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn theo kiểu “vừa nấu cơm, vừa mời khách”. Do đó, nhà đầu tư được thoải mái chọn đất.


Thế nên mới có hiện trạng lộn xộn về mặt quy hoạch ở khu công nghiệp Quảng Phú, các nhà máy chế biến thủy sản, thực phẩm nằm xen lẫn với nhà máy chế biến lâm sản, trong khi chưa có hệ thống xử lý nước thải. Phải sau gần chục năm sống chung với ô nhiễm, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới hoàn thành. Bên cạnh đó là dạng dự án được triển khai theo kiểu “từ trên ấn xuống”.


Ông Đoàn Dụng, Bí thư huyện ủy Bình Sơn, cho hay: Có những dự án tỉnh “áp” xuống. Dự án do tỉnh cấp phép, còn vướng mắc với dân thì huyện phải chạy theo xử lý, trong khi huyện không đủ lực và lắm lúc dự án không phù hợp với quy hoạch của huyện. Thí dụ Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai, đây là dự án tỉnh cấp phép trong khi huyện không hề hay biết.


Quảng Ngãi: Những dự án ngoài quy hoạch
Dự án khu đô thị Phú Mỹ không có trong quy hoạch đô thị của tỉnh
nhưng vẫn được cấp phép và triển khai xây dựng. Ảnh: HÀ MINH

Việc không nhất quán trong cấp phép đầu tư tại Quảng Ngãi đã để lại hậu quả là việc xử lý những dự án bị rút phép rất khó khăn. Ông Lê Trữ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh, cho biết: Là đơn vị được UBND tỉnh giao quyền cho thuê đất ở các khu công nghiệp, song hiện nay có nhiều dự án đã bị thu hồi giấy phép nhưng thủ tục giải quyết tài sản của chủ đầu tư chưa thực hiện được, hoặc thực hiện dài nên không thể cho nhà đầu tư mới thuê lại đất, gây lãng phí lớn.


Không những thế, một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp dù đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, do giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nay là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) được Sở Kế hoạch-Đầu tư cấp vẫn còn hiệu lực. Về mặt pháp lý, doanh nghiệp muốn được cấp giấy chứng nhận đầu tư phải có giấy phép kinh doanh phù hợp với ngành nghề đăng ký.


Nhưng giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch-Đầu tư cấp, trong khi ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh không có thẩm quyền này. Vì thế phát sinh bất cập trong công tác quản lý, xử lý các dự án bị rút giấy phép.

Theo Hà Minh (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.