10/12/2013 2:30 PM
Vào những năm 1999 - 2000, người hâm mộ thể thao và giới truyền thông tại TPHCM không khỏi ngạc nhiên và khâm phục trước sự đam mê thể thao vô hạn của ông Hoàng Đức Nam (SN 1956, ngụ ấp Trung Mỹ Tây, xã Trung Chánh, Hóc Môn, một cầu thủ bóng đá) khi bán tất cả tài sản nhà đất và vay mượn thêm tiền của nhiều người để tham gia chủ trương “xã hội hóa” thể dục thể thao, xây dựng sân bóng đá Thuận Kiều (tọa lạc tại KP6, P.Tân Thới Nhất, Q12).

Người xung phong

Sau hơn 14 năm làm chủ nhiệm CLB bóng đá, đến ngày 5-12-2013 sân bóng bỗng bị cưỡng chế, phá bỏ. Không chỉ bị thiệt hại về tài sản, tiền bạc, ông Nam còn phải gánh chịu thêm tiếng oan là “người lấn chiếm đất công”. Quá uất ức, ông đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng để đòi lại sự công bằng và quyền lợi hợp pháp...

Trong đơn khiếu nại, ông Nam trình bày: Do quá đam mê bóng đá nên vào tháng 6-1999, sau khi đứng tên xin thành lập CLB bóng đá Thuận Kiều (theo mô hình CLB bóng đá Đa Phước, huyện Bình Chánh) thuộc sự quản lý của Trung tâm Thể dục thể thao (TTTDTT) quận 12, ông đã mạnh dạn đề xuất với TTTDTT quận 12 và Phòng Tài chính kế hoạch quận lập dự án đầu tư xây dựng sân bóng đá tại khu nghĩa địa công Đồng Tĩnh. Khu đất này có diện tích 20.230m2, thuộc một phần thửa số 18, 19, 64, 152, 156 tờ bản đồ số 1 và 3 do UBND xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn - nay là quận 12, lập năm 1995, do Nhà nước quản lý. Bằng thông báo số 90 ngày 4-6-1999, UBNDQ12 đã chấp thuận giao cho TTTDTT quận 12 và UBNDP.Tân Thới Nhất cùng quản lý và hợp tác đầu tư khai thác sân bóng với ông Nam.

Ông Nam bức xúc trình bày vụ việc

Để xây dựng sân bóng, ông Nam đã phải bán tất cả đất đai, nhà cửa, đồng thời vay mượn của nhiều bà con họ hàng được khoảng gần 700 triệu đồng (tương đương 135 lượng vàng SJC tại thời điểm bấy giờ). Ngoài kinh phí để di dời mồ mả, hài cốt và hỗ trợ một số hộ dân địa phương đến khu vực khác sinh sống; ông đã đầu tư san lấp, xây dựng công trình quy mô với nhiều hạng mục như: sân cỏ, đường chạy quanh sân, sân tập mini, khán đài, văn phòng, nhà xe, nhà kỹ thuật dành cho huấn luyện viên và vận động viên, căn tin, hệ thống thoát nước, giếng nước, máy bơm... Dự án đầu tư xây dựng sân bóng đá Thuận Kiều được Cty thiết kế xây dựng CD12 thực hiện thi công và được TTTDTT quận 12 thẩm định, đóng dấu xác nhận.

Sau khi được đưa vào hoạt động kinh doanh, khai thác, ông Nam trong vai trò là chủ nhiệm CLB bóng đá Thuận Kiều đã quản lý, sử dụng sân bóng đúng tôn chỉ mục đích theo tinh thần giúp người dân địa phương có điều kiện rèn luyện sức khỏe. Từ đó, hàng năm UBNDP.Tân Thới Nhất đều thu tiền cho thuê sân bóng với mức hơn 20 triệu đồng/năm.

