Nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa
Nhà ông Nguyễn Ngọc Minh (số 123A/12 đường Nguyễn Văn Quỳ, tổ 2, khu phố 1, P.Tân Thuận Đông, Q7) hiện xuống cấp nghiêm trọng. Ông định sửa chữa lại căn nhà nhưng chính quyền địa phương không cho phép vì đất đang trong giai đoạn giải tỏa, nếu sửa chữa sau này sẽ không được đền bù. Ông Minh than thở: “Mỗi lần triều cường dâng hay mưa xuống, nhà tôi ngập gần nửa mét. Bốn thành viên trong gia đình phải còng lưng tát nước”. Hiện nay nền cũng như trần của nhà ông Minh đã bị hư hại nặng, khả năng sập bất cứ lúc nào; đặc biệt mùa mưa đang cận kề.
Tương tự, nhà bà Nguyễn Thị Cứng (số 399) cũng bị ngập mỗi khi có triều cường dâng hay mưa xuống. Gia đình bà phải sắm hai máy bơm để khi nước vào nhà thì bơm ra ngoài. Bà Cứng cho biết, xung quanh nhà có đất trống, định xây nhà tạm cho thuê kiếm thêm thu nhập nhưng chính quyền không cho. Nghiêm trọng hơn, nhà bà Nguyễn Thị Thôi (số 3/11B) có người mẹ già. Lúc đang đi vệ sinh thì triều cường dâng, nền nhà vệ sinh bị ngập khiến bà già té gãy xương chậu, không bao lâu sau thì qua đời. Bà Thôi bức xúc: “Mỗi ngày nước tràn vào nhà bà hai lần, gia đình xúm nhau quét dọn. Những thứ đồ dùng trong nhà làm bằng gỗ đều đã bị mục nát”. Bà Nguyễn Thị Rồi cũng có đất trong khu vực này. Bà dựng căn chòi tạm bợ che nắng che mưa, nhưng cũng bị chính quyền địa phương buộc tháo dỡ. Ngày con bà Rồi mất, không có nhà làm ma chay, bà đành để đám tang diễn ra ngoài trời trước sự thương xót của người dân xung quanh. Bà Rồi giờ cũng đi bỏ xứ, làm thuê làm mướn lấy tiền thuê nhà trọ ở.
Quanh năm suốt tháng nước tràn vô nhà khiến bà con mệt mỏi
Ngoài việc nhà cửa xuống cấp, không được sửa chữa và mọi giao dịch nhà đất cũng bị ngưng, môi trường sống nơi đây đang ngày càng phức tạp. Do nơi ẩm thấp, các côn trùng như muỗi, gián, chuột sinh sôi nảy nở rất nhanh. Người già trẻ em chập tối đã phải chui vô mùng. Bà con đã dùng mọi biện pháp như xịt, dùng lưới điện... nhưng muỗi vẫn nhiều vô kể. Do đó, nhiều trẻ em tại đây bị sốt xuất huyết là điều khó tránh khỏi.
Khu dân cư trên nằm trong quy hoạch đường D6, nối từ khu dân cư Nam Long đến đường Nguyễn Văn Quỳ (quận 7) với quy mô 5.346,6m2, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, dự án được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2002. Theo UBND quận 7, tháng 7-2013 quận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chủ đầu tư dự án tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân theo quy định, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ chủ đầu tư. Ông Phạm Văn Oai có đất nằm trong khu giải tỏa cho biết, bà con sẵn sàng hợp tác với chủ đầu tư trong việc trả mặt bằng thi công công trình như UBND thành phố đã phê duyệt. Nhưng dự án kéo dài quá lâu, người dân thì chưa nhận được tiền đền bù giải tỏa trong khi nhà cửa xuống cấp, môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.