Hàng nghìn ha đất của người dân vùng núi huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3. Tuy nhiên chủ đầu tư tự đến nhà thỏa thuận, mập mờ đền bù không có giám sát của chính quyền địa phương gây bức xúc
Nhận đền bù bồi thường phải ký... hợp đồng chuyển nhượng đất?
Ông Lê Quang Hiền (49 tuổi, trú thôn 5 xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) cho biết, ông có 8,3 ha đất tại khu vực Nà Gai, thôn 5 xã Trà Đốc bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Sông Tranh 3. Tuy nhiên dù đã 10 năm tiến hành kiểm kê nhưng việc đền bù đất của ông vẫn chưa được thực hiện. Sau khi có đơn kiến nghị thì mới được gọi tên lên làm việc.
Ngày 3/5 Trung tâm khai thác quỹ đất huyện Bắc Trà My tiến hành mời họp, tại đây giám đốc Trung tâm đưa ra số tiền áp giá đối với diện tích 3ha là 2.131.900 nghìn đồng (còn 5,3 ha đất còn lại không được nhận bồi thường).
Khi ông trực tiếp đến nhà máy thủy điện sông Tranh 3 để nhận tiền bồi thường đối với diện tích 3ha đất thì tại đây đại diện thủy điện sông Tranh 3 đã đưa một văn bản và đề nghị ông ký vào một Hợp đồng mua bán và chuyển nhượng các thửa đất cùng tài sản trên đất. Theo đó ông sẽ phải bàn giao đất và tài sản trên đất cho bên mua là ông Nguyễn Tấn Hùng (SN 1977, trú xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).
“Rõ ràng điều này là vô lý, trái quy định pháp luật. Tại sao tôi nhận tiền đền bù đất mà lại phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng?! Phải chăng chủ đầu tư muốn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để hợp thức hóa việc này bằng hình thức cho cá nhân đứng tên, thực hiện việc chuyển nhượng, mua lại đất dự án với giá rẻ mạt, thấp hơn nhiều lần so với giá trị thật?!. Tôi đây còn biết chữ chứ trong thôn người đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ cũng được yêu cầu ký vào giấy tờ họ soạn khi nhận tiền bồi thường” – ông Hiền bức xúc.
Ông Lê Quang Hiền phản ánh bức xúc trước việc bồi thường mập mờ, khất tất của chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 3
Hồ Văn Tiến (thôn 5, xã Trà Đốc) cho hay, gia đình anh có 3,5 ha đất bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3. Để thực hiện việc bồi thường, người của thủy điện Sông Tranh 3 lên và yêu cầu anh ký vào giấy tờ đã soạn sẵn. “Họ nói số đất đó được đền bù 450 triệu đồng rồi yêu cầu tôi ký vào hàng đống giấy tờ. Tui không biết chữ, ký xong rồi họ cũng không cho giữ lại giấy tờ gì luôn” – anh Tiến nói.
Anh Trương Văn Vui
Ông Trương Văn Vui (trú xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) phản ánh, ông có 7ha đất bị ảnh hưởng bởi thủy điện sông Tranh 3, tuy nhiên phía chủ đầu tư chỉ đồng ý đền bù 3 ha.
“Tôi không đồng ý với cách làm của chủ đầu tư. Thứ nhất là việc đo đạc số cây, tài sản, đất đai của tôi không đúng và việc áp giá cũng không theo quy định. Hơn nữa cách họ đền bù giống như... con buôn, trả lên trả xuống rồi hù dọa người dân chứ không minh bạch công khai, không có sự giám sát của chính quyền” – anh Vui nói.
Chính quyền: Không nắm rõ?!
Ông Hồ Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Trà Đốc nói, hiện tại địa phương cũng chưa nắm được số liệu cụ thể về các hộ dân thuộc diện đền bù do ảnh hưởng của thủy điện Sông Tranh 3.
“Số liệu cụ thể không nắm. Hồi năm 2008 có kiểm kê nhưng hồ sơ đưa hết về tỉnh. Hồ sơ không lưu trữ ở đây. Các công văn, giấy tờ về chủ trương, về giải tỏa đền bù không nắm, cũng không có hồ sơ lưu.” – Chủ tịch UBND xã Trà Đốc nói.
Theo ông Lợi, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 3 tự đi thỏa thuận với người dân chứ không thông qua chính quyền. Hồ sơ họ tự đi làm chứ cũng không thông qua xã.
“Sau khi nghe thông tin nhận tiền thì bên kia (thủy điện – PV) chi trả đã xong. Tuy nhiên họ cũng chưa trình lên xã danh sách các hộ dân nhận tiền để xã xác nhận kết quả. Theo nguyên tắc thì thủy điện sai. Muốn trả tiền đền bù cho dân thì phải có chủ trương phê duyệt hồ sơ, họp dân công khai... Việc kiểm kê thực hiện từ 2008, đến bây giờ là 10 năm bây giờ làm lại cho đúng quy trình là phải có văn bản thống nhất quan điểm chi trả giá cả mỗi hộ bao nhiêu thì niêm yết công khai. Khi mà đi trả tiền cho dân thì phải thông báo với xã, xã cử người cùng đi để giám sát. Nhưng giờ họ tự đi làm.” – ông Lợi nói.
Hàng ngàn ha đất của người dân huyện Bắc Trà My bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3
Trong khi đó, ông Đặng Công Tú – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bắc Trà My cho hay, hiện tại đơn vị không lưu trữ hồ sơ liên quan việc giải tỏa đền bù giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án thủy điện Sông Tranh 3. Giám đốc Trung tâm này cho biết, vấn đề này không được theo dõi từ đầu, đơn vị nhận được văn bản của huyện về việc phối hợp tham mưu giải quyết khiếu nại của 7 hộ dân liên quan đến bồi thường giải tỏa đền bù lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3, huyện chỉ đạo theo dõi, phối hợp với chủ đầu tư giám sát, tham mưu giải quyết.
“Đến bây giờ phía thủy điện họ chi trả đến thế nào đó cũng không biết, chúng tôi chưa có số liệu cụ thể, bảng giá cụ thể bên thủy điện họ áp giá như thế nào. Mới đây có đơn kiến nghị của người dân thì huyện mới chỉ đạo phối hợp kiểm tra - Giám đốc TTPTQĐ huyện Bắc Trà My nói, và phân phần “Số liệu chính xác thì chúng tôi cũng không rõ lắm, vì chủ đầu tư là thủy điện sông Tranh 3 họ cũng chưa cung cấp rõ ràng”.
Theo ông Tú, việc chủ đầu tư lập phương án đền bù, tự ý thỏa thuận với người dân, có khi ép người dân. “Chủ đầu tư tự áp giá, tự thỏa thuận với dân thì không đúng. Theo quy định thì chủ đầu tư khi tham gia một dự án tại địa phương thì phải thông qua địa phương, việc áp giá đền bù thì tỉnh phải ủy quyền cho địa phương để tham gia áp giá đúng theo quy định. Còn chủ đầu tư tự ý làm là sai” – ông Tú nói.
Hoài Văn (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.