Những quyết định trái khoáy

Khi cả gia tài, điền sản đã đổ hết vào sân bóng và việc kinh doanh sân bóng chưa thu hồi hết vốn thì bất ngờ, UBNDQ12 có công văn số 750 quyết định thanh lý hợp đồng thuê sân bóng đá Thuận Kiều với ông Nam, giao cho TTTDTT quận 12 tiếp nhận, quản lý, thời gian thực hiện trước ngày 30-6-2010. Không đồng ý với quyết định trên, ông Nam đã khiếu nại.

Tại buổi làm việc ngày 1-10-2010, ông Nam đã yêu cầu UBND phường, quận cho xem bản hợp đồng cho thuê đất, giao đất trước khi bắt buộc ông phải giao trả mặt bằng, thì các cơ quan này đã không thực hiện được. Tiếp theo, tại cuộc họp với UBNDP.Tân Thới Nhất, ông Nam đã trình bày: việc hợp tác giữa ông và UBNDQ12 là thỏa thuận miệng, nên không thể xác định được thời gian cho thuê sân bóng để phường, quận làm căn cứ chấm dứt hợp đồng cho thuê đất. Ông đề nghị UBNDQ12 phải bồi thường số tiền mà ông đã bỏ ra để xây dựng sân bóng. Sau khi nhận xong tiền bồi thường, ông sẽ tự nguyện bàn giao...

Điều buồn cười là ngày 5-8-2013, UBNDP.Tân Thới Nhất đã ra quyết định số 272 xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông, nhưng mức phạt tiền bằng 0 đồng, với lý do ông bị quy chụp là “lấn chiếm đất công”. Không đồng ý, ông Nam tiếp tục khiếu nại. Ngày 27-8-2013, UBNDP.Tân Thới Nhất đã ra quyết định thu hồi quyết định số 272 và nhìn nhận có sai sót khi ban hành quyết định này. Tiếp đó, ngày 14-11-2013, UBNDP.Tân Thới Nhất đã ra quyết định số 392 buộc ông Nam phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (tự tháo gỡ toàn bộ công trình, vật kiến trúc, cây cối hoa màu trên đất) do đã có hành vi lấn chiếm đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Ngày 29-11-2013, UBNDP.Tân Thới Nhất lại ký tiếp quyết định số 419 về cưỡng chế công trình xây dựng sân bóng của ông Nam.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nam nói: “Bao nhiêu tiền bạc, tài sản dành dụm cả đời tôi đã đổ dồn hết vào đây. Vậy mà bây giờ, UBNDP.Tân Thới Nhất và UBNDQ12 lại ép buộc, cưỡng chế khiến tôi bị thiệt hại nặng nề về kinh tế và bị xúc phạm nghiêm trọng về danh dự, uy tín. Bản thân tôi khi đầu tư xây dựng sân bóng là được sự chấp thuận của UBNDQ12, chứ tôi không hề có bất cứ hành vi nào để gọi là lấn chiếm đất công như phường và quận nói”. Về mục đích thu hồi đất, ông Nam bức xúc: “Nếu thu hồi đất để phục vụ mục đích an sinh xã hội thì tôi sẵn sàng hợp tác bàn giao sau khi UBNDQ12 chịu bồi thường tiền cho tôi, dù ít hơn số tiền mà tôi đã đầu tư cũng được. Còn đằng này phường, quận lại cưỡng chế phá bỏ sân bóng để bàn giao đất cho TTTDTT quận 12 làm sân bóng mới thì thật là phi lý, không công bằng và khách quan”.

Được biết, từ ngày sân bóng bị phá bỏ, gia đình ông Nam lâm cảnh nợ réo con đòi khi ông vẫn chưa trả hết số tiền đã vay mượn của các anh chị em và bà con họ hàng để đầu tư xây dựng sân bóng. Ông Nam đã tiếp tục khiếu nại với các cơ quan cấp trên với mong muốn đòi lại quyền lợi chính đáng, công bằng cho ông và các thành viên CLB sau khi phải chịu bao uất ức, thiệt thòi không đáng có...

Nguyễn Hiếu (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.