Phân khúc nào đang được khách hàng quan tâm nhiều nhất trên thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay? Đối tượng khách hàng nào mới xuất hiện trên thị trường và liệu thị trường có xảy ra “cơn sốt” khi đối tượng đầu cơ lại “tái xuất”?... Để làm rõ những vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam.
Theo nhiều nhận định của các chuyên gia thì thị trường nhà đất đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Vậy phân khúc nào đang được nhiều khách hàng quan tâm nhất, thưa ông?
Giai đoạn vừa qua, các phân khúc trên thị trường BĐS đều có sự phục hồi mạnh mẽ, nhất là phân khúc trung cấp thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng.
Nhà đầu tư hầu như bỏ qua phân khúc cao cấp thời gian qua, chủ đầu tư tập trung vào phân khúc trung bình để giải đáp “cơn khát” của thị trường về nhà ở.
Khi thị trường phục hồi, tầng lớp trung lưu cũng sẽ gia tăng nhiều, nguồn cầu về nhà ở trên dưới 2 tỷ đồng là rất lớn. Với những khách hàng đã có tầm 1 tỷ đồng thì hoàn toàn có thể vay vốn ngân hàng để mua nhà với giá trên dưới 2 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Toản tiết lộ: “Quan chức, công chức ngoại tỉnh mua nhà ở Hà Nội rất nhiều”. Ảnh: Nguyễn Lê |
Bên cạnh đó, phân khúc cao cấp cũng đã bắt đầu có sự quan tâm của khách hàng vì phân khúc này không còn nhiều ở Hà Nội khi quỹ đất hạn chế. Đơn cử, chúng tôi đang thực hiện dự án Hồng Không Tower ở Đê La Thành thì chỉ trong vòng 1 tuần đầu mở bán chúng tôi đã bán hết số lượng (?) căn đưa ra thị trường với mức giá trên dưới 40 triệu đồng.
Đây là mức độ quan tâm thị trường khiến chúng tôi cũng rất ngạc nhiên vì phân khúc đó chỉ đáp ứng được một bộ phận khách hàng với tỷ lệ không lớn nhưng do lượng cung không có nhiều nên nó vẫn đáp ứng được sự quan tâm của các đối tượng đầu cơ và đối tượng mua để ở.
Bênh cạnh những người mua với nhu cầu ở thực thì đã có đối tượng đầu cơ tham gia vào thị trường, theo ông đây có phải là tín hiệu tốt cho thị trường BĐS?
Khi có nhà đầu tư tham gia vào thị trường, đó là tín hiệu vui vì trên thị trường đã hình thành thêm thị trường cấp 2 thay vì chỉ thuần túy có thị trường cấp 1 như thời gian vừa qua.
Nghĩa là, thị trường đã có sự mua đi bán lại, có kỳ vọng tăng giá, lượng khách hàng đầu cơ tham gia thị trường sẽ tạo cho thị trường có bức tranh tổng thể tươi sáng hơn, tính thanh khoản sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng sẽ mạnh dạn đưa ra những gói kích cầu, đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường, kéo theo một loạt các vấn đề khác về kinh tế phục hồi như ngân hàng, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, đơn vị xây lắp…
Phân khúc căn hộ trung bình, giá trên dưới 2 tỷ đồng được nhiều khách hàng quan tâm hiện nay. Ảnh: Minh Thư |
Ông có thể tiết lộ đối tượng khách hàng tiềm năng cho thị trường thời gian tới là thế nào?
Những đối tượng có thu nhập ổn định ở ngoại tỉnh, lượng quan chức, công chức mua nhà ở Hà Nội rất nhiều.
Từ phó chủ tịch huyện hoặc trưởng phòng một Sở trở lên là mua được nhà ở Hà Nội. Lượng khách hàng này tương đối lớn vì họ có nhu cầu về nhà ở và lại có khả năng tài chính.
Tôi cho rằng, đây sẽ là lượng khách hàng tiềm năng lớn vì họ đều có con học ở Hà Nội nên sẽ có nhu cầu mua nhà để cho con ở ổn định hoặc mua nhà để tích trữ.
Phân khúc mà đối tượng khách hàng này quan tâm là phân khúc nhà ở với giá trên dưới 2 tỷ đồng, chứ họ không mua nhà ở phân khúc trung bình hay nhà thu nhập thấp. Cũng có một số đối tượng khác quan tâm đến nhà cao cấp hơn.
Thị trường đã phục hồi, không chỉ có đối tượng mua để ở mà còn có thêm đối tượng đầu cơ, đầu tư tham gia. Vậy, theo ông có dự báo thế nào về thị trường thời gian tới đây, gần nhất là quý 2? Và liệu thị trường có thể xảy ra kịch bản “sốt nóng” như thời kỳ 2007 – 2008?
Tôi cho rằng, trong quý 2 thị trường vẫn sẽ đi ngang, không có nhiều thay đổi so với quý 1. Chu kỳ hàng năm thị trường chỉ tốt trong những tháng đầu năm, còn những tháng giữa năm thường trầm, còn đến cuối năm này và đến đầu năm 2016, thị trường sẽ tốt hơn thời điểm hiện tại.
Còn việc sốt nóng như giai đoạn 2007 – 2008 theo tôi rất khó xảy ra, lý do là có sự điều chỉnh lớn của cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh đó các chủ đầu tư cũng như các thành phần tham gia thị trường BĐS đều được cảnh giác hơn, họ đều lường trước được những rủi ro. Thay vì làm ào ào như trước thì nay họ đều có tính toán cẩn thận, đều có phân tích dự đoán thị trường, phân tích lượng cầu hiện tại và tương lai để làm sao khi đưa sản phẩm ra để họ có thể tiêu thụ được.
Ngoài ra, Luật kinh doanh BĐS mới ra đời có quy định việc ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư thông qua việc bán nhà phải có ngân hàng bảo lãnh, khi đó dòng tiền để thực hiện dự án đều do ngân hàng kiểm soát, ngân hàng đều không muốn có sự rủi ro về vốn nên sẽ kiểm soát rất chặt. Khi đưa sản phẩm mới ra thị trường đều có đánh giá tổng quát của chủ đầu tư, ngân hàng và các đơn vị tư vấn để làm sao tính thanh khoản tốt nhất và an toàn cho các khoản đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
-
Hà Nội phê duyệt đầu tư tuyến đường rộng 60m nối quốc lộ 3 với cầu gần 20.000 tỷ do Vingroup đề xuất đầu tư
Dự án tuyến đường nối quốc lộ 13 đến cầu Tứ Liên sẽ được đầu tư xây dựng với chiều dài khoảng 7,9km, nền đường rộng 60m.
-
Hà Nội kiểm tra, rà soát toàn diện các sàn giao dịch bất động sản
Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện và thị xã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện các sàn giao dịch bất động sản trong khu vực.
-
Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Sáng 14/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.