17/12/2010 2:51 AM
Dự án Nhà máy xi măng Tây Ninh là dự án nhóm A, được Chính phủ thông qua và giao cho Công ty Cổ phần Xi măng FiCO Tây Ninh làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 4.000 tấn clinker/ngày và 1,5 triệu tấn xi măng/nămvới tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng, bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy chính vào tháng 11 năm 2006.

Trong bối cảnh khó khăn chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008, sau hơn 25 tháng thi công với tiến độ hết sức khẩn trương, vượt qua muôn vàn khó khăn, ngày 26/12/2008, tấn Clinker đầu tiên đạt chất lượng cao, có màu sắc xanh đen đã được ra lò. Ngày 30/4/2009, tấn xi măng đầu tiên sản xuất tại Nhà máy xi măng Tây Ninh đã ra đời. Và sau hơn 3 năm thi công xây dựng và lắp đặt, Nhà máy xi măng Tây Ninh đã hoàn thành và đạt trên 75% công suất, bắt đầu trả được nợ gốc và lãi vay ngân hàng ngay trong năm đầu tiên sản xuất thử. Hiện nay, Nhà máy xi măng Tây Ninh đã chính thức đi vào hoạt động sản xuất, hệ thống thiết bị hoạt động ổn định đạt và vượt công suất thiết kế.


Dự án Nhà máy xi măng Tây Ninh là dự án đầu tiên trong ngành xi măng Việt Nam thực hiện hình thức đấu thầu quốc tế EPC. Từ thực tiễn Dự án Nhà máy xi măng Tây Ninh cho thấy tính hiệu quả và những lợi ích khi áp dụng hình thức hợp đồng EPC trong công tác quản lý dự án. Cụ thể như sau:

Tạo cơ hội cho các Chủ đầu tư và nhà thầu trong nước có điều kiện tiếp cận được nhiều cái mới, học hỏi về công nghệ, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm của nhà tổng thầu trong thiết kế, biện pháp thi công và tổ chức quản lý dự án để tiến tới tham gia dự thầu EPC các dự án nước ngoài.

Để tránh tình trạng lãng phí, thất thoát về vốn, việc kiểm soát và quản lý chất lượng xây dựng công trình lỏng lẽo như hiện nay do Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án, thực hiện quá nhiều các công việc khác nhau trong khi kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và nhân sự tham gia quản lý dự án chưa đủ mạnh. Việc áp dụng hình thức hợp đồng EPC trong trường hợp này cho phép tận dụng nguồn chất xám của nhà thầu tư vấn để đào tạo đội ngũ từng bước quản lý dự án.

Tiến độ thi công nhanh do đầu mối thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị và thi công là một chủ thể. Mặt khác, khi áp dụng hình thức này thì nhà tổng thầu chủ động hơn ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và thủ tục trong quá trình đầu tư đồng thời tạo điều kiện để nhà thầu phát huy vai trò linh hoạt, sáng tạo trong thiết kế, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công xây dựng và điều hành dự án nên rút ngắn được thời gian thi công. Nhờ việc đưa Dự án Nhà máy xi măng Tây Ninh sớm đi vào hoạt động đã tận dụng được cơ hội chớp thời cơ chiếm lĩnh thị trường đồng thời giảm lãi vay đầu tư, tiết kiệm chi phí đầu tư làm nâng cao tính hiệu quả của dự án.

Từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư trên công trường cũng như các thủ tục khác có liên quan đến quản lý đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC.

Chính nhờ việc áp dụng hình thức hợp đồng EPC nên Dự án Nhà máy xi măng Tây Ninh được ghi nhận là Dự án xi măng nhóm A của Nhà nước thi công với thời gian ngắn nhất, xây dựng được đội ngũ lao động có đủ năng lực, trình độ kinh nghiệm để vận hành nhà máy hoạt động hiệu quả và đủ khả năng tiếp tục thực hiện quản lý đầu tư xây dựng dây chuyền 2.

