Tranh chấp liên quan đến mức phí quản lý xảy ra từ chung cư giá rẻ đến chung cư cao cấp. Ảnh: Đức Thanh
Theo quy định tại Thông tư 02/2016 quy định quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở. Việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này; việc đóng góp các khoản phí, lệ phí trong quá trình sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, các vụ tranh chấp có liên quan tới mức phí quản lý trong các tòa nhà chung cư vẫn thường xuyên xảy ra, thậm chí cả với những chung cư còn chưa đi vào sử dụng.
Chẳng hạn như vụ tranh chấp tại Chung cư Hồ Gươm Plaza (phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) diễn ra cách đây không lâu. Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, nguyên nhân của mâu thuẫn này là do cư dân không chịu đóng mức phí dịch vụ tạm thu mới 5.500 đồng/m2 (tăng 2.000 đồng/m2 so với trước), nên chủ đầu tư đã cắt điện nước và khóa thang máy, khiến cư dân bức xúc. Được biết, những mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư Hồ Gươm Plaza xảy ra trước cả khi cư dân chuyển về sinh sống.
Mới đây nhất, tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư cũng đã xảy ra tại một chung cư thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Dù dự án chưa đưa vào sử dụng, nhưng việc chủ đầu tư đưa ra mức phí dịch vụ tạm tính lên tới 8.000 đồng/m2 đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ phía cư dân khi cho rằng mức phí trên là quá cao. Bởi theo cư dân, nhìn sang một tòa nhà bên cạnh đã đi vào hoạt động được 3 năm, cũng cùng thuộc khu đô thị, nhưng do chủ đầu tư khác triển khai, thì mức phí lại chỉ bằng một nửa so với mức phí quản lý mà chung cư sắp bàn giao này tiến hành thu.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, giám đốc một công ty quản lý tòa nhà chung cư lớn có trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, việc tranh chấp về phí quản lý tại các tòa nhà chung cư không mới. Bản thân việc vận hành chung cư ở mỗi dự án sẽ có một đặc điểm riêng, nên việc thu phí quản lý cũng khác nhau.
Trong một môi trường hiện đại, một đơn vị quản lý chuyên nghiệp không chỉ dừng ở việc quản lý các trang thiết bị hay các khu vực công cộng, mà còn hướng tới việc cung cấp một dịch vụ toàn diện, trọn gói và phục vụ 24/7 cho cư dân, như dịch vụ sửa chữa bên trong căn hộ, giặt ủi, vệ sinh căn hộ… Tuy nhiên, vấn đề là liệu các đơn vị quản lý có sẵn sàng minh bạch trong vấn đề thu chi các loại dịch vụ khác nhau tại các tòa nhà chung cư hay không và có những giải thích rõ ràng để cư dân hiểu rõ hay không.
Cũng theo vị giám đốc này, tại nhiều nước và vùng lãnh thổ phát triển về chung cư cao tầng như Hồng Kông hay Singapore, các mâu thuẫn rất hiếm khi xảy ra và chủ yếu là giữa các cư dân liên quan đến hoạt động hàng ngày. Việc họ hướng dẫn rất chi tiết đối với từng vấn đề liên quan đến việc quản lý, vận hành chung cư, cũng như cách phân chia phí quản lý, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi chủ sở hữu đối với khu vực chung - riêng, quy định về đóng phí và thu phí, quy định về tham gia thành viên ban quản trị, bầu ban quản trị…, giúp hạn chế những rắc rối phát sinh thường thấy tại Việt Nam.
Do đó, đây chính là hướng đi mà Việt Nam cần hướng tới để tạo sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động quản lý tòa nhà chung cư. Vấn đề đối với cư dân không phải ở việc phí quản lý thấp hay cao, mà là ở sự minh bạch trong chi tiêu của chủ đầu tư, hay đơn vị phụ trách quản lý tòa nhà. Chủ đầu tư cần hiểu trách nhiệm của mình, vừa không được tận thu, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Nếu chi phí tăng, đơn vị quản lý phải họp bàn với cư dân để nhận được sự đồng thuận về việc cắt giảm dịch vụ hoặc tăng phí quản lý dựa trên việc công khai tất cả khoản chi và phải do chính người dân quyết định.