Nhằm khai thác các tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế địa phương, Quảng Bình đã và đang chú trọng quảng bá, kêu gọi, trải thảm đỏ để thu hút đầu tư. Nhưng trên thực tế, không phải nhà đầu tư nào cũng đủ năng lực để đảm đương nổi sự kỳ vọng này.

Vẫn có nhiều dự án du lịch, bất động sản dang dở, bỏ hoang, lãng phí đất đai khiến người dân bức xúc, các nhà đầu tư (NĐT) có năng lực đến sau mất đi cơ hội, bức tranh kinh tế - xã hội tổng thể của tỉnh nhà có phần ảnh hưởng.

Công trình dang dở và bị bỏ hoang tại Dự án Khu nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Bang của Cty TNHH Tập đoàn Đông Dương đã bị thu hồi vào cuối năm 2016.

16 dự án buộc phải thu hồi

Từ năm 2016 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh, các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đầu tư thực hiện dự án hoặc tiến độ thực hiện chậm, qua đó phát hiện 78 dự án chậm tiến độ và tiến hành thu hồi 16 dự án không có khả năng tài chính triển khai, vi phạm luật đất đai với tổng diện tích đất thu hồi hơn 591.000m2 như: Dự án xây dựng khu khách sạn, siêu thị H&C tại phường Đức Ninh Đông của Cty TNHH XDTH Hoàng Hà và Cty TNHH XDTH Ninh Đức; Dự án thương mại dịch vụ tại xã Đức Ninh của DNTN TMDV Hoài Thu; Dự án xây dựng Nhà máy kết cấu thép tại xã Thuận Đức của Cty TNHH Địa Cầu Xanh; Dự án xây dựng Nhà máy chế tạo thiết bị công nghiệp, bồn áp lực xây dựng và lắp đặt nhà tiền chế, chất thải công nghiệp tại Khu công nghiệp Hòn La của Cty TNHH TM - DV và xuất nhập khẩu Phước Phong…

Về lý do thu hồi, ông Phạm Quang Ánh - Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: Khi đã tiến hành giao đất cho các dự án, qua quá trình theo dõi dài hạn từ các kênh riêng của đơn vị. Nhận thấy lý do dẫn tới buộc phải thu hồi đất các dự án trên bởi nguyên nhân khách quan thường thấy như: Các dự án tại Quảng Bình bị chậm đầu tư lại, từ khi sự cố Formosa xảy ra; Thời tiết tại địa phương hay thiên tai, diễn biến phức tạp; NĐT tìm kiếm lợi nhuận tại địa phương cũng khá khó.

Cùng một số nguyên nhân chủ quan như: Năng lực tài chính của NĐT chưa đáp ứng yêu cầu dự án đặt ra, cấp vốn nhỏ giọt; NĐT gặp rủi ro khi sản xuất, kinh doanh, phải bỏ ngang dự án đang triển khai.

Xem xét mọi khả năng trước khi thu hồi

Việc UBND tỉnh Quảng Bình thu hồi 16 dự án chậm tiến độ; đồng thời, ra văn bản đôn đốc 12 NĐT triển khai dự án theo tiến độ được phê duyệt. Một số ý kiến cho rằng, việc này có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư khi mà việc kêu gọi đầu tư vào tỉnh những năm qua luôn được chú trọng.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm, khi kêu gọi đầu tư, điều mong muốn của tỉnh và các ban, ngành địa phương là doanh nghiệp đầu tư dự án nhanh chóng, hiệu quả để góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Thế nhưng, khi doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian triển khai dự án vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về yếu kém năng lực tài chính và khả năng triển khai dự án bằng không thì việc thu hồi là cần thiết để nhường đất cho doanh nghiệp khác có tiềm năng.

Dĩ nhiên việc thu hồi sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, song nếu để vậy không thu hồi sẽ tạo dư luận không tốt và thậm chí còn tác dụng xấu đến môi trường đầu tư hơn nữa.

Thế nên, thu hồi đối với các dự án không có khả năng triển khai là giải pháp tối ưu, nhằm tránh các trường hợp chiếm dụng đất và để các NĐT thấy, dù Quảng Bình rất cần nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đầu tư triển khai các dự án nhưng tiến hành không đến nơi, đến chốn sẽ phải thu hồi.

Mặt khác, với mong muốn chia sẻ khó khăn, thể hiện thiện chí với các nhà đầu tư trong điều kiện khó khăn, tỉnh Quảng Bình đã xem xét gia hạn tiến độ sử dụng đất theo đúng quy định cho một số dự án để các nhà đầu tư có khả năng tiếp tục đầu tư.

Cụ thể, sau các đợt thanh tra, kiểm tra có nhiều dự án đã thực hiện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng hoặc đang thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích cho phù hợp với điều kiện thực tế để đầu tư có hiệu quả như Dự án khu Nhà nghỉ tại xã Quang Phú, TP Đồng Hới của Cty CP Đường sắt; Khu dịch vụ thương mại tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới của Cty TNHH Trường Hải Quảng Bình…

Danh sách một số dự án thu hồi đất do không thực hiện dự án, tiến độ chậm, vi phạm luật đất đai.

Tại một diễn biến khác, để xử lý một số dự án chậm tiến độ đã thu hồi, tỉnh Quảng Bình đã tìm hiểu và giới thiệu cho một số nhà đầu tư mới tiếp quản phần diện tích thu hồi và triển khai dự án như: Ngày 07/3/2018, ban hành Quyết định số 677/QĐ-UBND về thu hồi đất Dự án Nhà máy chế biến nguyên liệu giấy xuất khẩu của Cty TNHH Đức Toàn tại Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La để cho Cty CPTM Bảo Đạt Thành tiếp tục thuê đất, diên tích 35.000m2 để triển khai dự án; Ngày 06/4/2018, ban hành Quyết định số 1104/QĐ-UBND về thu hồi đất Dự án Nhà máy sản xuất của Cty TNHH Kim Tín Quảng Bình tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới để cho Cty CP Kính Sơn Kim tiếp tục thuê đất, diên tích 40.500m2 để triển khai dự án…

Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế, các địa phương liên quan kịp thời hỗ trợ giải quyết vướng mắc đối với Dự án Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa - Đảo Yến của Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh đang chậm tiến độ do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý khu kinh tế đã ban hành Quyết định số 371/QĐ-KKT ngày 04/4/2018 về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, đồng thời tiếp tục phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án…

Nhất Linh (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.