Qua những phân tích, nhận định và đánh giá nêu trên về lợi ích trong việc quản lý dự án theo phương thức hợp đồng EPC đã phần nào giải đáp được thắc mắc của đa số các nhà đầu tư đặt ra là Tại sao phải áp dụng hình thức hợp đồng EPC? Nhưng do đây là hình thức quản lý dự án mới được áp dụng nên trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp một số những khó khăn, vướng mắc và bộc lộ một số tồn tại nhất định mà chúng ta cần phải lưu ý khi áp dụng hình thức này:

Do hình thức hợp đồng EPC chưa phổ biến ở Việt Nam nên cơ chế quản lý điều hành chưa hoàn thiện. Chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn quản lý dự án chưa phát huy hết vai trò và công tác phối hợp với nhà tổng thầu chưa tốt. Về nguyên tắc, tổng thầu EPC chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ đầu tư về chất lượng, tiến độ công việc theo hợp đồng đã ký kết kể cả phần việc của nhà thầu phụ thực hiện. Chủ đầu tư chính là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhà đầu tư về việc thực hiện các qui định trong quản lý đầu tư và xây dựng, về chất lượng, tiến dộ, chi phí thực hiện cũng như hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chứ không phải tổng thầu. Do vậy, Chủ đầu tư phải thể hiện được vai trò của mình trong công tác điều hành, quyết định, chủ động tìm cách giải quyết và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức quản lý thực hiện dự án. Mặt khác, nhà thầu tư vấn quản lý dự án cũng phải thể hiện được vai trò hỗ trợ Chủ đầu tư quản lý điều hành dự án, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ thực hiện và thường xuyên phối hợp với Chủ đầu tư, tổng thầu nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình.

Một trong những đặc điểm nổi bật của Hợp đồng EPC là việc sử dụng các nhà thầu phụ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể về vấn đề này. Do vậy cần phải bổ sung các quy định trong quản lý để có cơ sở pháp lý điều tiết mối quan hệ Tổng thầu và nhà thầu phụ đảm bảo thực hiện hợp đồng EPC không bị ảnh hưởng bởi các biến động, thay đổi nhà thầu phụ.

Một số dự án hiện nay đứng trước nguy cơ phá sản do công tác thu xếp nguồn vốn của Chủ đầu tư gặp khó khăn. Vì vậy trong việc lựa chọn tổng thầu EPC, ngoài các tiêu chí như năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị và thi công xây dựng thì nhà tổng thầu EPC nhất thiết phải có năng lực về tài chính đủ mạnh để hỗ trợ Chủ đầu tư trong những giai đoạn khó khăn nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án.

Trong một số trường hợp, việc cụ thể hóa các yêu cầu của Chủ đầu tư chưa thể hiện trong thiết kế cơ sở của dự án. Vì vậy, Chủ đầu tư cũng cần phải nêu ra các yêu cầu cụ thể trong hồ sơ mời thầu để làm rõ phạm vi công việc và trách nhiệm của nhà tổng thầu trong việc thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị và thi công nhằm đảm bảo thiết kế tiên tiến, thiết bị hiện đại và tiến độ thi công nhanh, đặc biệt là chọn được thiết bị như mong muốn.

Các nhà thầu nước ngoài gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện do không nắm rõ thời tiết, địa chất thủy văn, phong tục tập quán cũng như các quy định, quy phạm pháp luật của Việt Nam. Do còn hạn chế trong việc áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài nên việc chuyển đổi thiết kế từ tiêu chuẩn nước ngoài sang tiêu chuẩn Việt Nam gặp nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ thi công dự án như kế hoạch đề nghị cho phép áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài, đặc biệt là các nước láng giềng của Việt Nam chẳng hạn như Trung Quốc.

Hợp đồng EPC là phương thức đang được áp dụng phổ biến trên thế giới và qua những phân tích ở trên cho thấy việc áp dụng hình thức này cần phải được triển khai thực hiện, phổ biến áp dụng rộng rãi hơn nữa ở Việt Nam. Để làm được điều này cũng như phát huy hiệu quả mà phương thức này mang lại thì cơ chế quản lý dự án cần phải xây dựng cụ thể, rõ ràng, đồng bộ giữa các bộ, ngành; cần có sự phối hợp tích cực của Chủ đầu tư, nhà thầu, sự ủng hộ của địa phương, các bộ ngành liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc đồng thời sớm ban hành biểu mẫu hợp đồng EPC để có cơ sở vận dụng, triển khai thực hiện. Mặt khác cũng cần có những hướng dẫn cụ thể về cách thức tổ chức triển khai thực hiện theo phương thức này cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Mai Ngọc Liêm

Tổng giám đốc CTCP xi măng FICO Tây Ninh

Cafeland.vn - Theo Báo Xây Dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.